Việc tử tế

Nghĩa tình trong làm căn cước cho dân

DANH TRUNG 07/01/2024 10:00

Nhiều việc làm nghĩa tình của lực lượng công an, các đơn vị liên quan và sự chung tay của người dân được thể hiện trong quá trình cấp căn cước công dân gắn chíp.

00:00

cancuoccongdan712024(1).jpg
Cụ Nguyễn Thị Đồng được công an đến tận nhà thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân

Đến nơi người dân cần

Trong đợt làm căn cước công dân gắn chíp vừa qua, cụ Nguyễn Thị Đồng (86 tuổi ở thôn Bắc An, xã Chí Minh, Tứ Kỳ) được công an đến tận nhà thu nhận hồ sơ. Phấn khởi vì được tạo thuận lợi trong làm căn cước, cụ Đồng nói: "Các con tôi bận công việc. Tôi sức khỏe yếu không thể ra xã nên được cán bộ công an đến tận nhà làm căn cước, rất thuận lợi, an toàn".

Để kịp tiến độ, việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân được lực lượng công an các địa phương làm bất kể ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, đêm hôm. Cùng đi với nhiều tổ công tác của công an cấp huyện, cấp xã thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân cho người già yếu, người ốm đau, chúng tôi mới thấy hết những vất vả, khó khăn, trách nhiệm của họ. Những trường hợp này, lực lượng công an thường đến từng gia đình để thu nhận hồ sơ. Trước khi làm việc, cán bộ, chiến sĩ công an đều ân cần động viên, thăm hỏi sức khỏe, cùng người thân chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để có thể thực hiện nhiệm vụ. Công an nhiều địa phương còn đóng lệ phí cho người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo; góp tiền mua tặng mỗi người cao tuổi 1 hộp sữa để động viên tinh thần.

Với quyết tâm thu nhận toàn bộ số trường hợp đủ điều kiện cấp căn cước công dân, cơ quan công an các cấp còn đến các tỉnh, thành khác để gặp những người đang học tập, làm ăn, sinh sống ở tỉnh ngoài.

Trong đợt thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân giữa năm vừa qua, Công an huyện Nam Sách rà soát có 187 trường hợp học tập, làm ăn, sinh sống ở tỉnh ngoài. Công an huyện đã tập trung mọi nguồn lực để thu nhận bằng được số hồ sơ này. Trên cơ sở rà soát, Công an huyện thành lập 4 tổ công tác đến các tỉnh, thành phố bạn như Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... trực tiếp thu nhận hồ sơ của những trường hợp đặc biệt khó khăn. Nhiều người dân khi thấy cán bộ Công an huyện Nam Sách đến không khỏi bất ngờ, xúc động vì mình đang ở nơi "đất khách, quê người" vẫn được đến trực tiếp thu nhận hồ sơ.

Chia sẻ

cl-thu-nhan-cccd.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Công an TP Chí Linh cùng nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh làm hồ sơ cấp căn cước công dân cho người khuyết tật

Đã vài tháng trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến chuyện thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân ở các Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; Nuôi dưỡng tâm thần, người có công và xã hội tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh), cán bộ, chiến sĩ Công an TP Chí Linh vẫn còn rất ấn tượng. Tại các trung tâm này, các trường hợp thu nhận hồ sơ đều thuộc diện đặc biệt, là người khuyết tật rất nặng, người già không nơi nương tựa, người bệnh tâm thần mạn tính không tự chủ được bản thân.

Theo Trung tá Nguyễn Quang Đạt, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP Chí Linh), xác định đây là việc khó, Công an thành phố quán triệt cán bộ, chiến sĩ khi làm việc cần có thái độ, tác phong niềm nở, ân cần, sẵn sàng giúp đỡ người dân. Lực lượng làm nhiệm vụ chủ yếu là cán bộ nữ để tạo không khí nhẹ nhàng, thân thiện. Đơn vị cũng bố trí 2 cán bộ nam sẵn sàng cõng, dìu người ốm yếu, người không có khả năng tự di chuyển.

Để thực hiện thu nhận hồ sơ người bị bệnh tâm thần, trước khi đến, cơ quan công an phải thông báo trước với đơn vị chủ quản để cho người bệnh uống thuốc an thần, thực hiện các biện pháp ổn định tinh thần. Nhưng có hôm người bệnh uống thuốc chưa tỉnh nên khi lực lượng công an vào cũng không làm được. Có lúc lực lượng công an làm việc thì người bệnh thường xuyên cử động, rất khó chụp ảnh. Một số trường hợp, cán bộ công an phải quay video, sau đó về lựa chọn chụp lại để có ảnh. Có người khuyết tật tay, dị dạng về khuôn mặt nên để lấy vân tay, chụp ảnh cũng rất khó khăn, người nào nhanh nhất cũng mất 10 phút, người lâu mất cả giờ mới xong.

Cũng tận tình như cán bộ, chiến sĩ Công an TP Chí Linh, lực lượng công an các địa phương khác đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tình thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân cho người bị bệnh thần kinh, khuyết tật trong cộng đồng. Qua chia sẻ của nhiều cán bộ công an các địa phương, một số người tâm thần sợ người lạ, không thể tiếp xúc, trò chuyện được. Có trường hợp, lực lượng công an phải mất cả giờ cùng người nhà nói chuyện, tiếp cận để họ ngồi yên một lúc và ngẩng mặt lên mới chụp được ảnh thẻ. Hầu hết các trường hợp này không thể lấy được vân tay, chỉ lấy được đặc điểm nhận dạng của khuôn mặt. Có trường hợp bị bệnh tự kỷ khi người nhà đưa ra trụ sở công an thì la hét... Sau đó, lực lượng công an cùng người thân phải đưa về nhà dỗ dành mất khá nhiều thời gian mới thu nhận được hồ sơ.

Với nghĩa tình của lực lượng công an và các lực lượng liên quan hỗ trợ, Hải Dương là một trong những địa phương đi đầu cả nước hoàn thành việc cấp căn cước công dân, được Trung ương ghi nhận, khen thưởng.

DANH TRUNG
(0) Bình luận
Nghĩa tình trong làm căn cước cho dân