Nhà văn PHÙ THĂNG
Thống nhất đất nước, từ chiến trường miền Nam trở ra, tôi hỏi thăm thì nghe nói nhà văn Phù Thăng gian khổ lắm, đang kéo vó bè với chăn trâu chăn bò, nuôi gà nuôi vịt, bên rẻo đồng ngập lụt ven sông Cầu Xe (Tứ Kỳ).
Nhớ lại một ngày hè năm 1963, tôi đến Thư viện tỉnh Hải Dương thì người phụ trách đưa cho quyển "Phá vây" của nhà văn Phù Thăng và bảo: "Ông đọc đi! Lãnh đạo đang có ý kiến đó". Ngôn ngữ thời ấy như vậy là gay go rồi, có vấn đề cần xem xét! Gần như đồng nghĩa với chống đối, với phản động, với những gì gì nữa tùy theo từng người có chức có quyền tha hồ quy kết và quần chúng cứ việc nghe theo. Tôi chưa biết Phù Thăng là ai. Chưa gặp ông bao giờ. Tới phút đó cũng chưa đọc của ông một chữ. Rất tiếc ngày hôm sau tôi có lệnh gọi nhập ngũ và phải trả sách lại cho thư viện. Cuối năm 1964, nếu trí nhớ không lầm thì tôi đã đọc trên tạp chí "Học tập" của Đảng đăng bài viết của một đồng chí lãnh đạo phê phán "Phá vây", rằng tác giả chỉ lên án chiến tranh chung chung, không phân biệt có chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa, không hề nhắc tới tính chất giai cấp của chiến tranh…
Nhà văn có tên thật là Nguyễn Trọng Phu sinh ngày 1 - 6 - 1928 ở thôn Tất Lại, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ trong một gia đình nông dân. Ông nhập ngũ năm 1947 và năm 1948 về Trung đoàn 42 nổi tiếng khắp vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Khi làm trung đội trưởng ở đại đội trinh sát của trung đoàn ông dẫn đầu một tổ vào điều nghiên căn cứ Bình Trì, hay còn gọi là bốt Đởm, ở Ân Thi (Hưng Yên), do viên đại úy La Faye chỉ huy. Bốt Đởm bị diệt. Nhưng ông bị thương và dần dần chuyển sang nghề viết văn. Phá vây cũng chính là viết về hoạt động của trung đoàn. Vấn đề đặt ra ở đây là ai vây ai? Địch đang đóng đồn bốt chi chít vây ta hay ta vây địch? Và con người kháng chiến muốn giành thắng lợi còn phải vượt qua thế bao vây kìm kẹp của chính bản thân mình.
Lại có tin ông chuyển sang Xưởng phim truyện và ăn lương bên đó. Nhưng lời đồn nhiều hơn là ông đã chán ngán không màng gì tới chữ nghĩa… Giận đời chưa chắc đã cảnh tỉnh cho đời nhưng chắc chắn chính mình tự giam giữ mình và bị thiệt. Mà không hiểu sao hình ảnh con người lận đận mom sông ấy cứ canh cánh bên tôi mặc dầu chưa bao giờ gặp mặt. Ấy vậy mà tới tận mùa thu năm 1999 mới có dịp về thăm nhà ông. Đất nước đổi mới, nhà nhà thay da đổi thịt. Bước vào nhà ông tôi hơi ngạc nhiên. Một khuôn viên mà sau ngồi nói chuyện ông cho biết rộng tới bốn sào Bắc Bộ. Nghĩa là chừng một ngàn ba hay bốn trăm mét vuông. Ô tô đỗ ở cổng. Cửa rào tre xinh xinh. Ngõ vào chạy thẳng. Một bên là ao cá. Một bên là vườn cây. Lần ấy tôi đi cùng Định Hải, Trần Đăng Khoa và Đỗ Thị Hiền Hòa. Nhà văn từ trong nhà chạy vội ra và hồ hởi nắm lấy tay từng người:
- Trời ơi! Anh Định Hải. Tôi nhớ anh quá đi chứ. Nghe nói làm Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam phải không? - Rồi quay sang phía bên - Ôi, Trần Đăng Khoa. Thế vẫn không cao thêm được tí nào à? Không khéo vuông mất. Vợ con ra sao?
Rồi thời gian cập rập, chẳng hỏi ông được về những chuyện muốn biết. Nghĩ về con người tài năng mà lận đận, đôi lúc tôi cứ tự hỏi, giá không có ai đó đầy quyền chức bảo rằng sách có vấn đề, giá đừng có mấy dòng chữ trên tạp chí "Học tập" bảo rằng ông viết về chiến tranh không có tính giai cấp thì hôm nay ông sẽ ra sao, sáng tác của ông sẽ bay đến với độc giả như thế nào. Một ngày năm 2003, tôi vinh hạnh được tháp tùng nhà văn Xuân Thiều và Lương Sĩ Cầm tới thăm ông. Với Lương Sĩ Cầm thì tới hôm nay tròn ba mươi năm hai người mới có dịp gặp lại. Năm 1959 họ cùng nhận giải thưởng văn học rất hiếm hoi của Tạp chí Văn nghệ quân đội và lại cùng giải ba. Lương Sĩ Cầm với "Y Ngun", Xuân Thiều với "Đôi vai", Phù Thăng với "Con những người du kích". Tuổi đời của họ khi ấy đều xấp xỉ ba mươi đang đầy sức sống và nguồn cảm hứng dồi dào. Năm 1960 họ đều có mặt ở trại viết Thanh Liệt do Tổng cục Chính trị mở. Dường như Phù Thăng mạnh thế hơn. "Con những người du kích" được chào đón và ông lại có tiểu thuyết "Trận địa mới" vừa in còn thơm mùi mực. Những năm tháng này đất nước đầy phấn chấn với kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, với sự nghiệp cao cả muôn người như một vì miền Nam ruột thịt và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc… Nhà văn đến trại viết lòng đầy tự tin và hình ảnh nhân vật của tiểu thuyết cứ hiện ra sục sôi trong tâm trí ông. Ông lao vào viết. Viết một mạch. Năm mươi tư ngày đêm. Nghĩa là chưa đầy hai tháng. Năm trăm trang sách ra đời. Sạch tinh. Không tẩy xóa. Chữ rõ ràng. Giấy viết một mặt. Người nhà xuất bản tới lấy bản thảo về. Cứ vậy đọc. Cứ vậy duyệt. Cứ vậy thông qua. Cứ vậy đưa xuống nhà in. Thật hiếm hoi nếu không nói là độc nhất vô nhị trong nghề làm sách và sáng tác văn học. Ngồi trong căn nhà của ông hôm nay, Lương Sĩ Cầm và Xuân Thiều sôi nổi ôn lại những tháng ngày rực rỡ của năm 1960 đó. Có bạn đến thăm nhà văn đang sung sướng. Ông có vẻ khỏe mạnh và say sưa nói chuyện: Vườn nhà tôi có mười lăm cây vải thiều, giá các anh đến vào mùa vải thì hay biết mấy, cứ gọi là đỏ rực. Mười hai cây na dai. Sáu cây bưởi. Hai cây mít - Ông tuyên bố dứt khoát - Dưới ao tôi thả trắm, trôi, nhưng suy đi tính lại vẫn thích cá mè theo truyền thống ông cha.
Chuyện rất vui nhưng nhất định phải quay về chủ đề chính là nghề nghiệp. Nhà văn khăng khăng bác bỏ một ý kiến đưa ra là ông đã quên sự nghiệp văn chương:
- Nói thế là không đúng. Là suy đoán. Là gán ghép. Tôi quên làm sao được ngòi bút của mình. Những năm vừa rồi chẳng qua là một sự tích lũy. Tôi đang viết. Đọc và viết. Trước tiên tôi đọc cho các ông nghe bài thơ.
Thật bất ngờ và thích thú. Phù Thăng làm thơ! Thơ ông không có những vần, những câu được chắp cánh mà gây ấn tượng khá đậm về tư duy. Trong một bài thơ dài nói về cái cổng làng xây gạch chứa đựng bao hàm ý sâu xa và bao nỗi niềm lắng đọng. Tiếp đến nhà văn đầy hứng khởi nói về "Phá vây", về "Con nuôi trung đoàn" viết cho thiếu nhi, về truyện ngắn "Con những người du kích", kịch bản phim "Biển lửa", kịch bản phim "Nguyễn Văn Trỗi", đoạn giọng ông lắng xuống:
- Nhưng đó là những hào nhoáng đã qua. Thành tựu quá khứ dù có vinh quang đến mấy cũng không cho phép nhà văn cứ ngồi đó mà nhấm nháp, mà say sưa, huống hồ sáng tác của mình chưa phải là đỉnh cao mong muốn. Sau những năm lăn lộn chao đảo trong đời sống giờ đây mình thấy đã an tâm tĩnh tại. Có điều kiện để mà suy ngẫm. Mình phải viết. Mà phải viết tiểu thuyết.
Nhà văn hồ hởi:
- Chiến tranh nhân dân ở ta là đề tài muôn đời mới mẻ và hấp dẫn. Vấn đề là do cái nhìn và phương pháp khai thác. Nhưng tôi đang bị thực tế ở làng hôm nay mê hoặc. Phải viết về cái đang diễn ra hôm nay. Làng xóm đổi thay. Có điện. Có đài. Có xe cộ rầm rập. Nhưng để đi tới hôm nay và tới nữa biết bao vật lộn, biết bao trăn trở, biết bao sóng gió. Cái tốt đẹp có. Cái đồi bại có. Cái bất công có. Thực tế đó cho nên cái tâm của người viết mới là quan trọng.
Thời gian ngắn. Chuyện muốn nói thì nhiều. Thành thử cứ líu ríu. Thành ra cứ lộn xộn. Xuân Thiều và ông hỏi thăm nhau về con cái bởi hai gia đình gắn bó từ thời chiến tranh phá hoại, nhà văn Xuân Thiều đã cho các con sơ tán về đây. Còn Lương Sĩ Cầm thì cùng với ông cân nhắc về tuổi tác, về những năm tháng qua, về phần đời còn lại. Tôi nhìn quanh ngôi nhà tường xây mái ngói đã cũ, kiểu nhà sang trọng của những năm sáu mươi thế kỷ trước, ngập ngừng đưa ra câu hỏi:
- Nhà khởi nguồn từ "Phá vây" đây phải không ạ?
Ông điềm tĩnh:
- Đâu có. Nó được xây năm 1960 bằng tiền nhuận bút 1.340 đồng của quyển "Trận địa mới".
- Thế còn nhuận bút quyển "Phá vây"?
- "Phá vây" được 3.700 đồng (món tiền quá lớn thời bấy giờ). Lại không mất tiền đánh máy vì bản thảo sạch sẽ được đưa thẳng tới nhà in.
Nói rồi ông cười. Nụ cười tươi đấy nhưng xem ra vẫn có phần móm mém. Nhưng mà hồn nhiên. Nhưng mà mãn nguyện. Ngoài bảy mươi tuổi ai còn đánh vật với cuộc đời nữa mà chẳng mãn nguyện. Nhưng khát vọng vẫn cứ là khát vọng. Mọi ý nghĩ chẳng còn bồng bột sục sôi thì nó vẫn da diết đau đáu cõi lòng. Tôi để ý thấy ban nãy ông lấy bài thơ về cái cổng ra đọc nghe chung là từ cặp da đã cũ chứ không phải trong chum hay vại có lá chuối khô cho khỏi ẩm mốc như Trần Đăng Khoa từng nói…
Bẵng đi, tới một ngày cách nay vài ba năm, tôi không nhớ chính xác, Hữu Thỉnh điện bảo tôi cùng về Hải Dương ngay vì nhà văn Phù Thăng mất rồi. Hai chúng tôi đi sớm. Hà Cừ đón ở ngã tư Máy Sứ và nhập đoàn. Đến nơi vừa đúng phút giây một đội cựu chiến binh lễ phục tề chỉnh đang viếng. Chúng tôi đợi đến lượt sau và lặng lẽ cúi đầu, lòng xôn xao thương nhớ một tài năng đã qua và một trái tim nồng nhiệt đã đi vào mãi mãi.
TÔ ĐỨC CHIÊU