Nghịch lý giá thức ăn chăn nuôi

16/08/2010 08:43

Nhiều năm qua, ngành chăn nuôi nước ta lại luôn trong tìnhtrạng thiếu nguyên liệu sản xuất thức ăn. Đây thực sự là một nghịch lýkhiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục biến động, gây bất lợicho người chăn nuôi.


Sản xuất ngô trong nước không đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi
Nhập khẩu trên 50% nguyên liệu

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), do nhu cầu thực phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày không ngừng tăng nên ngành chăn nuôi được Chính phủ ưu tiên đầu tư phát triển. Sự ưu tiên này thể hiện trong Chiến lược phát triển của ngành từ nay đến năm 2020 với mức tăng trưởng 8-10%/năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, với sự tăng giá liên tục của thức ăn chăn nuôi trong thời gian qua, mức tăng trưởng này sẽ rất khó đạt được. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các nhà máy phải nhập nguồn nguyên liệu chế biến từ nước ngoài với số lượng lớn. Tính trung bình mỗi năm nước ta phải mất 2 tỷ USD để nhập nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đơn cử như ngô, loại cây lương thực đứng sau lúa ở các tỉnh miền núi phía Bắc, thế nhưng thời gian qua diện tích trồng loại cây này cũng giảm đáng kể.

Ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La trăn trở, vốn là một trong những tỉnh được coi là “vựa” ngô của Tây Bắc, thế nhưng do điều kiện sản xuất cũng như chăm sóc không thuận tiện, thu nhập của người trồng quá thấp nên bà con nông dân không mấy mặn mà với cây ngô. Hiện mỗi năm sản lượng ngô của Sơn La đạt trên 415.000 tấn, sắn trên 270.000 tấn, chiếm 2/3 sản lượng của cả khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên, do chưa có hệ thống chế biến tốt nên tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao, chênh lệch giá bán của người dân và giá mua tại nhà máy lớn nên người dân chưa được hưởng lợi từ sự phát triển của ngành thức ăn chăn nuôi. Năm 2010, tỉnh Sơn La gieo trồng gần 121.000ha ngô, giảm 2,3% so với năm 2009. Mặc dù sản lượng ngô mỗi vụ lên đến hàng trăm ngàn tấn nhưng Sơn La không có bất kỳ một nhà máy chế biến nào. Lợi nhuận lớn từ ngô rơi vào tay người đi buôn.

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, Việt Nam hiện có trên 240 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với sản lượng lên tới 9,5 triệu tấn (năm 2009); riêng trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt 4,9 triệu tấn. Tuy nhiên, có một thực tế tồn tại trong nhiều năm qua của ngành chính là thiếu nguyên liệu chế biến. Hiện các nhà máy phải nhập khẩu tới trên 50% lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài, trong đó sản lượng ngô chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như đậu tương, khô dầu phải nhập 90-95%; premix khoáng, vitamin, các chất tạo màu, tạo mùi nhập khẩu 95-98%, thậm chí 100%. “Đây quả là một sự phi lý khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng vùn vụt”, ông Giao khẳng định.

Cần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho rằng, khó có thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 8-10%/năm nếu không kịp thời xây dựng nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ổn định với giá hợp lý.

Theo dự báo của Cục Chăn nuôi, đến năm 2020, nhu cầu về thức ăn chăn nuôi của nước ta sẽ vào khoảng 15 triệu tấn. Muốn đạt được sản lượng đó chúng ta phải nhập khẩu khoảng 50% lượng nguyên liệu để sản xuất.

Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia quốc tế ngành thức ăn chăn nuôi thì thời gian tới, nhu cầu về nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng. Trước thực tế này, ông Nghị mong muốn Nhà nước tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, thuỷ lợi, điện..., đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến tại các vùng tập trung nhằm khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ, nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân.

(Theo Kinh tế nông thôn)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghịch lý giá thức ăn chăn nuôi