Những ngày tháng 6 này, biển của Tổ quốc đang nóng dần lên. Nhìn những con sóng cuộn mình giữa đại dương biển cả tôi lại nhớ những nếp gấp của lịch sử, nhớ về nếp áo của mẹ tôi màu nâu sồng bùn đất thật mênh mông và gần gũi, thật cao cả thiêng liêng mà đau đáu nỗi niềm. Những tên đảo: Sinh Tồn, vì lẽ tồn sinh đất nước; Sơn Ca, vì khao khát tiếng chim đồng quê, Thuyền Chài vì mong mỏi bạn đồng hành trên dặm đường thiên lý biển… Tên đảo như tên những ước vọng, nhân hậu, thiết tha, như tên những người con giữa lòng đại dương đất mẹ.
Những ngày tháng 6 này tôi lại nhớ về những người làm báo đang kề vai sát cánh với những người lính trên biển để ngọn bút viết lên sự thật từ ngọn sóng cuộn đáy đại dương. Hình ảnh nhà báo khoác trên mình tấm áo phao màu đỏ như những cánh chim báo bão bay giữa trùng khơi, cho chúng ta một ấn tượng mạnh mẽ về niềm tin công lý. Đó là tấm áo giáp mềm nhưng rắn hơn mọi tấm thép khác. Đó là nỗi căng phồng chất chứa như một khối thuốc nổ ngàn cân nhưng vẫn điềm đạm, tự tin bởi nụ xòe là trái tim, là lẽ phải. Tôi chợt nhớ đến câu thơ “Trong hồn người có ngọn sóng nào không?” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Chính ngọn sóng trong lòng người là ngọn bút điệp điệp, trùng trùng dư âm vang vọng của lịch sử từ ngọn sóng trống đồng đến ngọn sóng đại dương. Có lẽ không có một đất nước nào hai chữ “đồng bào” chung một bọc trứng của mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết: 50 người con lên rừng và 50 người con về biển. Những ngọn sóng cũng cuộn lên trong vồng tay, vồng ngực, ôm choàng lấy biển cả của Tổ quốc thân thương. Ở ngọn bút luôn khám phá những hiện thực mới mẻ phát hiện những vấn đề nhạy cảm nhất để có những phản biện thuyết phục nhất. Ngọn bút cũng luôn đối diện với những thách thức áp lực cuộc sống, những mặt trái của xã hội. Vì thế bản lĩnh của ngọn bút cũng như ngọn sóng dám va chạm, dũng cảm đấu tranh với cái xấu, cái ác. Sóng không cuộn lên từ cát thì làm sao tồn tại vững chắc. Đời sống hiện thực tươi mới với bao biến đổi không ngừng, ngọn bút được cắm vào đó sẽ ươm mầm tốt tươi, nuôi dưỡng cho đời bao vị mặn. Những ngọn bút mang hình lưỡi giáo đã viết nên những thiên hùng ca bất tử. Ngọn bút bây giờ có thể được trang bị bằng những thiết bị hiện đại của công nghệ thông tin. Nhưng ngọn sóng bao đời thì vẫn thế: Mặn cái vị mặn của hồn quê xứ sở, xanh bởi cái vị xanh của diệp lục đất liền, trắng bởi cái vị trắng bền lòng giấu lửa neo từ sâu thẳm cội nguồn.
Những chuyến tàu từ đất liền ra biển như những con thoi dệt nên tấm áo nghĩa tình. Và trên trang báo in còn thơm mùi mực mới phập phồng những bài viết, chạm khắc những tấm ảnh bắt đầu từ ngọn bút, ngọn sóng của các nhà báo- chiến sĩ. Và trên màn hình cũng bắt đầu kết nối sợi dây giao cảm vô hình giữa biển cả và đất mẹ, có cả màu xanh lá mạ của màn hiện sóng ra đa. Và, “Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình” với “Không xa đâu Trường Sa ơi” thật thiết tha, thật ân tình và da diết, trào dâng điệp trùng từ bao ngọn sóng - ngọn bút…
Tản văn của NGUYỄN NGỌC PHÚ