Làm thế nào chữa cho hết chứng ngủ nhiều?
Có nhiều nguyên nhân gây ra ngủ nhiều như suy hô hấp mạn tính, ngủ nhiều tiên phát và trầm cảm. Người lớn được coi là ngủ nhiều nếu mỗi ngày họ ngủ trên 10 giờ. Đêm ngủ tốt đầy đủ nhưng ban ngày lại ngủ thêm vài giờ. Nếu không được ngủ ngày thì họ rất mệt mỏi và buồn ngủ. Người ngủ nhiều sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến lao động và sinh hoạt của họ. Hơn nữa bệnh nhân ngủ nhiều thường chậm chạp, lờ đờ, chú ý và trí nhớ đều kém.
Với trầm cảm, hầu hết bệnh nhân bị mất ngủ, nhưng khoảng 5% số bệnh nhân lại ngủ nhiều. Những người này thường ăn nhiều nên họ thường béo phì. Ngoài ra họ còn có các triệu chứng khác của trầm cảm như mệt mỏi, mất hứng thú và sở thích, chán nản, bi quan...
Còn với bệnh ngủ nhiều tiên phát, bệnh nhân chỉ có triệu chứng ngủ quá nhiều (trên 10 giờ mỗi ngày) thường biểu hiện là một giấc ngủ kéo dài (đi ngủ rất sớm vào đầu tối, ngủ dậy rất muộn vào sáng hôm sau). Ngoài ra, họ không có triệu chứng gì khác.
Còn với ngủ nhiều do bệnh suy hô hấp mạn tính như phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính thì bệnh nhân ngủ nhiều do tình trạng não bị thiếu o xy mạn tính.
Như vậy, với bệnh nhân 21 tuổi này có 2 khả năng là trầm cảm và ngủ nhiều tiên phát. Bạn nên đưa con đi khám ở bác sĩ tâm thần có kinh nghiệm để được xác định chẩn đoán và có biện pháp điều trị thích hợp. Cụ thể nếu là trầm cảm thì cần dùng thuốc chống trầm cảm. Nếu con bạn bị bệnh ngủ nhiều tiên phát thì phải điều trị bằng thuốc kích thần giải phóng dopamin ở não, khiến bệnh nhân giảm cảm giác buồn ngủ, từ đó sẽ ngủ ít đi. Thuốc có tác dụng phụ là hơi bồn chồn và khó ngủ thời gian đầu dùng thuốc.
Theo Sức khỏe và Đời sống