Những cố gắng trong việc xây dựng quy chế hoạt động cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, loại bỏ các thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho dân... đã giúp chính quyền xã Nghĩa An tạo được lòng tin với nhân dân.
|
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của UBND xã Nghĩa An giải quyết thủ tục hành chính cho công dân
|
Chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Nghĩa An (Ninh Giang) đúng vào ngày làm việc bù thứ bảy (27-2) sau Tết Nguyên đán. Khác với sự vắng lặng tại một số nơi, không khí làm việc ở đây rất nghiêm túc. Đồng chí cán bộ tư pháp xã tận tình hướng dẫn các công dân trẻ đến làm thủ tục xác nhận hồ sơ, lý lịch chuẩn bị đi làm; đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã rà soát lại các đơn thư của công dân... ai vào việc nấy. Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Toàn, cho biết: Sau nhiều năm phấn đấu đạt danh hiệu chính quyền trong sạch, vững mạnh (TSVM) cấp huyện, năm nay Nghĩa An vinh dự được Hội đồng Thi đua khen thưởng huyện đề nghị là đơn vị TSVM cấp tỉnh. Đây là kết quả của những cố gắng trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Nghĩa An đất rộng, người đông, lại không có nghề phụ nên hơn 1 vạn dân địa phương sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, phát triển chăn nuôi và một số ít làm dịch vụ, tiểu, thủ công nghiệp. Trong điều hành sản xuất, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, chính quyền xã chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp làm tốt các khâu dịch vụ, tích cực khuyến khích nhân dân đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, cung cấp đủ lượng giống, điều tiết nước hợp lý, kịp thời thông báo tình hình sâu bệnh và các biện pháp phòng trừ, đồng thời chủ động phối hợp với các đoàn thể mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho nhân dân... Nhờ đó, năng suất, sản lượng lúa của Nghĩa An luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra, năm 2009 giá trị sản xuất nông nghiệp của xã đạt 17 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2008. Cùng với phát triển nông nghiệp, xã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương sang hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đến nay, giá trị sản xuất trên lĩnh vực dịch vụ đã chiếm 42% cơ cấu kinh tế của xã, thu nhập bình quân đầu người đạt 7,2 triệu đồng/năm; số hộ khá, giàu chiếm tỷ lệ 53,4%, hộ nghèo giảm xuống còn 8,7%.
Trong kiến thiết cơ sở hạ tầng của địa phương, chính quyền xã Nghĩa An phát huy quyền làm chủ của dân, thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Trước mỗi kỳ họp HĐND, UBND xã kết hợp với Mặt trận Tổ quốc tổ chức hội nghị để đại biểu HĐND xã tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, từ đó xây dựng nghị quyết sát với thực tế và hợp lòng dân. Khi xây dựng các công trình công cộng, UBND xã đều tổ chức họp bàn, lấy ý kiến đóng góp của dân, vận động nhân dân cùng tham gia. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nghĩa An đã huy động được sức người, sức của bê-tông hóa 100% đường làng, ngõ xóm; xây dựng các trường học, trạm y tế kiên cố cao tầng. Năm 2009, bằng nguồn vốn của Nhà nước và vốn do nhân dân đóng góp, Nghĩa An xây dựng được thêm 4 phòng học kiên cố cho trường tiểu học, làm mới 1.700 m đường giao thông nông thôn và đường phục vụ sản xuất, tu sửa nâng cấp nhà văn hóa các thôn xóm...
Nhờ thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở, nên các phong trào của xã luôn được người dân đồng tình ủng hộ. Đến nay, toàn xã đã có 4 trong tổng số 5 làng được công nhận làng văn hóa, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa hằng năm từ 80% trở lên. Nghĩa An nhiều năm là xã giáo dục tiên tiến, có trường tiểu học là trường đầu tiên của huyện đạt chuẩn quốc gia. Công tác khuyến học, khuyến tài được các nhà trường và dòng họ trong xã duy trì, với tổng số quỹ khuyến học lên tới 125 triệu đồng. Năm 2009, Nghĩa An đã được công nhận là xã chuẩn quốc gia về y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác vệ sinh môi trường và thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia luôn được chính quyền xã quan tâm chỉ đạo, nên khi có dịch cúm A (H1N1) xảy ra, địa phương đã kịp thời khống chế, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Xác định rõ chính quyền chỉ thực sự vững mạnh khi các hoạt động đều tuân thủ theo pháp luật, đội ngũ cán bộ công chức xã Nghĩa An luôn tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên cập nhật những thông tin mới về chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hiện nay 13 trong tổng số 18 cán bộ, công chức xã có trình độ trung cấp về chuyên môn và lý luận chính trị. Ở Nghĩa An, việc chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức xã thể hiện nghiêm túc từ những việc nhỏ nhất như không hút thuốc lá nơi công sở hay đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Thực hiện cải cách hành chính, UBND xã bố trí phòng làm việc cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuận tiện cho việc giao dịch, liên hệ công việc của dân. Các quy định trong giao dịch dược niêm yết công khai. Các ngày làm việc trong tuần đều bố trí cán bộ trực tiếp dân, giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Từ cuối năm 2009, Nghĩa An đã công bố bộ thủ tục hành chính cấp xã, loại bỏ các thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho dân. Các văn bản quản lý Nhà nước do UBND xã ban hành bảo đảm đúng thẩm quyền, nội dung không trái pháp luật. UBND xã xây dựng quy chế hoạt động cụ thể đối với cán bộ, công chức xã và quy chế hoạt động phối hợp với MTTQ trong việc vận động quần chúng nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những cố gắng đó đã giúp chính quyền xã Nghĩa An tạo được lòng tin với nhân dân, góp phần xây dựng quê hương Nghĩa An ngày càng giàu đẹp.
P.V