Đình Bảo Tháp được gọi theo tên làng Bảo Tháp, tổng Mỹ Xá, huyện Tứ Kỳ xưa (nay thuộc khu 4, phường Hải Tân, TP Hải Dương). Đình thờ vị tướng giỏi Cư Sĩ Đại vương.
Đình Bảo tháp được tôn tạo khang trang
Đình Bảo Tháp ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) là một trong hàng chục di tích thờ nhân vật thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị về lịch sử, khoa học, nghệ thuật gồm các chất liệu gỗ, giấy, gốm, đá và kim loại. Đình được xếp hạng di tích cấp tỉnh tháng 1.2018.
Thần tích hào hùng
Đình Bảo Tháp được gọi theo tên làng Bảo Tháp, tổng Mỹ Xá, huyện Tứ Kỳ xưa (nay thuộc khu 4, phường Hải Tân). Đình thờ vị tướng giỏi Cư Sĩ Đại vương. Ngọc phả tại đình ghi rằng, vào thời Hùng Vương thứ 18, tại làng An Xá, huyện Thượng Hiền, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam, có gia đình họ Trương, tên húy là Long, vợ là Phùng Thị Hoan, lấy nghề đánh cá làm kế sinh nhai, sinh hoạt kiệm cần nhưng gia cảnh vẫn nghèo khó. Ông bà liền tìm vùng đất khác sinh sống. Đến khu Hạ, trang Hồng Liễu, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng (nay là phường Tân Hưng, TP Hải Dương) thấy phong cảnh thuần hậu, người dân chất phác, đất đai trù phú, cây cỏ tốt tươi, hai ông bà liền ở lại. Một ngày, ông bà đánh cá ở bến sông thì vớt được 20 hốt vàng, nhờ thế trở nên giàu có. Ông bà dốc lòng làm việc thiện, đem hết của cải cứu giúp người nghèo.
Nghe tin đền Sài Sơn, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai (tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) linh thiêng, hai vợ chồng bèn sửa soạn hoa lễ, tìm đến cầu tự. Một thời gian sau, Hoan nương có thai, sinh được một người con trai, diện mạo khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Cư Sĩ. Năm 16 tuổi, Cư Sĩ đã cao lớn, tinh thông võ nghệ nổi tiếng một vùng.
Cuối đời Hùng Duệ Vương, thế nước suy yếu, Thục Phán nắm giữ bộ lạc Tây Bắc thừa cơ nổi dậy. Vua Hùng vô cùng lo lắng bèn gọi Sơn Thánh cùng các chủ tướng đến hỏi kế bình Thục. Sơn Thánh tâu rằng: “Xin bệ hạ cho triệu Cư Sĩ về cùng thần thay ngài lựa chọn những vị tướng tài ra trận, không quá nửa tháng sẽ bình được quân Thục”. Vua Hùng lập tức cho triệu Cư Sĩ về triều, phong làm Tiền tướng quân, thống lĩnh năm vạn tinh binh. Cư Sĩ tiến quân đến đồn quân Thục chiếm đóng, quyết chiến một trận. Trên đường tiến quân tới khu Hạ, trang Hồng Liễu, thấy một gò đất cao, có núi bao quanh, ông bèn cho binh lính trú ngụ, hành lễ bái tạ và mời các bậc bô lão cùng người dân ở đây đến, bảo rằng: “Ta vốn là người được sinh ra ở đây, gia đình lấy việc đánh cá làm nghiệp. Cho nên, ta cho binh lính đến lập đồn, đóng quân tại trang này”. Cư Sĩ tuyển chọn trong trang được 34 người cường tráng làm gia thần cùng tiến đánh quân Thục và giành thắng lợi.
Vua Hùng mừng rỡ, mời Cư Sĩ hồi triều và ban cho thực ấp ở khu Hạ. Cư Sĩ xin vua trở về bản quán xây dựng cung sở và mở tiệc thiết đãi nhân dân. Nhân dân đang dự tiệc, bỗng nhiên trời đất tối sầm, mưa to, gió lớn, người Cư Sĩ phát ra ba màu xanh, trắng, đỏ rồi bay thẳng lên trời.
Do có công lao với đất nước, sau khi mất, Cư Sĩ được triều đình phong tước, khen phong mỹ tự: “Nhất phong minh đức ngũ định Cư Sĩ Đại vương”, dân làng tôn làm thành hoàng và lập đình thờ.
Lưu giữ nhiều cổ vật giá trị
Sắc phong ngày 25.7 năm Khải Định 9 (năm 1924) cho Cư Sĩ Đại Vương
Đình Bảo Tháp khởi dựng vào thời kỳ nào đến nay chưa có cơ sở khoa học để kết luận chính xác, chỉ biết ngôi đình trước đây được xây dựng ở phía đông của làng. Đến thời Nguyễn, đình được di chuyển về vị trí hiện nay, tọa lạc trên một gò đất cao, mặt tiền quay hướng tây nam. Năm Bảo Đại 13 (1938), di tích tiếp tục được trùng tu, mở rộng. Công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Đại bái xây đao dĩ với bốn góc đao cong. Hậu cung xây bít đốc bổ trụ, mái lợp ngói mũi. Kết cấu các bộ vì kiểu chồng rường giá chiêng, chất liệu bằng gỗ lim. Phía trước đình là một khoảng sân rộng, lát gạch chỉ, đăng đối hai bên là hai dãy tả mạc và hữu mạc (dải vũ), mỗi dãy 3 gian, kết cấu khung vì và cột cũng bằng gỗ lim. Đây là nơi các quan viên sửa soạn mũ áo vào tế khi làng vào đám...
Trải qua thời gian và chiến tranh, khu di tích không còn giữ được các hạng mục kiến trúc cổ ban đầu. Năm 2000, dân làng xây dựng 3 gian đại bái trên nền đất cũ phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng. Năm 2014, nhân dân trong khu tiếp tục đóng góp khoảng 500 triệu đồng tôn tạo và mở rộng quy mô tòa đại bái thành 5 gian và lát sân, xây tường bao quanh di tích...
Hiện nay, khu di tích khá khang trang, ngôi đình được phục dựng, tôn tạo theo lối kiến trúc cổ. Tại đây bài trí ngai và bài vị thờ Thành hoàng Cư Sĩ Đại Vương, chất liệu gỗ sơn son thếp vàng với những bức chạm tứ linh, tứ quý khá đẹp...
Ông Đoàn Hồng Lĩnh, Phó Ban Quản lý đình cho biết trong những năm qua, chính quyền địa phương và nhân dân trong khu luôn quan tâm bảo tồn di tích, gìn giữ, bảo vệ các di vật, cổ vật có giá trị lịch sử hàng trăm năm gắn liền với ngôi đình như cuốn ngọc phả do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), Quản giám Bách thần, Tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng sao vào năm Hoàng triều Vĩnh Hựu 6 (1740) nói về tiểu sử, thân thế, sự nghiệp của vị thành hoàng làng, 3 đạo sắc do vua Thành Thái nguyên niên (1889), Duy Tân 3 (1909) và Khải Định 9 (1924) phong cho Cư Sĩ Đại Vương cùng hệ thống câu đối, đại tự, hòm sắc, bảng văn, mâm bồng, đèn nến, bát hương, đỉnh đồng... Ngoài ra, còn 5 tấm bia đá cổ niên đại thời Nguyễn ghi tên những người công đức đóng góp tiền, ruộng tu bổ tôn tạo di tích.
Lễ hội đình Bảo Tháp xưa được tổ chức từ ngày 10-12 tháng giêng, trọng hội là ngày 11. Để chuẩn bị cho lễ hội, từ tháng chạp năm trước, làng đã họp bàn bầu ra Ban trị sự hội. Phần lễ có nghi thức rước giao hảo đến đình Ngọc Lặc tổ chức hợp tế. Phần hội có các trò chơi dân gian chọi gà, cờ người, hát chèo... Ngày nay, lễ hội vẫn giữ nguyên nghi thức truyền thống, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
NHẬT HỮU