Những ngày qua, cả nước liên tiếp đón nhận nhiều tin vui đến từ mặt trận ngoại giao vaccine, hàng loạt chuyến bay chở vaccine, thuốc điều trị Covid-19 về đến Việt Nam, Ấn Độ hợp tác với Việt Nam thử nghiệm và sản xuất vaccine Nanocovax do Việt Nam phát triển.
Máy bay chở hơn 1,5 triệu liều vaccine Moderna phòng Covid-19 đáp xuống Sân bay Quốc tế Nội Bài
Những thông tin này đã mang đến cho cả nước sự hân hoan, phấn khởi; một sắc màu tươi sáng trong bức tranh phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn nhiều những gam màu trầm, khó khăn của Việt Nam.
Những tướng lĩnh trên mặt trận ngoại giao vaccine
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, diễn ra ngày 8.8, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa chiến lược vaccine phòng Covid-19; quan tâm, bảo đảm ngày càng có nhiều lao động ở khu vực doanh nghiệp được tiêm; duy trì tốt chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng lao động cho các doanh nghiệp.
Giải đáp băn khoăn, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tái khẳng định mạnh mẽ chủ trương tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân, đồng thời nêu rõ, trong bối cảnh khan hiếm vaccine trên toàn cầu, Chính phủ đã nỗ lực tiếp cận vaccine bằng mọi kênh khác nhau, trong đó có đẩy mạnh ngoại giao vaccine, khuyến khích doanh nghiệp, địa phương chủ động tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vaccine. Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho biết, theo đề nghị của doanh nghiệp, có những đêm ông viết hàng chục lá thư giới thiệu, nhưng đến nay, các doanh nghiệp và địa phương dù rất tích cực vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn cung do các nhà cung cấp chỉ làm việc với Nhà nước. Với thực tế như vậy, Thủ tướng cho rằng “chúng ta cần phải đi bằng hai chân, kết hợp hợp tác công-tư”.
Trong cơ chế công-tư này, Nhà nước, Bộ Ngoại giao cùng Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đóng vai trò chủ công.
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tiếp nhận lô vaccine về đến Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) vào sáng 10.7
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ thực hiện mục tiêu kép trong 6 tháng cuối năm 2021”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, điểm sáng nhất của ngoại giao kinh tế trong 6 tháng đầu năm là ngoại giao vaccine, đóng góp vào kết quả chung của đất nước trong việc vận động và tiếp nhận hơn 14 triệu liều vaccine mặc dù nhu cầu thực tế trong nước còn rất lớn. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt, từ đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh và kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng chỉ đạo, trong 6 tháng cuối năm, các trưởng cơ quan đại diện cần thực hiện các nhiệm vụ với phương châm tiếp tục chủ động, sáng tạo trong phát hiện, đề xuất các cơ hội hợp tác; nhấn mạnh, mỗi trưởng cơ quan đại diện là một tướng lĩnh ở mặt trận, cần phát huy sức sáng tạo phục vụ hai mục tiêu là chống dịch và phát triển kinh tế. Trong triển khai cần bám thật sát nhu cầu phát triển trong nước.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, mà đỉnh cao là Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng vào nỗ lực tạo nên bước chuyển chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Ngày nay, với cuộc chiến lâu dài chống “giặc” COVID-19, vẫn với tinh thần tích cực và chủ động, trí tuệ, bản lĩnh, các “tướng lĩnh” ngoại giao Việt Nam trên khắp thế giới đã và đang dành trọn trái tim, khối óc của mình để mang về nước những liều vaccine/thuốc điều trị quý giá; nỗ lực cùng cả nước chiến thắng đại dịch, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và nhân lực.
Đồng lòng, quyết tâm vượt trở ngại
Kể lại quá trình đàm phán của đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ với các cơ quan chức năng, đối tác sở tại để đưa thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 về Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, đối tác Ấn Độ đánh giá cao trước sự đồng lòng, quyết tâm của phía Việt Nam khi biết được Đại sứ đã huy động nhiều lực lượng, sẵn sàng vượt qua các trở ngại, thủ tục, giấy tờ hành chính của Ấn Độ.
Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, để đưa khoảng 1 triệu liều thuốc điều trị Covid-19 Remdesivir từ Ấn Độ về Việt Nam là một hành trình đầy gian nan, bởi do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và gây ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của người dân Ấn Độ dịp cuối tháng 4 đầu tháng 5.2021, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng thuốc, sau đó được nới lỏng thành hạn chế xuất khẩu. Để được xuất khẩu, doanh nghiệp cần hoàn thiện thủ tục tại Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ hoặc các văn phòng đặt tại các trung tâm kinh tế lớn.
Trước tình hình trên, "Nhóm phản ứng nhanh về thuốc và vaccine” gồm Thương vụ, Phòng Khoa học công nghệ và cán bộ chủ chốt của Đại sứ quán do Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ thành lập đã chia ra nhiều mũi đi tìm hiểu, khảo sát thị trường vaccine, thuốc, biệt dược, công nghệ y tế phục vụ điều trị Covid-19.
Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ, sau quá trình tích cực tìm hiểu, đàm phán, các tập đoàn dược của Ấn Độ cho biết sẵn sàng cung cấp 1 triệu liều Remdesivir cho Việt Nam. Trong 1 triệu liều Remdesivir, có 500.000 liều là của Tập đoàn Vingroup, đề nghị Đại sứ quán hỗ trợ cho việc nhập khẩu.
Có thuốc trong tay, nhưng làm sao để đưa được về nước? Đây có lẽ là bài toán khó nhất với Đại sứ Phạm Sanh Châu và các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ. Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, các cán bộ và nhân viên trong Đại sứ quán đã phải làm việc với 200% công suất, thực hiện 7 đến 10 buổi làm việc trực tuyến mỗi ngày, tranh thủ từng giờ, từng phút.
Đại sứ quán đã nỗ lực kết nối một cách nhanh chóng, mạnh mẽ các đầu mối liên quan, cũng như bản thân Đại sứ sẵn sàng trực tiếp lên Bộ Ngoại giao, các cơ quan tại Ấn Độ để xin bằng được giấy phép xuất khẩu thuốc về Việt Nam. Tất cả những hành động quyết liệt đó đã tạo ra sự bất ngờ và góp phần thuyết phục được phía cơ quan chức năng Ấn Độ chấp nhận cấp giấy phép.
Tiếp nối thành công đưa thuốc Remdesivir về Việt Nam, “Nhóm phản ứng nhanh về thuốc và vaccine” tiếp tục “lập chiến công” khi nỗ lực kết nối, để đi đến sự kiện ngày 9/8, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Công ty Vekaria Healthcare LLP của Ấn Độ và Công ty Nanogen của Việt Nam ký Bản Thỏa thuận giữ Bí mật (NDA) nhằm phục vụ chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vaccine Nanocovax do Việt Nam phát triển.
Hai “chiến công” ngoại giao vaccine liên tiếp của Đại sứ Phạm Sanh Châu cùng các cộng sự ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ như những liều vaccine tinh thần khích lệ người dân trong nước lạc quan, vững tin vào những nỗ lực chống dịch của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, đồng thời cũng chính là một ví dụ sống động về việc ngành Ngoại giao nói chung, các nhà ngoại giao nói riêng đang là lưc lượng chủ công trên mặt trận ngoại giao vaccine, song hành cùng các nguồn lực trong nước trong sứ mệnh lịch sử đẩy lùi Covid-19, sớm mang lại cuộc sống bình thường cho người dân và ổn định sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước.
Theo TTXVN