Trước cửa nhà tôi là một cánh đồng rộng lớn, nơi có thể nhìn thấy từng mùa đến rồi đi chầm chậm và sống động như những thước phim tư liệu. Mùa hạ, cả bầu trời như chảo lửa đổ xuống thảm lúa chín vàng vừa lấp lánh vừa chói chang nhưng nhức mắt. Mùa thu, nền trời trong veo và cảnh vật im lìm tựa như một bức tranh tuyệt đẹp của người họa sĩ thích chủ nghĩa xê dịch vừa phác thảo những nét vẽ tài hoa. Mùa đông, cánh đồng ảm đạm, bàng bạc một màu buồn tựa như mắt môi thiếu phụ. Những ngày xuân chạm ngõ cây lá vẫn khẳng khiu, mạ lún phún xanh như còn dè chừng vài trận rét của mùa đông rơi rớt lại. Chỉ khi nào thời tiết thật ấm áp, cả cánh đồng mơn man một sắc xanh mềm như lụa thì khi ấy từng đàn én sẽ bay về. Bà nội tôi năm nào cũng ngóng én bằng ánh nhìn vời vợi về phía cánh đồng. Từng cánh én như mang về ký ức của những mùa xuân xa xôi nào đó, khi ông còn sống và con cháu chưa chia năm xẻ bảy như bây giờ. Én về mang nắng ấm cho khớp bà khỏi đau, cho môi thêm đỏ màu trầu, cho những tiếng lòng nhen lên xao động…
Én thường về theo đàn, những cánh én đầu tiên dập dìu xuất hiện từ chân trời xa tít như những dấu chấm nhỏ nhoi nỗ lực chở xuân đầy. Khi ấy mọi người đều tất bật với những lo toan mới, mùa vụ mới. Bà tôi mang chăn chiếu ra phơi bên hàng rào cho bao lạnh lẽo, ẩm mốc bay đi. Thiếu nữ mang váy áo ra hong, hong luôn cả một thời xuân sắc khi vọng lại từ làng bên tiếng nhạc đám cưới rộn ràng. Chim chọn mùa xuân để làm tổ, người chọn mùa xuân để thương yêu bởi nồng nàn chứa trong mắt nhau còn nồng như men rượu Tết. Sân nhà ai cũng trải vàng màu thóc, lũ chim sẻ thích thú nhảy nhót tựa như mùa lễ hội. Ngồi trước hiên nhà nghe thao thiết gió bên tai có mùi bánh chưng nhà ai luộc lại, mùi hương hoa dại trên bìa rừng bay về và còn có cả thứ mùi vị mang tên ký ức. Bà bảo ngày xưa cứ mỗi mùa chim én về ông thường lịch kịch làm tương. Bà ngồi phụ ông rang đỗ tương với cát, mùi thơm lựng bay khắp sân nhà. Mỗi sáng thức dậy đều thấy ông đang đứng khuấy tương. Trời không nắng nóng nhưng cái nắng rực rỡ mùa xuân dường như mang đến cho hũ tương một mùi vị rất riêng. Nhiều lúc tôi đã nghĩ câu ca dao về bát canh rau muống, món cà dầm tương dường như được viết tặng chính quê hương mình vậy. Bữa cơm nào thiếu bát tương nâu sậm, vị ngọt bùi là bữa cơm ấy mất ngon. Bây giờ vắng ông rồi bà vẫn làm tương nhưng mắt môi bà không còn vui như xưa nữa. Nhìn bà thẫn thờ ngắm những mẹt đỗ tương vàng phơi ngoài thềm nắng, không ít lần tôi đã ước ao giá như từng cánh én cũng có thể mang ông về lại…
Tôi lớn lên không còn được níu đậu quê nhà vào những ngày xuân ấm để ra hiên ngóng én. Hình như trong những chuyến thiên di bầy én đã không bay qua thành phố. Có thể bởi sự ồn ào náo nhiệt làm đàn chim hoảng sợ. Cũng có thể bởi vì chim én biết chọn vùng trời có người ngóng đợi mà bay. Ở thành phố người ta bận bịu đến quên mất thói quen mong ngóng một cánh chim. Nhưng bao giờ cũng vậy, én vẫn về trong tôi từng đàn, từng đàn ký ức nhỏ nhoi chấp chới cuối chân trời…
Tản văn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG