Sông Khuỷu Tay là tên riêng của dân làng tôi đặt cho dòng Thạch Giang. Đây là dòng sông nhỏ, nhánh của sông Kinh Thầy chảy qua vùng có địa hình đồi núi đất đá để nối với sông Bạch Đằng. Vì thế dòng sông quanh co, có chỗ như ruột lợn. Đoạn qua đầu làng tôi đang chảy thẳng thì húc vào chân đồi, dòng sông bị bẻ quặt lại giống như khuỷu tay người. Cũng vì địa hình mà dòng sông chỗ phình rộng ra, chỗ bị bóp hẹp lại và lòng sông chỗ sâu chỗ nông. Tất cả tạo nên tính cách của nó. Chỉ cần đi chừng vài cây số trên bờ mà quan sát thì ai cũng phải nhận ra cái đỏng đảnh, hung bạo và lì lợm hiện ra từ gương mặt sông Khuỷu Tay, nhất là vào mùa mưa. Mặt sông dày lên nặng chịch, đỏ như mặt người say rượu. Có chỗ lầm lì như đang ẩn chứa những mưu mô. Có chỗ ầm ầm xô, nước sùi bọt. Có chỗ hiện ra những lỗ xoáy tun hút trông rợn tóc gáy. Ở chỗ khuỷu tay đầu làng tôi, hình như là nơi chất chứa bao nhiêu bực bội của dòng chảy không được êm xuôi mà nước xoáy thành vụng lớn.
Ngôi đền nằm ngay trên bờ sông, cửa trông xuống vụng xoáy. Hoà bình lập lại, ngôi đền xuất hiện. Cạnh đền trồng cây đa. Đến nay đã qua gần sáu chục năm, cây đa thành cổ thụ, cành lá xanh tươi bốn mùa, hàng chục rễ phụ từ các cành buông xuống như những cột chống vững chãi. Đến năm 2007, ngôi đền được một nhóm người làng tài trợ kinh phí xây lại thành năm gian ngoài và ba gian hậu cung với 12 pho tượng và đặt tên mới là "Thập nhị linh mẫu" (mười hai bà mẹ thiêng). Ngày lễ hằng năm của đền là ngày mồng 5 - 8 âm lịch. Thủ nhang của đền là cụ Uất nay đã 72 tuổi, người liên tục hương khói từ năm đầu tiên xây đền đến nay.
Đã là đình, chùa, đền, miếu thì nơi nào chả có những chuyện linh thiêng. Nhưng ở những nơi khác thờ các vị thần mà ta không hề biết mặt thì những chuyện thiêng nghe chừng có vẻ khó tin. Còn ngôi đền làng tôi nói trên lại thờ những người có thật, chết thật thì những chuyện linh thiêng ấy dù là người thế nào đi nữa vẫn phải tin vì nó đều là những chuyện cụ thể gắn với thời gian cụ thể và người còn sống sờ sờ ra đây. Những chuyện ấy người làng tôi ai cũng thuộc. Tuy vậy riêng tôi vẫn bán tín bán nghi. Nhân dịp lễ đền năm vừa rồi, tôi có dịp gần cụ Uất để trò chuyện. Cụ Uất bảo:
- Các anh lớn lên thì mọi việc đã qua lâu rồi, sau đó các anh đi thoát ly, có ở làng đâu mà biết. Anh có biết ông cụ Tư Choác không?
- Dạ không ạ!
- Tư Choác điên ấy mà, vẫn sống ở làng mình ấy, năm nay 84 tuổi rồi, muốn chết mà không chết được. Mấy năm trước đây, cứ đến ngày lễ đền là lão đi đủ 12 nhà. Đến sân, lão quỳ xuống lạy gia đình như tế sao và vơ đất, cát, rạ rơm, mùn bẩn... vớ cái gì lão cho vào mồm cái ấy nói là: "Con xin cắn cứt, con lạy bà, lạy cô, lạy cậu xá tội cho con". Vài năm nay lũ con nó nhốt trong nhà, ăn đâu ỉa đấy. Anh bảo có phải các bà trừng phạt không?
Ngừng một lát, cụ kể tiếp:
- Tôi ngủ ở đền, nhiều đêm tôi vẫn nghe tiếng trẻ con khóc thét ngay trước cửa đền. Tôi cho là mình mê ngủ, ngồi dậy cho tỉnh táo nhưng vẫn nghe rõ tiếng khóc ấy. Nhất là sắp đến ngày lễ thì hay nghe được lắm.
- Cụ không sợ à?
- Sợ gì? Nếu sợ tôi đã chả ra trông đền mấy chục năm nay. Tôi ra đây là ra ở với mẹ tôi và các bạn của bà, với các em tôi, tôi lại thấy ấm cúng, dễ chịu và khỏe ra. Còn nhiều chuyện lắm nhưng làm sao có thời giờ mà kể hết. Tôi dám nói là ở làng không ai hiểu ngôi đền này bằng tôi.
- Cháu tin là thế. Bởi vì cụ trông coi suốt hơn 50 năm.
- Phải, nhưng chưa đủ. Tôi còn là nhân chứng của cái vụ kinh khủng năm ấy. Anh có biết không, vì thế tôi mới đổi tên. Lúc còn nhỏ tôi tên là Tuất. Sau khi việc tày đình xảy ra, tôi bỏ chữ "tê" ở đầu đi mới ra chữ "Uất". Uất là uất ức, là căm uất. Tôi thù chúng nó.
Ngừng lại một lát, cụ như sực nhớ ra điều gì, hỏi:
- Anh còn ở nhà lâu không?
- Đợt này cháu còn ở khoảng tuần nữa vì cháu còn muốn tìm hiểu mấy ngôi đền, ngôi chùa lớn ở vùng ta. Tiếng là người trong huyện nhưng lớn lên, cháu công tác xa, hằng năm có về cũng chả được mấy nên chưa hiểu biết gì ở quê cả. Có gì không hả cụ?
- Ấy là tôi hỏi thế.
Khoảng dăm ngày sau, cụ Uất đến nhà tôi từ rất sớm. Gặp tôi, cụ hỏi luôn:
- Anh sắp đi chưa?
- Dạ hai ngày nữa ạ.
- Thế thì may quá, tôi muốn nhờ anh một việc.
Tôi mời cụ vào nhà, pha nước mời.
- Tôi nói luôn nhá. Biết anh là người học cao, tôi muốn nhờ anh xem hộ tôi cái này xem tôi viết thế có phạm gì không, có được không? Lát nữa tôi phải ra đền sớm. Nay là ngày rằm.
Rồi cụ móc ở trong túi xách ra một quyển vở học sinh loại dày đưa cho tôi. Ngoài bìa có dán nhãn bằng giấy trắng ghi mấy chữ "Sự tích đền Thập nhị linh mẫu". Dưới có mở ngoặc đơn ghi thêm bốn chữ "Sự việc có thật".
- Anh cứ đọc và góp ý gì thì ghi vào cuối quyển vở ấy. Đây mới là nháp mà. Anh phải chân thành nói thật nhá. Thôi tôi đi đây.
Quyển sách có hơn sáu mươi trang viết tay. Mặc dù là bản nháp như cụ nói nhưng sạch sẽ, sáng sủa và rất ít dập xoá. Nhìn vào từng trang, tôi nhận ra ý thức trân trọng của người viết. Tôi tò mò, háo hức không biết cụ viết những gì, lật qua mục lục, tìm về phần sự tích ngôi đền để đọc trước.
*
Năm 1951, thực dân Pháp ra sức càn quét ở vùng quê Gio Xá. Chúng muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Việt Minh ở Đệ tứ chiến khu Đông Triều với vùng này nên trên bờ sông Thạch Giang, chúng cho xây rất nhiều bốt boong ke. Đây là loại bốt chỉ cao độ 1,5 mét trên mặt đất nhưng sâu xuống chừng một mét nữa. Bốt được đổ bê-tông cốt sắt với độ dày của tường tới 0,8 m. Bốt có hình tam giác. Mỗi mặt đều có ba lỗ châu mai hình chữ nhật và mấy lỗ thả lựu đạn hình tròn. Trên nóc lô cốt có đặt một khẩu "tăng xình" trông như con rùa khổng lồ đang vươn dài cổ ra, sẵn sàng nhả đạn vào những điểm chúng nghi ngờ. Đây là loại pháo cỡ nhỏ nhưng khá lợi hại. Trên ngọn núi Chim Kêu ở đầu làng, nơi dưới chân là vụng xoáy, chúng cũng cho xây ba chiếc boong ke tạo thế chân kiềng hỗ trợ cho nhau. Tây trắng, Tây đen và bọn tay sai cho Pháp đổ về. Dân làng nháo nhác sợ sệt. Đàn ông bị bắt đi đánh đá, bổ đá. Đàn bà gánh cát, vôi vữa... Tất cả làm quần quật dưới roi vọt của Tây và ngụy. Không chỉ phải đi phu mà đàn bà con gái còn bị chúng chòng ghẹo. Có người bị nó hãm hiếp. Gà qué, ngan vịt chúng bắt ăn thịt. Đứa nào cũng nói là "quan lớn sẽ giả tiền" nhưng có ai được đồng nào. Có bà tức quá giằng gà lại hỏi "tiền đâu?". Chúng lên đạn đánh rộp, chỉ súng vào mặt bảo: "Tiền đây, thích mất mạng hả?". Ròng rã hằng tháng trời như thế, dân làng không chịu được, nhiều người đã trốn đi phu nhưng chúng hành hạ bố mẹ, vợ con lại phải về làm cho chúng. Thế là vào đêm mồng 4 - 8, một số anh em du kích làng, được anh Hùng quân báo của bộ đội tỉnh giúp vạch kế hoạch giết gọn tên quan một Tây trắng với ba tên ngụy. Sáng hôm sau gần một nghìn quân cả Tây và ngụy về vây kín làng. Chúng lùa tất cả già trẻ, trai gái ra bãi rộng trên bờ vụng xoáy ở khúc sông Khuỷu Tay. Làng bấy giờ mới có hơn một trăm hộ. Bọn lính tay lăm lăm súng đứng như hàng rào vây. Tên chỉ huy là quan ba Tây trắng hình như ở tỉnh về. Nó bắt mọi người tố cáo những ai đã giết quan và lính của chúng đêm qua. Cả khối người im lặng chỉ có tiếng trẻ con khóc chí chóe và thỉnh thoảng tiếng chửi của một vài người mẹ nào đó cất lên: "Cha tổ nhà mày, hành hạ bà vừa chứ. Khóc gì". "Tiên sư bố chúng mày làm khổ bà mãi, có câm mồm đi không, rồi bà sẽ cho chúng mày một trận". Ngẫm ra, không phải là những câu chửi con mà là chửi kẻ khác cơ Bọn giặc có hiểu không nhưng tôi thấy mặt đứa nào cũng hằm hằm tức tối. Năm ấy, tôi đã 12 tuổi và cùng ngồi trong đám tập trung ấy.
Hàng tiếng đồng hồ tra hỏi từ cụ già đến trẻ con, ai cũng lắc đầu. Mỗi khi lắc đầu thì người đó lại bị một cái tát như trời vả. Nhiều người ngã dúi dụi. Nhiều người hộc máu mồm. Có thể người ta không biết thật. Nhưng cũng có thể biết mà người ta không nói. Trong họ, ngoài làng với nhau, tố cáo để các anh ấy bị chúng giết hại thì nhẫn tâm quá, thất đức quá. Chúng mày không thể giết cả làng được. Ai cũng nghĩ thế. Bỗng tên quan ba vẫy mấy thằng Tây trắng và mấy thằng ngụy lại nói gì không rõ. Trong đám tay sai được vẫy lại, tôi thấy có thằng Tư Choác người làng. Nhà nó ở xóm đình, giàu lắm, có nhà ngói cây mít với những bịch thóc to như đống rơm con. Khi cải cách ruộng đất, bố nó là địa chủ loại cường hào gian ác, có nợ máu nông dân nên bị bắn đầu tiên. Tư Choác lúc ấy đã là "Cai". Tên quan ba đội mũ có hai gạch đỏ chữ thập. Hắn mặc quần soóc màu vàng đất, chân đi giày săng đá. Chiếc áo cộc tay có hai túi ngực. Khẩu súng lục lăm lăm trong tay. Chiếc mũi dài và nhọn hơi khoằm với đôi mắt xanh lơ trông dữ tợn và hoang dã. Nó len vào đám đông nhòm mặt từng người. Trẻ con khóc thét. Nhiều cụ già hãi run bần bật. Có cụ bà chắp tay lẩm bẩm: "Con lạy quan lớn". Nhưng tất cả những cái đó, tên quan ba không để ý. Rồi nó túm tóc 12 cô đang bế con bú. Nó túm tóc ai thì tên thông ngôn lại nói: "Quan lớn bảo đứng lên, bế con ra kia". Trong số ấy có cả mẹ tôi. Mẹ tôi đang bế đứa em thứ hai của tôi. Em tôi lúc đó mới được chín tháng. Mẹ tôi có lẽ là người nhiều tuổi nhất. Tôi gào khóc gọi mẹ định chạy ra nhưng bà tôi giữ lại: "Cháu ơi giờ ra nó giết cháu đấy". Không biết chúng sẽ giở trò gì. Mười hai cô với 12 đứa con nhỏ trên tay bị chúng dẫn đứng xếp hàng quay mặt vào nơi tập trung, quay lưng xuống vực. Mọi người nhộn nhạo. Lập tức mấy tràng tiểu liên nổ. Cả đám người lại phải ngồi yên. Tiếng của tên thông ngôn vang lên.
- Quan lớn sẽ hỏi từng người trong số đây. Nó chỉ tay vào 12 người mẹ đang bế con. Và quan yêu cầu phải khai những tên Việt Minh đã làm loạn đêm qua. Ai thành thật nói sẽ có thưởng. Ai che giấu sẽ bị giết cả mẹ lẫn con. Quan giao cho ngài cai Choác đây trực tiếp hành hình.
Tên quan ba chỉ vào người mẹ thứ nhất, cô tên là Gái, nói xì xồ.
- Tao cho mày chọn một trong hai con đường - Tên thông ngôn dịch - Một là khai ra bọn du kích, hai là tự tay mày ném con xuống sông. Nếu không làm thì sẽ bị bắn.
Vừa nói, nó và cai Choác vừa đẩy người mẹ bước lui lại gần sát bờ sông. Bọn lính dãn hàng phụ nữ đứng nhích sang hai bên. Tên quan ba nhìn xuống đám người, vẫy tay chỉ về phía người mẹ vừa bị đẩy đứng tách ra ý nói "Chúng mày hãy nhìn đây".
- Mày nghe cho rõ - Tên thông ngôn nói lại với cô Gái - Quan đếm đến năm thì mày phải nói.
Thằng Tây nắm bàn tay giơ lên đếm: Oong, đơ, toa, cas. xanh. Tên phiên dịch gào theo "một, hai, ba, bốn, năm". Mỗi tiếng hắn lại xoè ra một ngón tay. Khi bàn tay hắn đã xoè hết 5 ngón và mọi người nhìn rõ cái cẳng tay đầy lông lá của hắn thì cô Gái quát lên:
- Tao không biết.
Tên thông ngôn dịch lại với thằng quan ba. Mắt nó trợn lên và trỏ tay xuống sông.
- Vậy thì mày phải vứt con mày xuống cái vụng xoáy kia - Tên thông ngôn lại hét vào mặt cô.
- Mày về hỏi cái thằng bố mày kia - Cô Gái hất hàm về phía tên quan ba - Xem mẹ nó có vứt nó xuống sông không? Mắt cô long lên phát ra những tia dữ dội. Hai tay cô ôm chặt đứa con. Đứa con khóc ré lên.
- Vậy thì mày phải chết. Ông cai, ông làm nhiệm vụ đi. Đó là lời tên quan ba do thông ngôn dịch lại, sau khi tên này dịch cho hắn nghe lời cô Gái. Thông ngôn vừa nói xong, cai Choác nâng khẩu tiểu liên lên. Ba phát nổ chát chúa. Bóng mẹ con cô Gái đổ nhào xuống sông. Cả đám người kêu khóc inh ỏi. Một số người nhốn nháo bị bọn lính ùa vào lấy báng súng, dây da đánh túi bụi.
Rồi người mẹ thứ hai là cô Ngà, thứ ba là cô Lam, thứ tư là cô Út, cô Tí thứ năm cho đến người thứ 12 chính là mẹ tôi. Cứ hỏi và bắn, hỏi và bắn. Không một người mẹ nào khai báo. Mẹ tôi nhổ bọt. Cả làng kêu khóc thảm thiết. Bà tôi ngất xỉu. Nhiều người bầm mặt lại. Có người cắn bật máu môi. Trời như sắp vỡ ra bởi chứa chất một cái gì đó quá sức. Nước sông lên to. Cái vụng xoáy cứ réo lên sùi bọt đỏ màu máu.
Bọn giặc vừa rút, cả làng túa đi tìm. Những người khoẻ mạnh thì theo dòng tìm vớt xác. Bà già trẻ con ngồi lại bờ sông, mỗi người một nắm đất vứt xuống vụng như đắp điếm phần mộ chung của 12 bà mẹ trẻ. Dòng sông trông dữ dằn thế mà lại nhân hậu. Xác của 12 người mẹ được táp vào một chỗ cách đấy chỉ mấy trăm mét. Có người còn ôm chặt đứa con. Có đứa trẻ vẫn thục tay vào trong áo mẹ. Mấy cháu rời mẹ cũng được sông đưa xác dạt vào bờ gần đấy. Sẩm tối thì tìm đủ xác mẹ nào con ấy. Cả đêm làng tôi không ngủ, bàng hoàng như gặp ác mộng.
Đọc đến đây tôi không cầm được nước mắt. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao dân làng tôi gọi ngày 5 - 8 là ngày giỗ trận. Vì sao cụ Tuất đổi tên là Uất. Vì sao cụ ra trông đền suốt hơn năm chục năm và vì sao ngôi đền làng tôi linh thiêng thế. Đến bây giờ tôi cũng mới hiểu một cách sâu sắc tại sao làng tôi có tới ba anh hùng, có bốn người mẹ được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và xã tôi là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp.
Trước khi đi, tôi mang sách đến trả cụ. Mở trang cuối vẫn là giấy trắng, cụ bảo tôi.
- Anh không có nhận xét gì à?
- Dạ, lớp con cháu chỉ còn biết cám ơn các cụ, cám ơn các bà mẹ đã tạo cho làng những trang sử đầy đau thương mà vô cùng bất khuất. Cháu gửi lại cụ tập sách quý báu này. Giờ cháu ra đền thắp hương xin phép mười hai mẫu.
Truyện ngắn của VĂN DUY