Sàng lọc thính lực sau sinh giúp phát hiện sớm và can thiệp kịp thời những bất thường về khả năng nghe của trẻ.
Trẻ khiếm thính rất thiệt thòi trong cuộc sống do khó tiếp cận tri thức.
Trong ảnh: Giáo viên Trường Tiểu học Yết Kiêu (Gia Lộc) hướng dẫn trẻ khiếm thính học Tiếng Việt
Đây là biện pháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe trẻ em nhưng lại chưa được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh ta.
Rối loạn thường gặpKhi con gái N.X.M được 2 tuổi, anh N.X.H ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) bắt đầu lo lắng về phản xạ của con. Anh gọi con nhưng không thấy thưa, phải vỗ vào người con mới biết. Gia đình có việc cưới, loa đài bật ầm ĩ nhưng bé vẫn ngủ ngon lành. Trong khi những đứa trẻ cùng tuổi nói được nhiều câu đơn giản thì con gái anh nói rất ít, phản xạ chậm. Gia đình đưa cháu đi khám mới phát hiện cháu bị khiếm khuyết về cấu trúc của tai. Để phục hồi khả năng nghe của cháu cần chi phí phẫu thuật rất tốn kém và phải chờ đến khi cháu lớn hơn. Hiện nay, cháu M. phải dùng máy trợ thính mới có thể nghe được. Tuy nhiên, do phát hiện muộn nên gia đình anh H. rất khó khăn khi dạy cháu tập nói. Cháu M. hiện đã 3 tuổi nhưng phát âm chậm, nói nhiều câu vẫn ngọng.
Trường hợp của gia đình chị T.T.H ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) cũng tương tự như vậy. Chị vốn quê ở Thanh Hóa, theo chồng ra đây sinh sống và lập nghiệp. Trong suốt quá trình mang thai, chị H. chỉ đi siêu âm ở các phòng khám tư. Khi sinh ra, thấy con trai V.H.A khỏe mạnh, cả gia đình rất hạnh phúc. Tuy nhiên, đến hơn 1 tuổi mà bé ít bi bô nói chuyện. "Có khi cháu đang tập trung xem ti-vi, tôi gọi to cháu cũng không giật mình. Nói chuyện với cháu cũng chỉ thấy cháu nhìn và cười. Chúng tôi đưa cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám mới biết cháu bị giảm thính lực", chị H. cho biết. Hiện nay, cháu A. được gần 3 tuổi và cũng phải mang máy trợ thính. Dù cháu vẫn cao lớn không kém những bạn cùng trang lứa nhưng nhận thức và khả năng phát âm rất chậm.
Hiện nay, chưa có một con số thống kê cụ thể về số lượng trẻ em bị suy giảm thính lực. Tuy nhiên, hậu quả của việc phát hiện muộn có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, có thể khiến trẻ trở thành trẻ khuyết tật, gặp nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Dương, mất thính lực (giảm khả năng nghe hoặc điếc) là một trong những rối loạn thường gặp. Trong 1.000 trẻ sơ sinh, sẽ có khoảng 3 - 4 trẻ mắc phải rối loạn này. Những trẻ được phát hiện muộn (từ 2- 3 tuổi) có thể phải gánh chịu những khuyết tật vĩnh viễn về khả năng phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức so với các trẻ bình thường. Nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, những trẻ này hoàn toàn có khả năng phục hồi.
Diện khám, sàng lọc còn hẹp3 năm gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai khám, sàng lọc khiếm thính cho trẻ dưới 5 tuổi tại một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh ta. Năm nay, chương trình đã khám cho khoảng 6.000 trẻ em tại 3 huyện Gia Lộc, Kim Thành, Ninh Giang, trong đó số nghi ngờ bị khiếm thính chiếm tỷ lệ 0,02%. Từ tháng 7-2012, Bệnh viện Phụ sản Hải Dương cũng bắt đầu triển khai chương trình này. Bệnh viện đã kêu gọi cán bộ, nhân viên xã hội hóa mua sắm trang thiết bị và thành lập 1 phòng đo thính lực cho trẻ sinh ra tại bệnh viện và các trẻ sinh ra ở các cơ sở y tế khác. Đến nay, bệnh viện đã khám, sàng lọc được khoảng 5.800 trường hợp trẻ sơ sinh, chiếm 70% số ca sinh tại bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: "Với chi phí hợp lý, thời gian đo chỉ từ 5-7 phút, việc đo thính lực không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trước khi trẻ xuất viện sẽ được y, bác sĩ tư vấn để đưa đến phòng đo thính lực kiểm tra. Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ sẽ được kiểm tra thêm 2 lần nữa trong thời gian trước 3 tháng tuổi. Kết quả sau đó vẫn nghi ngờ thì trẻ được chuyển lên Trung tâm Thính học và Trị liệu ngôn ngữ, Bệnh viện Nhi Trung ương để làm các xét nghiệm, chẩn đoán xác định và điều trị".
Mới có khoảng 70% số trẻ sinh ra tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương được khám, sàng lọc khiếm thính
Hiện nay, do chưa bố trí được cán bộ trực ngày thứ 7, chủ nhật nên một số trẻ xuất viện thời gian này chưa được sàng lọc. Số trẻ từ nơi khác đến sàng lọc cũng rất ít. Anh Trần Văn Hoạch ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) đưa con trai vừa sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương đến phòng đo thính lực cho biết: "Trong suốt quá trình vợ tôi mang thai, tôi đã đưa vợ lên khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và đã thực hiện sàng lọc trước sinh. Các bác sĩ khuyên sinh xong nên đưa con đi sàng lọc khiếm thính nên tôi đưa cháu đi kiểm tra xem có vấn đề gì không và gia đình cũng yên tâm hơn". Hiện nay, còn rất nhiều trẻ sinh tại tuyến huyện, tuyến xã chưa được khám, sàng lọc khiếm thính vì chưa có chương trình này. Ngành y tế cần tích cực triển khai rộng rãi chương trình khám, sàng lọc khiếm thính cho trẻ dưới 5 tuổi nhằm mang lại sự chăm sóc và bảo vệ tốt nhất cho trẻ em.
MINH HẠNH