“Ngoài vòng phủ sóng” - Sâu đậm nghĩa tình đồng đội

20/12/2014 14:36

“Ngoài vòng phủ sóng”

Giờ này bạn nơi đâu?
lúc bận họp, khi châu Âu, châu Mỹ
sóng điện thoại chập chờn giấc ngủ
ngày xưa hai đứa mình…

Ngày xưa cả tiểu đội hy sinh
còn sống hai thằng bây giờ lên lão cả
bạn làm lớn rạng danh làng xã
tôi ngu ngơ công chức phố nghèo.

Lắm đêm mơ choàng dậy chuông reo
lại nhấn số, lại ngoài vùng phủ sóng
bạn nhớ không, mai là ngày vào lính
đang cuộc họp nào, tóc bạc nhiều không?

Thôi đành lòng bạn còn lắm việc chung
mai mình tôi về thăm đơn vị cũ
rót chén rượu cho người dưới mộ
nỗi nhớ ngày thường phủ sóng cho nhau.

HẢI ĐƯỜNG

Nhớ những người đồng chí, đồng đội từng ra sống vào chết có nhau trên chiến trường là một đề tài tưởng như không mới, vì nhiều người làm thơ đã nói tới. Nhưng cái mới trong bài “Ngoài vòng phủ sóng” của nhà thơ Hải Đường là từ cái thực tại thời công nghệ thông tin, anh tạo dựng nên một cảm giác vừa thật vừa ảo về sự liên hệ giữa người còn sống sau bao năm tháng chiến tranh, và thông qua đó, như sợi dây vô hình, chắp nối mối liên hệ âm - dương, người sống với người đã hy sinh vì nghĩa cả. Thơ không nói gì nhiều, cũng không kể lại với người đọc một kỷ niệm sâu sắc nào của những người đồng đội trong chiến tranh, mà chỉ lột tả tâm trạng, nỗi niềm khi nhớ tới ngày hai người cùng làng, cùng vào lính với nhau. Từ đó, như nét gẩy nhẹ nhàng nhưng lại làm rung lên tiếng đàn ngân nga, da diết nghĩa tình.

Ngay câu mở đầu, một câu hỏi tưởng như rất thật: “Giờ này bạn ở đâu?/lúc bận họp, khi châu Âu, châu Mỹ/sóng điện thoại chập chờn giấc ngủ”. “Sóng điện thoại” hay những ký ức một thời chưa xa, chưa thể nào quên đang bật dậy trong tâm thức với bao ký ức hiện về rõ mồn một: “Ngày xưa cả tiểu đội hy sinh/còn sống hai thằng bây giờ lên lão cả”. Chỉ nhắc lại tưởng như bất chợt: “Ngày xưa cả tiểu đội hy sinh”, nhưng người đọc cũng đủ thấy thời ấy cuộc chiến tranh ác liệt đến mức nào, vậy mà “còn sống hai thằng bây giờ lên lão cả”. “Lên lão” là chuyện bình thường, ngay đến chuyện “bạn làm lớn rạng danh làng xã/tôi ngu ngơ công chức phố nghèo” cũng là lẽ tự nhiên ở đời. Nhưng đến mức nỗi nhớ tưởng như khôn cùng: “Lắm đêm mơ choàng dậy chuông reo/lại nhấn số, lại ngoài vùng phủ sóng” thì không còn là lẽ tự nhiên nữa rồi, mà chỉ có thể là sự vô tâm, sự bạc bẽo đối với người đồng đội từng sống chết có nhau. Dẫu vậy, cứ phải nhắc để bạn nhớ, dù bận đến đâu, dù tóc có bạc thêm sợi nào cũng không thể để bạc tình bạc nghĩa với nhau nhé: “bạn nhớ không, mai là ngày vào lính/đang cuộc họp nào, tóc bạc nhiều không?”. Thơ không một lời trách cứ, mà chỉ như hai người xa nhau, qua điện thoại, trò chuyện với nhau, nhắc nhau nhớ về “ngày vào lính”, một ngày không thể nào quên của bất cứ ai từng nhập ngũ, nhưng đọc lại như cứa vào lòng sự bực dọc, giận dữ kẻ vô tâm, vô nghĩa, vô ơn. Nhất là khi đọc sang khổ kết, chỉ với ba chữ đầu câu: “Thôi đành lòng bạn còn lắm việc chung/mai mình tôi về thăm đơn vị cũ”, thì như sự kìm nén đến mức không thể kìm nén được nữa, đành để bật lên thành lời đầy tiếc nuối, trách cứ, buồn giận, chỉ với ba chữ: “Thôi đành lòng”. Cũng ở khổ kết này, nhà thơ thể hiện rõ sự chắt lọc, kiệm lời, tinh tế và kín kẽ đến không còn cách nào kín hơn khi thể hiện tư tưởng nghệ thuật của cả bài chỉ gói gọn trong câu thơ: “rót chén rượu cho người dưới mộ/nỗi nhớ ngày thường phủ sóng cho nhau”. Một câu thơ mà theo tôi có thể xếp vào hàng những câu thơ hay nhất viết về tình đồng đội sau chiến tranh. Bởi tứ thơ sâu lắng, gợi mở nhiều chiều để từ đó người đọc có thể hòa chung suy nghĩ và cảm xúc với tác giả, vừa sâu đậm nghĩa tình, lại vừa rất đời thường, bình dị, sẻ chia. Một bài thơ nhớ về đồng đội, về những người đã hy sinh nhưng không hề có chút bi thương, tiếc nuối, ngay cả khi bạn có thể đã quên ngày nhập ngũ, quên đồng đội thì vẫn vui lòng cảm thông, bỏ qua cho bạn, chứ không hề trách cứ nặng lời. Thơ Hải Đường là thế, luôn mang đậm chất nhân văn, bình dị, chia sẻ, cảm thông.

CAO NĂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Ngoài vòng phủ sóng” - Sâu đậm nghĩa tình đồng đội