Ngoại giao và kinh tế

23/11/2012 14:33

Ngày 23-11-1945, Bác Hồ dự họp Hội đồng Chính phủ.


Khi bàn về chương trình kinh tế, Người nói: “Ngoại giao và kinh tế có ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu mình có một chương trình kinh tế có lợi cho người ngoại quốc, họ có thể giúp mình”...

Tư tưởng thực hiện mở cửa nền kinh tế được hình thành ở Bác Hồ từ rất sớm. Năm 1919, trong một bài đăng trên báo L'Humanite', Người đã viết: "Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường".

Tư tưởng này, về sau được Người cụ thể hóa trong bức thư gửi cho Liên hợp quốc với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi đất nước mới giành được độc lập: "Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực. Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho sự đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”.

Trên cơ sở của tư duy đó, ngày 1-11-1945, Người đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, đề nghị gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ; mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác.

Sau khi giành được độc lập, trong nước còn bộn bề công việc, vậy mà Bác vẫn quyết định sang Pháp, ngăn chặn một cuộc chiến tranh có nguy cơ xảy ra, vừa xây dựng một quan hệ tốt đẹp với nước Pháp, với châu Âu. Trong thời gian ở Pháp, Người đã nhiều lần nêu rõ quan điểm của mình về quan hệ Việt - Pháp: "Việt Nam đòi quyền độc lập. Độc lập không phải là đoạn tuyệt với Pháp... Về mặt kinh tế và văn hóa, Việt Nam vui lòng cộng tác với Pháp... Việt Nam cần nước Pháp, nước Pháp cũng cần Việt Nam"…

Ngày nay, theo tư tưởng của Bác, cùng với quá trình đổi mới của đất nước, tư duy đối ngoại đã được thay đổi về căn bản, phản ánh yêu cầu phát triển của đất nước và phù hợp với các xu thế lớn của thời đại. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại với tinh thần “Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, đã chắp cánh cho ngoại giao Việt Nam bay cao và bay xa. Trong đó, ngoại giao kinh tế ngày càng khẳng định vai trò là một trụ cột quan trọng của nền ngoại giao toàn diện.

HƯƠNG SƠN(biên soạn)

(0) Bình luận
Ngoại giao và kinh tế