Y tế - Sức khỏe

Nghiên cứu vaccine mRNA ngừa Covid-19 đoạt giải Nobel Y Sinh 2023

Theo VnExpress 02/10/2023 17:22

Công trình nghiên cứu về vaccine mRNA ngừa Covid-19 của hai nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman đoạt giải Nobel Y Sinh 2023.

Tại buổi lễ diễn ra lúc 12 giờ ngày 2/10 (giờ Stockholm, tức 16 giờ 45 - giờ Hà Nội), đại diện Viện hàn lâm Thụy Điển xướng tên nghiên cứu trên. Katalin Kariko, quốc tịch Hungary, là nữ giáo sư ngành hóa sinh phân tử, còn Drew Weissman là giáo sư, bác sĩ, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ).

Hơn hai thập kỷ, Weissman và Kariko cùng làm việc tại phòng thí nghiệm để biến mRNA thành thuốc điều trị. Nếu DNA là "bản thiết kế" của sự sống thì mRNA là trình tự công việc để tạo nên sự sống. Cả hai tin rằng quá trình tự nhiên này nên được khai thác để cách mạng hóa vaccine và thuốc trị bệnh.

Trở ngại đầu tiên nằm ở khoa học: RNA kích hoạt phản ứng viêm có hại. Đây là thách thức lớn đối với hai nhà khoa học, bởi họ đã kỳ vọng sử dụng công nghệ để điều trị các bệnh liên quan đến não bộ.

Đến năm 2005, Weissman và Kariko tìm ra phương pháp giải quyết tình trạng viêm, nâng cao tiềm năng điều trị của mRNA. Đó là điều chỉnh mã di truyền của nó. mRNA là mã di truyền biểu thị bằng 4 chữ cái C, G, A và U. Hai nhà khoa học phát hiện nếu sửa đổi về hóa học đối với U, mRNA không còn gây viêm nữa và tạo ra nhiều protein hơn. Từ đó, RNA an toàn để điều trị mà không gây ra phản ứng cytokine, độc tính hoặc tác dụng phụ.

Sự điều chỉnh này đã đặt nền móng cho việc ra đời vaccine Pfizer và Moderna, cứu sống hàng tỷ người trong đại dịch Covid-19. Sau đó, nhiều công trình chống lại các bệnh khác như HIV, ung thư, tự miễn và bệnh di truyền dựa trên công nghệ này đem lại các kết quả hứa hẹn.

Nghiên cứu về mRNA của Katalin Kariko đã giúp phát triển vaccine Moderna và Pfizer-BioNTech. Ảnh: Hannah Yoon

Nghiên cứu về mRNA của Katalin Kariko đã giúp phát triển vaccine Moderna và Pfizer-BioNTech

Trước đó, ứng viên sáng giá cho giải Nobel Y Sinh năm nay thuộc về nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là nghiên cứu về công nghệ mRNA trong vaccine ngừa Covid-19; phát hiện về hormone GLP-1 giúp giảm cân, điều trị tiểu đường và nghiên cứu về chứng ngủ rũ.

Người đoạt giải được trao chứng nhận Nobel, huân chương Nobel và tiền thưởng trị giá 11 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 989.000 USD), vào ngày 10/12. Các nhà khoa học thường phải đợi nhiều thập kỷ để công trình của họ được Hội đồng Giám khảo Nobel công nhận.

Năm 2022, Ủy ban Nobel xướng tên nhà khoa học Svante Pääbo vì những khám phá liên quan đến sự tiến hóa của con người. Thông qua nghiên cứu tiên phong của mình, giáo sư Svante Pääbo đã giải trình tự bộ gene của người Neanderthal, một họ hàng đã tuyệt chủng của loài người ngày nay. Ông cũng phát hiện ra Denisova, tộc người (hominin) chưa từng được biết đến trước đây, từ một mảnh xương ngón tay 40.000 năm tuổi.

Công trình của giáo sư Pääbo cũng cho thấy sự chuyển đổi gene xảy ra ở các tộc người (đã tuyệt chủng) sang Homo Sapiens sau khi di cư ra khỏi châu Phi khoảng 70.000 năm trước. Các gene cổ đại này có liên quan đến sinh lý học đối với con người ngày nay. Nó ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và cách chúng ta phản ứng với các bệnh truyền nhiễm.

Hàng năm, vào tháng 10, các ủy ban ở Thụy Điển và Na Uy trao 6 giải Nobel ở các lĩnh vực sinh lý học hoặc y học, vật lý, hóa học, khoa học kinh tế, văn học và công tác hòa bình. Mỗi giải công nhận những đóng góp mang tính đột phá của một cá nhân hoặc tổ chức.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nghiên cứu vaccine mRNA ngừa Covid-19 đoạt giải Nobel Y Sinh 2023