Làng nghề Lê Xá được nhiều người biết đến với nghề mộc truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh một Lê Xá sôi động tiếng máy đục, máy cưa, là một Lê Xá “ngột ngạt” vì môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Lòng rãnh thoát nước bị thu hẹp trong khi rác thải vứt bừa bãi trên bờ
Thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) được nhiều người biết đến với nghề mộc truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề. Tuy nhiên, bên cạnh một Lê Xá sôi động tiếng máy đục, máy cưa, là một Lê Xá “ngột ngạt” vì môi trường bị ô nhiễm.
Quá tải vì dân số tăngThôn Lê Xá có khoảng 400 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu. Từ năm 2006, khi khu công nghiệp (KCN) Phúc Điền đi vào hoạt động, dân số làng Lê Xá tăng đột biến do lượng công nhân đến ở trọ. Hiện toàn thôn có gần 350 hộ có nhà cho thuê với hơn 2.500 công nhân đang ở trọ. Dân số tăng nhanh dẫn đến tình trạng “quá tải” đối với hệ thống giao thông và một số công trình công cộng khác. Tại đây, vào giờ tan tầm, đoạn đường trục chính từ cổng KCN đến khu vực chợ tạm thường xuyên xảy ra ùn tắc. Người đi làm ca ngày trở về, tranh thủ rẽ vào chợ mua thức ăn, người đi làm ca đêm hối hả đến công xưởng. Hàng nghìn người cùng chen chúc trên con đường rộng hơn 3 m đã bị hàng quán lấn chiếm hết cả hai bên lề.
Dân số đông cũng khiến hệ thống thoát nước thải của thôn trở nên quá tải. Bình thường mỗi ngày một hộ thải ra môi trường khoảng 1 mét khối nước sinh hoạt thì nay, với lượng người tăng gần gấp ba, lượng nước thải cũng vì thế tăng theo. Thôn Lê Xá có một kênh thoát nước chảy dọc theo đường trục chính giữa làng, nối với mương nước của làng Nguyễn. Theo ông Trưởng thôn Bùi Trọng Khoa thì, trước khi có KCN, kênh nước này thông với sông Sặt qua một cửa cống ở cổng KCN Phúc Điền. Tuy nhiên, khi san lấp mặt bằng xây dựng KCN, người ta đã lấp luôn cả kênh nước phía bên kia đường 5, khiến cho kênh thoát nước thải của thôn chảy ngược vào trong làng và tràn sang cả làng Nguyễn bên cạnh. Thêm vào đó, một số hộ dân thiếu ý thức đã đổ rác thải xây dựng, đất đá lấn chiếm lòng kênh, khiến dòng chảy bị thu hẹp dần; trước đây lòng kênh rộng tới 7 -8 m, thì nay chỉ còn từ 1 - 2 m. Thay vì gọi bằng kênh, người ta gọi đó là rãnh thoát nước thải. Cũng từ khi có KCN đến nay, rãnh nước này chưa hề được nạo vét, lớp bùn lắng khá dầy khiến cho việc thoát nước gặp nhiều khó khăn. Rãnh không có nắp đậy nên mỗi khi mưa xuống hay trời đổi gió, mùi hôi thối nồng nặc lại bốc lên, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các hộ dân sống hai bên bờ. Một số hộ ở khu vực ngã tư chợ, còn chịu cảnh nước thải ngập tới 30-40cm khi mưa nặng hạt kéo dài.
Mặc dù thôn Lê Xá đã sớm thành lập tổ thu gom rác thải và thu phí môi trường 2.000 đồng/hộ của thôn và 4.000 đồng đối với một nhà trọ, song vì bãi chôn lấp rác của thôn khá xa, nên mỗi khi thời tiết có mưa, đường ra bãi rác lầy lội thì công nhân của tổ lại tạm dừng việc, khiến rác thải tồn đọng, ngập ngụa, nhất là tại khu vực chợ.
Chưa có tiền để xử lý ô nhiễmMong muốn của người dân thôn Lê Xá là có thể nạo vét, cải tạo rãnh thoát nước, xây kè hai bên, di chuyển chợ tạm hiện nay lùi sâu vào phía trong làng, giáp với bờ rãnh, vừa để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, vừa giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, rào cản là vấn đề kinh phí. Trưởng thôn Bùi Trọng Khoa cho biết, kinh phí hoạt động của thôn một năm chẳng đáng bao nhiêu, không thể lo được vấn đề vệ sinh môi trường. Còn ông Vũ Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phúc thì nói: Xã cũng không có tiền để làm việc này. Hiện nay 70% diện tích đất của xã đã bàn giao cho KCN, không còn đất công để thu hoa lợi hay đấu thầu quyền sử dụng đất lấy kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, để cải tạo hệ thống thoát nước của thôn Lê Xá, cần ít nhất vài chục đến hàng trăm triệu đồng nếu để chỉ nạo vét và tới vài tỷ đồng nếu xây kênh bê- tông. Với nguồn ngân sách eo hẹp như hiện nay, nếu không được cấp trên đầu tư, Cẩm Phúc đành “lực bất tòng tâm”. Tuy nhiên, khi được hỏi UBND xã đã làm văn bản đề nghị huyện hỗ trợ chưa, ông Thọ cho biết, “xã chưa làm vì thực tế người dân Lê Xá mới chỉ phản ánh bức xúc thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND xã, mà chưa có văn bản đề nghị chính thức. Còn về vấn đề hỗ trợ, tăng ngân sách cho địa phương, cán bộ xã đã nhiều lần có ý kiến nhưng vẫn chưa được giải quyết”. Hơn nữa, theo ông Thọ chuyện môi trường bị ô nhiễm là vấn đề "bình thường" mà khu dân cư gần KCN nào cũng gặp. Khi chúng tôi phản ánh vấn đề này với Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN - MT) huyện Cẩm Giàng, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng cho biết: sẽ đề đạt ý kiến với lãnh đạo và cử cán bộ xuống thị sát tình hình. Tuy nhiên, do có “quá nhiều việc” nên gần một tháng sau đó, Phòng TN – MT vẫn chưa cử người đến Cẩm Phúc tìm hiểu thực tế.
Năm 2010, Lê Xá đã được huyện Cẩm Giàng đầu tư xây dựng một lò đốt rác theo công nghệ của Nhật Bản. Lò đốt rác được bố trí ngay rìa thôn, việc vận chuyển khá thuận lợi, song thôn lại không vận động được nhân dân góp tiền thuê người phân loại rác, nên đến nay lò vẫn đóng cửa, chưa đưa vào sử dụng.
Ô nhiễm môi trường tại các thôn, khu dân cư gần KCN không phải câu chuyện riêng của Lê Xá. Qua tìm hiểu thực tế có thể thấy ngoài nguyên nhân khách quan do hạ tầng cơ sở không theo kịp sự phát triển của dân số, còn nguyên nhân nữa khiến vấn đề nước thải, rác thải của Lê Xá trở nên nghiêm trọng là do sự thiếu ý thức của một bộ phận nhân dân. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay giúp sức của cả Nhà nước và nhân dân. Chính quyền và các đoàn thể của xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân hiểu rằng giữ gìn vệ sinh môi trường là trách nhiệm của mỗi người dân. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Trước khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, cần yêu cầu các nhà đầu tư có trách nhiệm xây dựng hoàn trả địa phương các công trình hạ tầng cơ sở như hệ thống giao thông, thoát nước...; xây dựng khu nhà ở tập trung cho công nhân để giảm tải cho các khu dân cư...
T.M