Đời sống văn hóa

Nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian thiếu người “nối dõi”

BẢO ANH 14/01/2024 11:00

Những người làm nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian của Hải Dương ngày càng nhiều tuổi trong khi đội ngũ trẻ kế cận lại rất hiếm, nên xảy ra tình trạng thiếu người “nối dõi”.

00:00

z5053383467831_73f5da4391c973b6abf725bc558a97f8.jpg
Bà Lê Thị Dự trò chuyện với công chúng tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương

Hải Dương có bề dày truyền thống văn hóa dân gian. Những nghiên cứu văn hóa dân gian giúp thế hệ hôm nay thấy được cội rễ, mạch nguồn bồi đắp nên các giá trị của đời sống văn hóa hiện đại. Tuy nhiên, hiện ít người trẻ quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian.

Già hóa

Ông Nguyễn Quốc Văn tuổi đã ngoại bát tuần nhưng vẫn cố gắng đi và viết. Ông lo lắng những dấu ấn của văn hóa dân gian trên mảnh đất xứ Đông sẽ bị mai một và ít người biết đến. Vì vậy, tranh thủ lúc khỏe mạnh ông dành thời gian điền dã. Để hoàn thành cuốn sách “Đất và người làng Thượng Cốc xứ Đông” ông đã mất gần chục năm khảo cứu và biên soạn. Công trình này cũng đã đoạt giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn - Hải Dương lần thứ VIII năm 2022.

“Những người nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian của Hải Dương ngày càng ít và đa phần tuổi đã cao. Trong khi nghiên cứu văn hóa dân gian phải điền dã nhiều ngày, cần sức khỏe dẻo dai và thực sự đam mê. Người tuổi càng cao sẽ càng khó khăn trong nghiên cứu”, ông Nguyễn Quốc Văn chia sẻ.

Do ít hội viên nên Ban Văn nghệ dân gian đã phải sáp nhập với Ban Nghiên cứu lý luận phê bình thành Ban Nghiên cứu lý luận phê bình và Văn nghệ dân gian. Dù được sáp nhập nhưng số người làm nghiên cứu văn nghệ dân gian vẫn chỉ vỏn vẹn 9 người. Hội viên ít tuổi nhất cũng đã gần 40. Thời gian qua, Ban Nghiên cứu lý luận phê bình và Văn nghệ dân gian tìm nhiều giải pháp khuyến khích giới trẻ tham gia hoạt động nghiên cứu. Người đi trước sẵn sàng truyền “lửa” nghề và kinh nghiệm làm việc nhưng không nhiều người trẻ sẵn sàng.

Ông Phạm Chức, người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian của Hải Dương năm nay ngoài 60 tuổi cho biết nếu như thời trẻ, tôi có thể leo núi hay đi bộ cả ngày để nghiên cứu, khám phá những vùng đất mới, những trầm tích văn hóa, văn nghệ dân gian trong đời sống ở khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh thì nay thực sự khó khăn. “Tuổi cao là một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điền dã, khám phá nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian”, ông Chức nói.

Người trẻ không mặn mà

Nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian gắn bó chặt chẽ với lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của mỗi địa phương. Những năm qua, các nhà nghiên cứu lĩnh vực này của Hải Dương đã có nhiều công trình giá trị.

Nhiều nghiên cứu công phu đã được xuất bản thành sách như: "Gốm Chu Đậu" của nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành, "Nghệ thuật hát trống quân ở Thúc Kháng (Bình Giang)" của tác giả Lê Thị Dự, "Văn hóa dân gian làng Hoàng Xá" của tác giả Nguyễn Long Nhiêm, "Thành hoàng và đình làng ở Bình Giang" của nhà báo Nguyễn Hữu Phách, "Ký sự khám phá Chí Linh thiêng" của nhà báo Phạm Chức...

Qua những công trình này, nét văn hóa đặc sắc ở các địa phương của Hải Dương được lưu giữ dưới dạng văn bản và hình ảnh. Đây là nguồn tư liệu quý cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa Hải Dương ở cả hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, những nghiên cứu có giá trị này lại phần lớn của những tác giả đã nhiều tuổi. Các công trình nghiên cứu gần đây vẫn vắng bóng người trẻ.

img_0911.jpg
Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Nguyễn Quốc Văn (bên trái) luôn mong muốn có những bạn trẻ yêu thích và kế cận lĩnh vực nghiên cứu này

Chị Nguyễn Thị Vân quê ở thị trấn Tứ Kỳ, từng học Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Chị cũng từng bảo vệ đồ án tốt nghiệp về lĩnh vực văn hóa dân gian. Thế nhưng khi ra trường chị Vân lại không chọn về Hải Dương làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu văn nghệ dân gian, thậm chí cũng không chọn đúng lĩnh vực mình học để làm việc ngay cả khi chị quyết định ở lại Hà Nội. “Tôi rất mê nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian nhưng khi đi thực tập, chứng kiến sự vất vả của các cô, các bác, thu nhập lại thấp nên quyết định xin vào làm truyền thông cho một doanh nghiệp ở Hà Nội”, chị Vân cho biết.

Chia sẻ của chị Vân đã chỉ ra một phần nguyên nhân khiến lực lượng nghiên cứu văn nghệ dân gian của Hải Dương nói riêng, cả nước nói chung ngày càng thiếu hụt và không thu hút được người trẻ.

Bà Lê Thị Dự, Ban Nghiên cứu lý luận phê bình thành và Văn nghệ dân gian cho biết: “Tôi mất nhiều năm để nghiên cứu, đi thực tế tại các địa phương, thậm chí làm việc không kể ngày nghỉ mới có thể hoàn thành được hai cuốn sách hơn 100 trang "Văn hóa dân gian làng Hoạch Trạch" hay cuốn "Phong tục tập quán và lễ hội tiêu biểu của huyện Ninh Giang". Khi phát hành sách tôi đã nhận được sự hỗ trợ của Hội Nghiên cứu Văn nghệ dân và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhưng hỗ trợ đó chỉ bù đắp được một phần mà thôi”.

Đội ngũ nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian của Hải Dương đang ngày càng già đi. Họ luôn thường trực nỗi lo thiếu vắng lực lượng tiếp nối đam mê, nhiệt huyết để văn hóa, văn nghệ dân gian Hải Dương luôn được gìn giữ.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian thiếu người “nối dõi”