Đổi mới trong giáo dục và đào tạo phải bắt đầu từ người thày, rồi mới tính tới chương trình giáo dục, sách giáo khoa, học sinh...
Đổi mới trong giáo dục và đào tạo phải bắt đầu từ người thày, rồi mới tính tới chương trình giáo dục, sách giáo khoa, học sinh (ảnh minh họa)
Hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo đang tích cực đổi mới để bắt kịp với thời đại. Đó là điều đáng mừng nhưng cũng gây ra không ít lo lắng từ phía gia đình, học sinh và những người quan tâm tới giáo dục. Đã đổi mới thì đương nhiên sẽ gặp những trở ngại, khó khăn, thử thách, thậm chí sẽ có cả những thất bại ban đầu nhưng không vì thế mà không đổi mới. Không đổi mới giáo dục thì tất cả những bộ phận khác đổi mới cũng chỉ là từ ngọn mà thôi.
Hiểu được như vậy thì bản thân người thầy phải đổi mới đầu tiên rồi mới tính tới chương trình giáo dục, sách giáo khoa, học sinh... Người thầy phải trung thực, trong sáng, yêu nghề, nỗ lực học tập suốt đời. Tinh thần trách nhiệm với nghề, tình yêu thương học trò và kỷ cương nhà giáo sẽ tạo nên thái độ học tập, trau dồi chuyên môn, trình độ để bắt kịp với sự đổi mới dạy học trong chương trình sách giáo khoa 2018. Người thầy sẽ có những lớp học “đảo ngược” so với trước đây, thay vì học sinh ngồi nghe thầy truyền thụ kiến thức một cách thụ động thì ngày nay thầy hướng dẫn học sinh tự đi tìm hiểu kiến thức để rèn kỹ năng, phát triển năng lực, phẩm chất bản thân. Muốn học sinh tiếp thu chủ động như vậy người thầy phải đầu tư thời gian nhiều hơn trước, phải hướng dẫn, gợi mở trước cho các em tìm hiểu, chuẩn bị kiến thức, chuẩn bị thuyết trình, trình chiếu từ trước khi lên lớp thì giờ học mới đạt kết quả tốt. Như thế cũng có nghĩa kiến thức truyền đạt của thầy không chỉ bó gọn trong tiết học mà còn mở rộng biên độ ra từ trước khi có giờ và sau khi dạy xong rất nhiều. Từ đó, học sinh phát huy, vận dụng kiến thức trong cuộc sống, chính là yếu tố tạo nên nhất nghệ tinh, là tiền đề nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, tạo cho xã hội lành mạnh, văn minh, ổn định, phát triển hơn.
Muốn giáo dục phát triển càng phải đẩy mạnh mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội. Gia đình cần quan tâm, động viên, khích lệ, đồng hành cùng con em. Không nên còn tư tưởng “trăm sự nhờ các thầy cô giáo” trong giai đoạn giáo dục hiện nay. Sự học hiện nay đòi hỏi cao việc tự học dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo. Gia đình hiểu và chia sẻ với người thầy thì sẽ cùng đạt được nguyện vọng về đích đến của con.
Một điều ảnh hưởng lớn tới thái độ dạy học của người thầy chính là nhà trường, các cấp chính quyền. Nếu được lãnh đạo thấu hiểu, động viên kịp thời, biết tạo động lực hơn áp lực; nếu được các cấp, ngành đồng hành khích lệ động viên kịp thời, người thầy sẽ yên tâm công tác, sẽ hết lòng với học sinh, sẽ yêu nghề, say nghề.
Hiện nay, tiền lương và các chế độ, chính sách cho giáo viên còn chưa thỏa đáng, hoặc còn chậm nên nhiều người không chọn học sư phạm; có tình trạng nhiều trường đang thiếu giáo viên, phải đi thuê giáo viên hay giáo viên phải dạy nhiều hơn số tiết quy định sẽ không bảo đảm sức khoẻ và chất lượng tiết dạy.
Cơ sở vật chất, các phương tiện, thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy học còn thiếu cũng ảnh hưởng tới việc áp dụng phương pháp đổi mới trong dạy học hiện nay của giáo viên. Đó cũng là một số vấn đề mong các cấp, ngành cần quan tâm, làm sao thu hút được người tài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
CẨM DƯƠNG (Cẩm Giàng)