|
Minh họa: Phùng Anh Bản
|
Nhà thờ Vân Cương nằm trên đỉnh một quả đồi bên bờ sông. Từ đây người ta có thể bao quát được bốn phía. Trước mặt là dòng sông trong xanh hiền hoà như dải lụa. Sau lưng bên trái, bên phải đều là núi. Những ngọn núi xanh thẫm giữa trời chiều in bóng xuống dòng sông. Dân làng nơi đây đều theo đạo. Hằng năm, ngày Noel đến, quả đồi có nhà thờ này đông nghịt những người là người. Dân xứ khắp nơi trong vùng hành hương về thụ lễ.
Hoà trong dòng người đi lễ đó có lão Thư. Lão không phải là dân xứ đạo, không phải là người làng này nhưng không Noel nào là lão Thư không có mặt. Hơn 70 tuổi, đầu tóc bạc phơ, da nhăn nheo, lão đi không vững nữa. Dắt theo chiếc xe đạp cà tàng thay cho cây gậy lão thập thững bám theo chiếc xe mà đi. Người ta bảo chiếc xe ấy là kỷ vật trong thời công tác của lão. Người ta thay bao đời xe, đến cả xe máy, ô-tô rồi nhưng lão vẫn cọc cạch cái xe cà khổ ấy. Nó chẳng hiểu trong ngực của chủ nó con tim thường rộn lên mỗi khi ngày Noel đến. Chân lão hình như vội hơn, bước những bước dài hơn. Phía ấy, tiếng chuông nhà thờ đang dóng dả gọi lão. Lão đến nhà thờ không phải đi lễ, cũng không phải là lão đi xem lễ. Lão đến đó để tìm lại kỷ niệm xưa với Hoài.
Lần nào cũng thế trước khi vào khu vực nhà thờ, lão thường đến quán bà Phương nghỉ chân uống nước. Chủ, khách vồn vã hỏi thăm nhau sức khoẻ, cuộc sống trong một năm qua. Bà Phương hơn năm mươi tuổi, chỉ bằng tuổi con lão nhưng bà khá rành rẽ chuyện tình của lão với cụ Hoài. Cho nên, tuy lão chưa hỏi han gì tình hình của cụ Hoài nhưng bà Phương đã loe xoe kể ra hết. Nào là cụ Hoài độ này khoẻ, tối nào cũng chống gậy đến nhà thờ cầu kinh. Nào là cụ Hoài có mái tóc bạc phơ như thế mà đôi mắt tinh nhanh đáo để... Lão Thư vừa nhấp nháp chén trà nóng vừa trầm tư lắng nghe không bỏ sót một lời nào. Gió rét căm căm, có năm mưa phùn tê tái mà nghe chuyện về cụ Hoài, lòng lão như ấm lại. Sau đó, lão gửi xe đạp bà Phương rồi đi lên khu nhà thờ, vừa đi, lão vừa ngó trước ngoảnh sau mong tìm gặp một dáng người. “Thư à? Ông đến lâu chưa?”. Cái tiếng ấy như khẽ cất lên. Đằng đẵng một năm lão mới được nghe. Âm thanh ấy giờ không còn trong trẻo như ngày xưa nữa nhưng lão vẫn thấy trong lòng mình một cảm giác ấm áp và êm ái lạ lùng. Con tim lão rộn lên, lão quay đầu lại nở một nụ cười như thời trai trẻ. “Hoài à! Anh cũng vừa mới đến! Hoài có khoẻ không?”. “Khoẻ! Còn ông?”. “Em nhìn thì biết”.
Họ nhẹ nhàng chậm chạp tách đám đông đứng ở góc sân. “Thư ơi! bây giờ có ai nghe thấy chúng mình “anh em” với nhau thế này chắc buồn cười lắm Thư nhỉ?”. “Thì đã bao giờ anh nghĩ chúng mình già đâu. Vẫn như ngày xưa thôi”. “Thế cũng được nhưng phải nói khẽ thôi đấy nhé”.
Cụ Hoài móm mém đưa ánh mắt trìu mến lên nhìn lão Thư. Họ chỉ kịp trao đổi với nhau ngắn gọn đôi câu như thế rồi lại ai về phận ấy. Phía xa kia, đôi mắt của cụ Sơn, chồng Hoài đang theo dõi họ. Cụ Hoài bịn rịn chia tay lão Thư hoà vào đám các cụ bà đang chuẩn bị cho giờ làm lễ. Lão bước những bước khó nhọc về phía chân đồi tới gốc cây thông già, lão cởi cái túi vải đeo ra khỏi người. Không ai biết lão đi đâu, làm gì kể cả cụ Hoài. Lão lôi một tờ báo trong túi ra, rải xuống đất làm chỗ ngồi. Sau đó, lão lặng lẽ ngồi như hoá đá thả tầm mắt về phía bờ sông đang chiều heo hút gió. Những cơn gió mùa đông thổi tung mái tóc bạc phơ của lão như ngàn mũi kim đâm vào da thịt lão, rét tê tái. Lão như không biết gì. Tay lão run thò vào trong túi lấy ra một quyển sổ tay bìa cứng màu nâu xám. Lão bần thần giở trang đầu tiên, hai tay lão lóng ngóng. Đôi mắt lão trân trân nhìn vào quyển sổ. Hình như lão khóc. Một tấm ảnh rơi ra, không phải là một tấm ảnh hoàn chỉnh. Đúng ra chỉ là một hình người được cắt theo đường nét của người đó từ một tấm ảnh ngày xưa. Hoài! Người đó là Hoài! Hoài của 50 năm về trước. Lão Thư buông vội quyển sổ, hai tay như vồ lấy tấm hình. Lão ấp nó vào ngực thì thầm: Hoài, Hoài ơi! Tiếng chuông nhà thờ bất chợt ngân lên báo hiệu giờ làm lễ bắt đầu. Lão ngồi như hoá đá. Kỷ niệm về Hoài ào ạt hiện về mặc cho màn đêm buông xuống tự lúc nào không biết nữa.
Ngày ấy, Hoài là một cô gái đẹp nhất xứ đạo này. Nàng có đôi mắt bồ câu, lúc nào cũng ươn ướt buồn một cách kiêu sa, mái tóc đen óng ả buông bồng bềnh xoã xuống hai bờ vai thon thả. Khuôn mặt trái xoan với hai núm đồng tiền cùng với cái miệng xinh xinh lúc nào cũng như cười càng làm cho Hoài thêm hấp dẫn lạ kỳ. Những lúc ai hỏi điều gì Hoài khẽ “hứ” lên một tiếng rồi ngước mắt nhìn người nói chuyện khiến khối kẻ phải xao lòng. Vừa hiền ngoan, nhõng nhẽo lại vừa kiêu sa, Hoài nổi bật giữa đám thiếu nữ xứ đạo. Nhờ tham gia trong đội ca đoàn của nhà thờ mà Hoài càng có điều kiện bộc lộ năng khiếu ca hát của mình. Đám trai làng chết mê, chết mẩn vì Hoài. Thế mà Hoài nào có để ý đến ai. Chỉ có Thư, người Bí thư đoàn năng nổ của xã bên cạnh, nhờ những buổi giao lưu văn nghệ mà lọt vào đôi mắt xanh của nàng. Phải nói rằng họ rất xứng đôi, vừa lứa. Trai tài gái sắc gặp nhau như đôi chim loan phượng. Những đêm giao lưu văn nghệ cụm xã, rồi những mùa hội diễn ở huyện, Hoài, Thư quấn quýt bên nhau. Có tiết mục Hoài hát Thư đệm đàn nghiêng ngả cả đêm diễn. Lũ trai làng xứ đạo thấy thế bực lắm, bọn chúng đã liên kết với nhau cấm vận trai làng khác đến tán tỉnh, cưa cẩm gái xứ đạo. Nhiều vụ ẩu đả xảy ra. Thư mấy lần bị bọn chúng vây đánh.
Gốc thông cạnh nhà thờ là điểm hẹn của hai người. Họ tâm sự với nhau khá nhiều chuyện. Những lời thề thốt yêu thương như có cánh. Mấy hôm sau, trước Noel một đêm, nhân buổi giao lưu văn nghệ với quân đội, Hoài đã tặng Thư quà Giáng sinh bằng một quyển sổ. Đó chính là quyển sổ mà lão Thư Giáng sinh nào cũng giở ra đọc. Trong đó toàn những bài thơ viết về Hoài do Thư sáng tác.
Ngỡ cứ tưởng họ cứ thế nên vợ thành chồng, nào ngờ... Lũ trai làng xứ đạo, trong đó có Sơn không chinh phục được Hoài kể cả sách ẩu đả, chúng bèn ton hót với bố mẹ Hoài. Do ngày đó tệ phân biệt đạo đời quá sâu sắc, cấm trai gái bên lương, bên đạo được lấy nhau nên bố mẹ Hoài ra sức cấm đoán. Họ còn bắn tin sang nhà Thư rằng không bao giờ gả con gái ra ngoài xứ đạo. Bố mẹ Thư cũng kiên quyết phản đối. Nhân dịp đó, Sơn chủ động tấn công. Cả họ hàng bên Sơn vào cuộc. Cuối cùng Hoài đành nhắm mắt đưa chân mặc cho số phận đưa đẩy...
Noel năm nay đông hơn mọi năm, đường làng xứ đạo đã được bê-tông hoá, điện đã về làng làm cho không khí ngày giáng sinh thêm tưng bừng náo nhiệt. Lão Thư lại đeo cái túi vải, dắt xe cà tàng đến xứ đạo. Lão ước giá ở nơi này có chợ tình như ở Sa Pa thì hay biết mấy. Chẳng còn ràng buộc gì nữa, mỗi năm một phiên chợ tình tha hồ cho đôi lứa yêu nhau lỡ dở gặp nhau.
Sương muối nhiều, nắng hanh lắm nên về đêm càng giá buốt. Không có gió mà chân tay cứ buốt thon thót. Lão nhìn cây thông già trầm mặc trong sương. Giá như mọi năm, lão gửi xe đạp rồi lóc cóc lên nhà thờ ngay. Nhưng năm nay, lão cảm thấy mệt mỏi quá. Lão vừa ngồi thở, vừa chăm chú nhìn những gương mặt đi qua không thấy Hoài đâu? “Có lẽ năm nay cụ Hoài lại không đi lễ đâu cụ ạ! Thôi, cụ uống chén trà nóng này rồi về kẻo rét thì khổ”. Bà Phương như đọc được ý nghĩ của lão. Lão đón chén trà xuýt xoa uống. Đoạn, lão đứng dậy bước thấp, bước cao hoà vào dòng người lên nhà thờ. Được một lúc lâu sau, lão khó nhọc quay về quán bà Phương.
“Có gặp cụ ấy không hả cụ?”. “Không bà ạ! Cho tôi xin cái xe, tôi về bà nhá”. Lão thẫn thờ bám theo chiếc xe đạp bước đi. Thế là thêm một năm nữa Hoài không đi lễ Noel. Lão thấy trong lòng tái tê vì cơn gió mùa đông bắc chợt đến. Trong ráng chiều chạng vạng. Hoài ở nơi nào, Hoài ơi!
Mùa giáng sinh nữa lại đến. Năm nay, lão Thư ăn mặc khá tươm tất có thể nói rằng là diện nhất trong tất cả những ngày Noel từ trước đến nay. Bộ quần áo com lê, vật kỷ niệm mà Hoài mua cho Thư trước ngày biệt xứ. Nó rộng thùng thình ôm lấy tấm thân già còm nhom của lão. Lão Thư định cởi ra mấy lần song lại thôi. Không, mình phải mặc nó lần này nữa. Và thế là lão độn cả mấy áo len, áo cánh vào trong, thắt ca-vát đường hoàng. Dắt chiếc xe đạp cà khổ, đeo cái túi vải sau lưng, lão lọ mọ theo tiếng chuông nhà thờ, thập thững bước đi.
Qua hàng bà Phương như một phản xạ, lão dừng xe lại. Ngơ ngác nhìn dòng người rồi lại nhìn cây thông già đang vi vút phía đằng xa. Bà Phương cũng đã nhận ra lão: “Cụ Thư năm nay diện quá nhỉ? Nghỉ chân vào quán uống nước đã cụ”. “Cảm ơn bà cho tôi gửi bà cái xe để lên nhà thờ cho sớm”. Lão Thư dựng cái xe đạp vào góc quán rồi khấp khởi đi luôn. Dáng lão liêu xiêu bước.
Đến bên gốc thông lão Thư cẩn thận lau mặt, phẩy bụi áo quần rồi lựa chỗ trải tấm ni-lông nhỏ làm chỗ ngồi. Chưa bao giờ lão trịnh trọng như thế. Lão lại thò tay vào cái túi vải lấy ra các thứ mang theo. Quyển sổ tay bìa cứng màu nâu, cái hộp đựng kẹp ca vát, một cây nến, hai cái chén con, một chai rượu bé xíu và một gói bánh nữa thì phải. Đoạn lão cầm quyển sổ mở ra tìm tấm ảnh. Tay lão run run giơ tấm ảnh ra sát ngọn nến. Hoài! Hoài ơi! Lão khẽ gọi rồi đưa tấm ảnh áp vào ngực... Tay lão lần theo đường nét tấm ảnh, mơ màng nhớ về Hoài. Thế mà đã 55 năm! Trời ơi! Ngày ấy tóc nàng thơm lắm, tiếng cười của nàng trong trẻo lắm.
Lão khóc rưng rức nức nở như đứa trẻ, ngọn nến cháy đã gần hết. Hai tay lão run run nâng tấm ảnh của Hoài đưa ra ngọn nến lần cuối. Đôi mắt lão vô hồn. Đoạn lão lại áp tấm ảnh lên ngực. Cuối cùng lão kiên quyết đưa tấm ảnh đó và quyển sổ cùng cây bút lên ngọn lửa của ngọn nến sắp tắt. Lửa bùng lên soi rõ hình lão trơ trơ như pho tượng. Tiếng nguyện cầu của những con chiên vọng xuống bồng bềnh: Xin chúa thương xót cho chúng con... Đã sắp đến giờ chúa giáng sinh rồi. Ngọn lửa leo lét rồi tắt hẳn dưới ánh trăng. Lão Thư vun đống tro tàn. Lão khó nhọc đứng dậy lê bước về phía nhà thờ.
Từ Noel năm sau bà Phương và mọi người xứ đạo không còn thấy lão Thư nữa. Không hiểu lão đi đâu? Dân bên đạo nói lão Thư đã lên thiên đàng về với nước Chúa. Dân bên lương lại kháo nhau lão Thư đã xuống suối vàng với cõi Phật thiên thu. Chỉ có bà Phương là biết khá chính xác về lão. Lão đã đến vương quốc của tình yêu, gặp lại Hoài ở bên kia thế giới. Ngọn nến đêm Noel vẫn bừng sáng yêu thương dưới gốc thông già cạnh nhà thờ kia...
Truyện ngắn của XUÂN THU