Truyền thông Đức ngày 10.9 đưa tin Ngoại trưởng nước này Heiko Maas đã cảnh báo về nguy cơ leo thang quân sự trong cuộc xung đột hạt nhân liên quan tới việc Iran làm giàu urani.
Khu vực eo biển Hormuz là khu vực nhạy cảm, rất dễ dẫn đến xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran
Phát biểu với báo Funke Media Group, ông Maas nhấn mạnh: "Mọi người phải hành động có trách nhiệm ngay bây giờ, nếu không chúng ta sẽ bỏ lỡ con đường hướng tới giải quyết xung đột một cách hòa bình".
Ông Maas kêu gọi Chính phủ Iran tiếp tục "tuân thủ đầy đủ" đối với thỏa thuận hạt nhân đã ký. Ngoại trưởng Đức cũng nhấn mạnh rằng mặc dù vẫn còn triển vọng tìm ra giải pháp, song châu Âu không thể tự mình thực hiện.
Cuối tuần qua, Iran đã đưa vào hoạt động các máy ly tâm làm giàu urani mạnh hơn, vi phạm điều khoản trong Thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết tại Vienna (Áo) vào năm 2015 có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Mức độ làm giàu urani là một trọng tâm của thỏa thuận nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo thỏa thuận hạt nhân này, Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết.
Ngoài ra, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300 kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.
Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông này.
Quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi sau một loạt các động thái gây căng thẳng từ hai phía như vụ Iran và Mỹ tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của nhau. Iran đã bắt đầu giảm dần các cam kết của mình nhằm trả đũa chiến dịch "gây sức ép tối đa" của Mỹ.
Tuy nhiên, Tehran cho biết các biện pháp này hoàn toàn có thể đảo ngược nếu các nước châu Âu tham gia thỏa thuận tìm ra cách thức giúp bảo vệ lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ quan trọng của Tehran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo TTXVN