Nhiều người quan niệm suy giảm trí nhớ là điều đương nhiên ở tuổi già và không có phương pháp chữa trị đặc hiệu. Thực ra đó là một quan niệm sai lầm.
Hầu hết bệnh nhânđiều trị tại Khoa Lão khoa (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh) đều có biểu hiện của bệnh suy giảm trí nhớ
Từ quan niệm chưa đúng này đã dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ ở người già ngày càng tăng, trở thành gánh nặng của mỗi gia đình và xã hội.
Quan niệm sai lầm
Trung bình mỗi tháng Khoa Lão khoa (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh) điều trị cho khoảng 90 người cao tuổi (NCT). Những bệnh nhân đến đây điều trị sẽ được các y, bác sĩ cho làm một bài kiểm tra nhanh để đánh giá mức độ suy giảm trí nhớ. Kết quả cho thấy hầu hết bệnh nhân đều có biểu hiện của bệnh suy giảm trí nhớ ở các mức độ nhẹ, trung bình hoặc nặng. Thế nhưng trước khi đến bệnh viện, hầu hết NCT và người thân của họ đều cho rằng suy giảm trí nhớ là điều xảy ra tất yếu ở tuổi già và không có biện pháp can thiệp, chữa trị đặc hiệu. Bác sĩ Hà Thị Huệ, Trưởng Khoa Lão khoa cho biết: "Chính điều này đã khiến nhiều bệnh nhân vào điều trị với tình trạng bệnh đã nặng, trong khi lại kết hợp với nhiều bệnh khác nên quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn người dân thay đổi nhận thức về căn bệnh này để có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa ngay từ lứa tuổi trung niên, góp phần giảm bớt gánh nặng bệnh tật khi bước vào tuổi già".
Đối với bà Nguyễn Thị D. (78 tuổi) ở xã Nam Đồng (TP Hải Dương), quên là điều khá thường xuyên. Có khi đang đi tìm đồ vật nhưng bà không thể nhớ nổi mình đang cần tìm vật dụng gì. Đến thời điểm chuẩn bị nấu ăn trong ngày nhưng bà không nhớ mình đã nấu hay chưa. Còn việc cắm nồi cơm điện mà không bật chế độ nấu là chuyện thường xuyên. Lo lắng trước tình trạng của bà D., các con cháu chỉ biết khuyên bà không nên đi xa nhà, sợ quên lối về, quên địa chỉ. Cho đến gần đây bà vào bệnh viện điều trị tay bị sưng tấy, các bác sĩ cho biết bà có những biểu hiện điển hình của bệnh suy giảm trí nhớ.
Giống như bà D., bà Vũ Thị L. (70 tuổi) ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) cũng lúc nhớ, lúc quên. Có lúc gặp các con, các cháu, bà không thể nhớ tên chính xác, thành ra lại gọi nhầm. Có lúc bà đang nói chuyện này lại chuyển sang chuyện kia, ngôn ngữ, mạch kể thường bị rối, lộn xộn. Bà rất nhớ những chuyện xảy ra cách đây vài chục năm nhưng nhiều lúc lại không có ký ức về những việc chỉ xảy ra ngày hôm qua. Trong khi đó, bà mắc nhiều bệnh khác nên thường xuyên phải sử dụng thuốc. Nhưng bà thường xuyên không nhớ giờ uống thuốc như lời dặn dò của bác sĩ.
Theo bác sĩ Huệ, những trường hợp như bà D., bà L. là ở mức độ trung bình, trong khi trên thực tế còn có nhiều trường hợp nặng hơn khi NCT không thể nhớ nổi họ tên của chính mình cũng như không nhận ra con cháu. Họ cũng thường không thể tự chủ trong sinh hoạt cá nhân, nhiều người đi ra khỏi nhà nhưng không nhớ đường về. Vì vậy, hầu hết các gia đình phải cử con cháu trông coi.
Nâng cao nhận thức
Một trong những nguyên nhân làm cho bệnh suy giảm trí nhớ ở NCT có diễn biến phức tạp là do nhận thức chưa đầy đủ của người dân về căn bệnh này. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời theo liệu trình thì ở mức độ nhẹ và trung bình bệnh có thể được chữa khỏi và có những cải thiện khả quan đối với bệnh nhân ở mức độ nặng.
Theo lời khuyên của bác sĩ, để phòng tránh suy giảm trí nhớ, trước hết NCT cần thường xuyên theo dõi sức khỏe định kỳ, khi có các biểu hiện suy giảm trí nhớ cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đồng thời có thể tự rèn luyện trí óc bằng cách đọc sách báo, chơi các trò chơi tư duy như cờ tướng, cờ vua. Những hình thức này giúp não được hoạt động thường xuyên, giảm và làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ.
Bên cạnh đó, NCT cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để ngăn ngừa bệnh tật, giảm thiểu tình trạng lão hóa. NCT cầnđược theo dõi sức khỏe thường xuyên; chủ động tìm hiểu về những căn bệnh tuổi già để có biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời, góp phần giảm bớt gánh nặng bệnh tật.
HUYỀN TRANG