Ngược xuôi "chạy" trường

20/06/2016 07:18

Cách đây vài tháng, các bậc phụ huynh đã chạy đôn chạy đáo để con em mình được vào trường, lớp theo ý muốn.



Nhiều phụ huynh đã đưa con em đến nhà cô giáo học chữ trước khi vào lớp 1


Mặc dù đến tháng 7, các trường tiểu học, THCS mới đồng loạt tuyển sinh lớp 1, lớp 6 nhưng từ cách đây vài tháng, các bậc phụ huynh đã chạy đôn chạy đáo để con em mình được vào trường, lớp theo ý muốn.

Muôn kiểu "chạy"

Tại một cửa hàng quần áo trẻ em trên đường Điện Biên Phủ, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), tôi tình cờ nghe được cuộc trao đổi kinh nghiệm "chạy" cho con vào lớp 1 giữa hai người phụ nữ. Chị Nguyễn Thị H. là chủ cửa hàng nói với người phụ nữ có tên Đ: "Chị nghe người ta nói khối lớp 1 Trường Tiểu học H. năm nay, cô X. sẽ dạy lớp đầu, cô Th. dạy lớp thứ hai rồi đến cô T. dạy lớp thứ ba... Vào được lớp cô X. khó lắm, phải là những người có cơ. Hơn nữa học sinh vào lớp này phải có sức khỏe và lực học tốt mới theo được". Thấy chị Đ. có ý muốn xin cho con vào lớp thứ hai do cô Th. dạy, chị H. khuyên: "Điều kiện bình dân như gia đình em, chị nghĩ em nên lo cho con vào lớp cô T. thì phù hợp hơn".

Trường hợp của chị Trịnh Thị M. ở đường Tân Kim, phường Tân Bình (TP Hải Dương) lại khá đặc biệt. Đúng tuyến, con trai chị sẽ học ở Trường Tiểu học Bình Minh. Được vào học ở trường này là mơ ước của khá nhiều phụ huynh nhưng chị M. lại đang nhờ người cạy cục chuyển con về học ở Trường Tiểu học T. mà theo lý giải của chị là vì con chị "bấy" hơn so với các bạn cùng trang lứa. “Thường thì những trường tốp đầu bao giờ áp lực học hành cũng lớn hơn mà tôi lại không muốn con mình chịu áp lực quá lớn so với sức của cháu”, chị M. nói. Tuy nhờ người quen giúp đỡ đã nửa tháng nhưng đến thời điểm này, chị M. vẫn chưa biết kết quả. Dù vậy, hơn 1 tháng trước, chị M. đã cho con đến nhà cô học viết chữ vào buổi tối.

Tình trạng "chạy" trường, "chạy" lớp dẫn đến quá tải ở một số trường đã diễn ra từ nhiều năm nay, chủ yếu xảy ra trên địa bàn TP Hải Dương. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ 1-2 tháng trước đây, nhiều phụ huynh có con em năm nay học lớp 1 đã phải nhờ vả xin xỏ vào những trường tốp đầu, lớp có thầy cô dạy tốt. Các trường cũng đã phân công giáo viên dạy lớp 1. Theo kinh nghiệm của một số phụ huynh, nếu chỉ thầy cô chủ nhiệm lớp đồng ý thôi chưa đủ mà phải được hiệu trưởng "bật đèn xanh".

Cuộc đua "chạy" trường, "chạy" lớp đối với học sinh chuẩn bị vào lớp 6 cũng diễn ra quyết liệt không kém. Kể từ năm học 2015-2016, việc xóa bỏ thi tuyển vào lớp 6 mà chỉ xét tuyển học bạ khiến cuộc đua càng trở nên quyết liệt hơn. Theo quy định, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học được chuyển cấp theo vùng tuyển sinh. Riêng đối với đầu vào của hai trường chất lượng cao là THCS Lê Quý Đôn và THCS Bình Minh, việc xét tuyển phức tạp hơn. Do không áp dụng chấm điểm ở cấp tiểu học nên các trường căn cứ vào điểm của các kỳ thi cuối năm học. Học sinh muốn nộp hồ sơ vào 2 trường này phải là học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 4, các điểm thi cuối năm lớp 5 phải đạt từ 9 trở lên. Sau đó, các trường tiến hành xét tuyển bằng cách cộng điểm 2 môn tiếng Việt, toán ở kỳ thi cuối các năm học lớp 1, lớp 2, lớp 3 rồi cộng điểm 4 môn tiếng Việt, toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội của kỳ thi cuối các năm lớp 4, lớp 5 và cộng các điểm ưu tiên (nếu có), sau đó xét từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu được giao.

“Một số bạn tôi có con năm nay vào lớp 6 đang nhờ vả hết người này đến người khác để xin vào”.


Mặc dù Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP Hải Dương chưa công bố kế hoạch tuyển sinh năm học 2016-2017 nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, yêu cầu xét tuyển vào 2 trường THCS Lê Quý Đôn và THCS Bình Minh năm nay sẽ cao hơn. Ngoài việc vẫn tổ chức xét học bạ như năm trước, dự định các trường này sẽ xét thêm tiêu chí phụ từ kết quả các kỳ thi giải toán, tiếng Anh trên mạng internet. Chị Nguyễn Thị H. ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) có con đoạt giải cao trong cuộc thi giải toán trên mạng internet mới đây cho biết vẫn chưa chắc chắn con mình có được xét tuyển vào Trường THCS Lê Quý Đôn hay không. "Tôi muốn cháu vào học ở trường này vì môi trường học tập ở đây được nhiều người đánh giá khá tốt. Tuy nhiên, đến thời điểm này tôi cũng chưa biết cháu có vào được không vì một số bạn tôi có con năm nay vào lớp 6 đang nhờ vả hết người này đến người khác để xin vào", chị H. lo lắng.

Con trai chị Trần Kim C. ở khu 11, phố Trương Mỹ, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cũng chuẩn bị vào học lớp 6. Gặp bạn bè, đồng nghiệp, ai cũng bàn tán về chuyện xin cho con vào lớp này, trường kia, học thêm cô X., thầy K... chị thấy ruột nóng như lửa đốt. "Đúng tuyến, con tôi sẽ học Trường THCS Bình Minh nhưng tôi muốn cháu vào học lớp chất lượng cao. Nghe một chị bạn nói nếu không quen biết thì sẽ khó vào được”, chị C. nói.

Phụ huynh cần tỉnh táo

Nguyên nhân chính của việc "chạy" trường, "chạy" lớp hiện nay xuất phát từ tâm lý của nhiều phụ huynh muốn cho con em mình vào những trường chất lượng tốp đầu và vào lớp của những thầy, cô có nhiều thành tích trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Theo nhiều phụ huynh, các "bài chạy" rất phong phú. Có người trực tiếp đến nhà hiệu trưởng, hiệu phó xin xỏ, có người nhờ đến cả “cò”. Có cầu ắt có cung, một số người bán hoa quả ở cổng một số trường cũng trở thành "cò" chạy trường nếu có người "đặt hàng". Tuy nhiên, nhiều người vì không tìm hiểu kỹ, đưa tiền cho "cò" lại không được việc. Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn TP Hải Dương cho biết: “Bản thân tôi cũng từng gặp nhiều phiền toái khi phụ huynh học sinh đến tận nhà riêng xin cho con học trái tuyến hoặc lớp này, lớp khác. Điều đó không chỉ gây áp lực cho phía nhà trường mà còn gây áp lực đối với chính các phụ huynh và các em học sinh. Việc quản lý, theo dõi phổ cập theo từng địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn. Chưa kể một số trường hợp bị "cò" lợi dụng chiếm đoạt tiền làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà trường”.

Bà Lê Thị Mỹ Phương, Trưởng Phòng GDĐT TP Hải Dương cho biết, từ ngày 15-6 đến 24-7, các trường tiểu học, THCS sẽ chính thức tuyển sinh và có thông báo cụ thể, công khai quy trình tuyển sinh ở bảng tin của nhà trường. Các bậc phụ huynh yên tâm cho các con nghỉ ngơi, không nên ép các con học thêm trong dịp nghỉ hè. Việc ép trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 không chỉ tạo áp lực tức thời mà còn gây ra nhàm chán khi các con bước vào năm học mới.

Để khắc phục tình trạng "chạy" trường, "chạy" lớp, ngành giáo dục cần phối hợp với các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường, nâng cao trình độ giảng dạy của giáo viên, đặc biệt những trường có cơ sở vật chất còn hạn chế, nhằm giảm chênh lệch cơ sở vật chất và chất lượng giáo viên giữa các trường. Các Phòng GDĐT chỉ đạo các trường không nhận bất kỳ hình thức đóng góp nào của phụ huynh trong quá trình tuyển sinh; xem xét kỹ thời gian nhập hộ khẩu, tránh tình trạng “chạy” hộ khẩu để "chạy" trường.

HÀ ĐAN

(0) Bình luận
Ngược xuôi "chạy" trường