Cải cách hành chính

Nghiên cứu sáp nhập các tòa án cấp huyện thành tòa sơ thẩm

VN (theo VnExpress) 03/03/2025 16:53

Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị nghiên cứu phương án sáp nhập ít nhất 2 Tòa án Nhân dân cấp huyện liền kề để tổ chức thành Tòa án Nhân dân cấp sơ thẩm.

toa-cap-huyen.jpg
Đề xuất sáp nhập ít nhất 2 tòa án cấp huyện liền kề thành tòa án cấp sơ thẩm

Thông tin được Tòa án Nhân dân tối cao nêu trong văn bản ngày 28/2 gửi Chánh án Tòa án Nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tham gia ý kiến với phương án tổ chức tại Tòa án Nhân dân.

Tòa án Nhân dân tối cao đang dự kiến tổ chức lại Tòa án Nhân dân cấp sơ thẩm trên cơ sở sắp xếp lại các tòa cấp huyện hiện nay. Việc tổ chức lại căn cứ các tiêu chí như: số lượng vụ việc phải giải quyết, địa bàn thuận tiện, đặc điểm kinh tế, vị trí địa lý, mật độ dân cư, văn hóa vùng miền.

Theo đó, khu vực đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì số lượng vụ việc phải giải quyết, xét xử của mỗi Tòa án Nhân dân sơ thẩm nằm trong khu vực nội thành từ 3.000 vụ một năm trở lên. Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực ngoại thành phải giải quyết, xét xử từ 1.000 vụ mỗi năm trở lên.

Với khu vực nông thôn đồng bằng, tòa sơ thẩm phải giải quyết, xét xử từ 800 vụ mỗi năm trở lên; khu vực miền núi là 200 vụ mỗi năm trở lên.

Các Tòa án Nhân dân được sáp nhập phải có vị trí địa lý liền kề, giao thông thuận tiện. Mỗi tòa cấp huyện thuộc diện sắp xếp sẽ sáp nhập với ít nhất một tòa cấp huyện liền kề.

Đối với khu vực miền núi, do các huyện thường có diện tích rộng nhưng mật độ dân cư thấp, số lượng vụ việc không nhiều. Do đó, nếu chỉ áp dụng tiêu chí về khối lượng công việc phải giải quyết thì địa bàn hoạt động của các tòa sơ thẩm sau khi sáp nhập sẽ quá rộng, gây khó khăn cho người dân đến tòa.

Với khu vực này, Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng cần bổ sung tiêu chí là khoảng cách từ nơi đặt trụ sở tòa sơ thẩm đến nơi xa nhất của địa phương đó không quá 50 km. Trường hợp không đạt cả hai tiêu chí về số lượng án và khoảng cách thì áp dụng tiêu chí khoảng cách.

Đối với khu vực hải đảo sẽ không tổ chức tòa sơ thẩm khu vực tại mỗi huyện đảo. Thay vào đó sẽ bố trí thẩm phán, cán bộ tòa án tại tòa sơ thẩm khu vực liền kề để tiếp người dân, xử lý đơn kiện và xét xử lưu động các loại vụ án theo định kỳ hằng tháng.

Ngoài ra, Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị ưu tiên các vị trí có trụ sở vừa đầu tư xây mới trong giai đoạn vừa qua và một số công trình thuộc dự án nâng cấp, xây dựng Tòa án Nhân dân các cấp giai đoạn 1.

Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị Tòa án Nhân dân các tỉnh, thành phố nghiên cứu rồi đóng góp ý kiến. Nếu có ý kiến khác cần phân tích, làm rõ và đề xuất cụ thể.

Mới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành kết luận 127 giao Đảng ủy Tòa án Nhân dân tối cao, Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án, tờ trình Bộ Chính trị về hệ thống tòa án, viện kiểm sát ở địa phương. Định hướng là không tổ chức Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện.

Các cơ quan báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương nêu trên trước khi xin ý kiến cấp ủy, tổ chức đảng, chậm nhất ngày 9/3. Sau đó Đảng ủy Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tiếp thu, hoàn thiện đề án xin ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, ban đảng Trung ương chậm nhất ngày 12/3; báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước 27/3; trình Ban Chấp hành Trung ương trước 7/4.

Hệ thống Tòa án Nhân dân Việt Nam hiện chia làm 4 cấp gồm Tòa án Nhân dân tối cao; Tòa án Nhân dân cấp cao; Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tòa án Quân sự các cấp gồm Tòa án Quân sự Trung ương; Tòa án Quân sự quân khu và tương đương; Tòa án Quân sự khu vực.

VN (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Tin mới nhất
Nghiên cứu sáp nhập các tòa án cấp huyện thành tòa sơ thẩm