Ngôi chùa cổ tĩnh lặng dưới chân núi An Phụ

23/05/2023 10:09

Đó là chùa Bảo Minh ở thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa (Kinh Môn).

Chùa Bảo Minh mới được trùng tu năm 2010

Đây không chỉ là ngôi chùa cổ nằm ở nơi phong cảnh đẹp nổi tiếng một thời mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện kháng chiến tiêu biểu ở địa phương.

Độc đáo

Tên chùa Bảo Minh có ý nghĩa là ánh sáng quý báu nơi cửa Phật. Công trình tọa lạc trên doi đất cao, mặt tiền hướng tây nam; phía đông, phía nam, phía bắc đều là dải đất của dãy An Phụ trùng điệp phủ kín màu xanh cỏ cây. Từ xa nhìn về đã thấy ngôi chùa uy nghi ẩn hiện dưới tán lá của cây bàng, cây đại cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Theo tài liệu lưu giữ tại địa phương, khác với các ngôi chùa khác trong vùng, chùa Bảo Minh có lịch sử xây dựng gắn liền với nhân vật Liễu Khang ở thế kỷ X, đồng thời liên quan đến cuộc dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh.

Bà Liễu Khang quê ở phủ Khoái Châu (Hưng Yên), sinh ra trong một gia đình giàu có, thường đi ngao du thiên hạ bằng thuyền buồm. Một lần, ghé thăm trại Gia Đước (tên cũ của làng Đích Sơn), thấy phong cảnh sơn thủy hữu tình, liền dừng chân nghỉ lại. Cách trại Gia Đước không xa có một am nhỏ thờ Phật do nhân dân xây dựng từ lâu, cảnh vật tĩnh mịch, ba mặt núi rừng, cây cối bao quanh. Thấy cảnh đẹp, dân chúng lại hiền lành chất phác, bà quyết định chọn ngôi am này là nơi tu hành. Sau đó, chiếc am nhỏ được xây dựng trở thành một ngôi chùa lớn và lấy tên tự là Bảo Minh.

Thời gian này, trong trang có hai anh em họ Đặng là Đặng Chân và Đặng Chỉ có tài văn võ. Ông Đặng Chân kết thân với bà Liễu Khang và dần trở thành đôi bạn tri kỷ. Khi đất nước có loạn 12 sứ quân, ông Đặng Chân và bà Liễu Khang đã tập hợp nghĩa quân theo đường thuỷ đến doanh trại của Đinh Bộ Lĩnh xin chủ tướng được góp sức dẹp loạn. Trong trận chiến, Đinh Bộ Lĩnh giao Đặng Chân chỉ huy một đạo quân trên bộ và bà Liễu Khang chỉ huy đạo quân dưới nước. Hai mũi thủy - bộ giáp công đã lập nhiều chiến công, đánh bại các sứ quân khác. 

Đất nước thanh bình, muôn dân sống yên vui, nghĩ đến công lao những người đã cùng vua dẹp loạn, vua Đinh phong cho Đặng Chân là “Vũ dũng cờ xí chinh tả đạo binh kiêm tham tán mưu sự”; bà Liễu Khang là “Công chúa mẫu nghi thiên hạ”. Nhà vua cho phép hai người về thăm trại Gia Đước. Thật không may, chưa về đến trại hai người cùng thác một nơi, nơi ấy dân gian gọi là đống “Đại Thần”. Nhân dân vô cùng thương tiếc, lập miếu phụng thờ và tôn vinh hai vị là Thành hoàng.

Trải qua năm tháng, tri ân người có công với nước, nhân dân thờ bà Liễu Khang tại chùa Bảo Minh - nơi bà đã tu hành; thờ ông Đặng Chân tại đình Đích Sơn.

Hiện nay, chùa Bảo Minh và đình Đích Sơn đều thuộc thôn Đích Sơn. Đình và chùa có hướng ngược chiều nhau, điều này thể hiện tình cảm tâm giao giữa hai vị anh hùng có công với nước.

Theo bà Phạm Thị Dung, thành viên Ban quản lý di tích, chùa Bảo Minh ban đầu chỉ là một am nhỏ, những thế hệ sau đó đã tiếp tục tu tạo, trồng nhiều cây làm cho di tích như một vùng danh lam. Đến thời Nguyễn, chùa lại được trùng tu, có văn bia ghi chép lại.

Trong kháng chiến chống Pháp, vùng đất Đích Sơn nói riêng và xã Hiệp Hòa nói chung là vùng xảy ra chiến sự ác liệt. Vì thế, hầu hết các di tích đều bị phá hủy. Tuy nhiên, chùa Bảo Minh vẫn được bảo tồn. Đến những năm 70 của thế kỷ XX, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, chùa bị phá dỡ. Năm 1991, dân làng đã góp tiền của, công sức khôi phục lại ngôi chùa thờ Phật và bà Liễu Khang, chất liệu bằng gỗ. Năm 2010, ngôi chùa được tôn tạo lại khang trang như hiện nay, kiến trúc chữ đinh gồm 3 gian tiền đường và 3 gian thượng điện dựng trên nền cao cách mặt sân 9 bậc. Cắt ngang hai đầu bậc cấp bài trí đôi rồng chầu bằng đá xanh nguyên khối. Bờ nóc đắp biển với ba chữ Hán: “Bảo Minh tự”.

Do năm tháng và chiến tranh, hệ thống tượng Phật tại chùa đã bị hư hại, toàn bộ tượng và đồ thờ tự do nhân dân cung tiến trong thời gian gần đây. Cổ vật, di vật còn lại là 1 tấm bia đá, 1 bát hương đá có niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX) được dân làng bảo quản, giữ gìn chu đáo.

Khám thờ bà Liễu Khang tại chùa Bảo Minh

Nhiều sự kiện

Không chỉ có lịch sử xây dựng lâu đời, chùa Bảo Minh còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng  quan trọng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, trưởng thôn Đích Sơn cho biết năm 1946, đình, chùa làng Đích Sơn là nơi tập trung lực lượng gồm 500 người, dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Văn Líp chờ cơ hội đánh đuổi quân Tưởng. Cũng tại đây, nhân dân tập trung đấu tranh chống bọn Tưởng Giới Thạch và yêu cầu đòi thả sư Tuệ (nhà sư hoạt động cách mạng, trụ trì tại chùa). Tháng 2 năm 1947, tại chùa đã diện ra Đại hội Đảng bộ huyện Kinh Môn, bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa I.

Đặc biệt, vào tháng 6 năm 1952, tại Hiệp Hòa, địch dùng một đại đội Âu Phi kết hợp lực lượng ngụy, bảo an ở các bốt Thái Mông, bốt Ngà càn quét liên miên, lục soát khắp nơi, sau đó chúng chốt quân ba điểm tại thôn Đích Sơn biến Đích Sơn thành một làng trắng. Trước tình hình đó, chi bộ xã đã sơ tán nhân dân, đưa thanh niên vào vùng tự do, bộ phận nhỏ ở lại để chuẩn bị có đủ hầm bí mật ở trại Chè, chùa Bảo Minh.

Chùa Bảo Minh vừa thờ Phật vừa thờ thánh nên lễ hội tại chùa được mở vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hằng năm và có liên quan mật thiết đến lễ hội đình Đích Sơn do tính chất thờ tự của các vị thành hoàng làng... 

Với giá trị lịch sử, văn hóa còn lưu giữ, từ năm 2011, chùa Bảo Minh đã được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích cấp tỉnh.

ĐẶNG THU THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi chùa cổ tĩnh lặng dưới chân núi An Phụ