Một số tên đường phố hiện nay đặt chưa hợp lý, như phốLê Lợi là con phố ngắn, nhỏ, lại là phố cụt, phố Lý Công Uẩn ở trongkhu vực Xí nghiệp Gỗ trước đây, chỉ dài trên 100m... không tương xứng với tên tuổi của hai vị vua có công lao lớn đối với đất nước.
Sau khi chiếm nước ta, người Pháp đặt ra chức vụ Đốc lý thành phố. Các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội do người Pháp cai quản. Sau cuộc đảo chính của Nhật tháng 3-1945, với việc thành lập Chính phủ Trần Trọng Kim, lần đầu tiên mới có một đốc lý thành phố do người Việt nắm giữ. Tuy Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập từ tháng 4-1945, nhưng đến tháng 7-1945, Nhật mới chịu giao quyền quản lý Hà Nội và một số thành phố khác cho người Việt. Bác sĩ Trần Văn Lai được mời ra làm đốc lý TP Hà Nội. Trên thực tế, bác sĩ Trần Văn Lai mới nhận chức vụ vỏn vẹn chưa đầy 1 tháng thì cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 bùng nổ. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn ngủi đó, bác sĩ Trần Văn Lai đã thể hiện được tinh thần dân tộc của một trí thức Việt Nam. Ông đã làm được một số việc có ích cho thành phố, mà việc đầu tiên ông quan tâm là đổi tên các đường phố Hà Nội, thay tên phố mang tên các quan chức thực dân bằng tên các danh nhân người Việt. Xóa bỏ những vết tích mang dấu ấn của thời Pháp thuộc mà ông cho là "vết tích nhục cho quốc thể" như những tượng đài, quảng trường, vườn hoa mang tên hoặc biểu tượng thống trị của người Pháp. Cũng trong thời gian này, giáo sư Nguyễn Lân được mời ra làm đốc lý TP Huế cũng đã đổi tên các đường phố, công trình công cộng của TP Huế theo tinh thần trên.
Như vậy, việc đặt và đổi tên các đường phố không phải là việc nhỏ mà được các vị đứng đầu các thành phố rất quan tâm.
Bác sĩ Trần Văn Lai đã thành lập một Hội đồng xét đổi tên các đường phố, công viên... Hội đồng đã đưa ra nhiều nguyên tắc như: Các danh nhân có uy tín lớn được đặt tên cho các phố lớn. Các tên phố có những mối quan hệ với nhau được đặt gần nhau; Các danh nhân là vua của các triều đại thì dùng tên hiệu như: Đinh Tiên Hoàng (không gọi Đinh Bộ Lĩnh), Lý Thái Tổ (không gọi Lý Công Uẩn), Lê Thái Tổ (không gọi Lê Lợi), Quang Trung (không gọi Nguyễn Huệ)...
Sau ngày 2-9-1945, Hà Nội trở thành Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, bác sĩ Trần Duy Hưng được giao làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội. Chủ tịch Trần Duy Hưng cũng thực hiện ngay việc đặt và đổi tên các đường phố, trong đó 2 nguyên tắc nêu trên của thời Đốc lý Trần Văn Lai vẫn được tiếp tục thực hiện.
Sau ngày 10-10-1954, ta về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng lại được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội. Ông cũng làm ngay việc đặt và đổi tên các đường phố, vườn hoa, công viên do thực dân Pháp đặt thời tạm chiếm. Cho đến nay ở Hà Nội, các đường phố Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ, Quang Trung... vẫn được giữ nguyên.
Ở TP Hải Dương đến nay, sau nhiều lần hội thảo, các bậc lão thành, các nhà trí thức, chuyên gia góp ý kiến rất tâm huyết về đặt và đổi tên đường phố, công viên, đã có hàng trăm đường, phố được đặt và đổi tên. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có "Ngân hàng tên đường phố". UBND tỉnh đã có quyết định số 2853/2006/QĐ-UBND ngày 21-8-2006 về việc đặt, đổi tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, một số tên đường phố đặt chưa hợp lý. Điển hình là đến nay vẫn còn phố Lê Lợi là con phố ngắn, nhỏ, lại là phố cụt và phố Lý Công Uẩn ở trong khu vực Xí nghiệp Gỗ trước đây, chỉ dài trên 100m. Lê Lợi và Lý Công Uẩn là tên của hai vị vua, có công lao lớn đối với đất nước. Lịch sử và nhân dân ta vẫn trân trọng gọi tên hiệu là Lê Thái Tổ và Lý Thái Tổ.
TP Hải Dương là đô thị loại II, đang phấn đấu để trở thành đô thị loại I sánh vai các đô thị lớn của quốc gia. Hải Dương lại là đất văn hiến đã từng có "lò tiến sĩ", chúng ta nên học tập cách đặt tên đường phố như Hà Nội, không nên để một vài sai sót nhỏ trước đây cứ tồn tại mãi.
PHẠM QUÝ MÙI(TP Hải Dương)