Giới chuyên gia quốc tế tỏ ra rất ngờ vực về tính xác thực con số tăng trưởng của Trung Quốc.
Công nhân xây dựng Trung Quốc phá bỏ một tòa nhà cũ ở Thượng Hải - Ảnh: Reuters |
Đài CNN cho biết GDP tăng 7% trong quý 2-2015 là con số mà rất ít chuyên gia kinh tế quốc tế dám tin Trung Quốc có thể đạt được, nhất là sau “cơn ngất của thị trường chứng khoán” mấy tháng qua.
Ngay sau khi thông tin được công bố hôm 15-7, chỉ số chứng khoán quan trọng nhất Trung Quốc là Shanghai Composite đã bất ngờ lao dốc 3%. Giới đầu tư cho rằng Bắc Kinh đang “gia cố” tỉ lệ tăng trưởng cho phù hợp với mục tiêu của họ.
Hôm qua, Hãng tin Bloomberg tính toán GDP của Trung Quốc đáng lẽ giảm khoảng 0,5% do hiện trạng kinh tế hiện nay.
Giới chuyên gia ngờ vựcMột số chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang cung cấp không đúng số liệu kinh tế. “Tỉ lệ tăng trưởng GDP cao hơn mọi người nghĩ sẽ chắc chắn lại gây ra những câu hỏi về tính xác thực của dữ liệu chính thức. Chúng tôi cho rằng tỉ lệ tăng trưởng thật sự là thấp hơn 1% hoặc 2%” - chuyên gia Julian Evans Pritchard thuộc Tập đoàn Capital Economics nhận định.
Giám đốc điều hành Tập đoàn đầu tư LMM Bill Miller khuyến cáo các nhà đầu tư không nên tin vào những con số này. Ông dẫn chứng GDP của Trung Quốc tăng một cách vô lý, trong khi quốc gia có liên hệ kinh tế mạnh với nước này như Singapore đang giảm 14% trong quý 2 do sự suy giảm mạnh trong lĩnh vực sản xuất.
Và “sự bất tỉnh” này của Singapore phần lớn do nhu cầu từ nước láng giềng Trung Quốc đang sụt giảm mạnh. Sau 25 năm quan sát kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thần kỳ và luôn chạm mốc 7%, giới phân tích nhận ra Bắc Kinh dường như đang “chơi trò đố chữ” với quốc tế.
Một bằng chứng khác có thể kiểm chứng được sự ảnh hưởng tình trạng chậm lại của kinh tế Trung Quốc là số liệu xuất khẩu của Úc, một quốc gia cũng là đối tác lớn của Bắc Kinh. Bank of America ước tính tỉ lệ xuất khẩu ròng của Úc giảm từ 1,7% còn 1,4% trong năm 2015 và sẽ tiếp tục giảm xuống 0,9% trong năm 2016.
Nợ gấp đôi GDP
Một số liệu khác gây chú ý là nợ trong lĩnh vực tư nhân của Trung Quốc đang ở mức gấp đôi GDP. Theo Bloomberg, các khoản vay chưa trả của doanh nghiệp và hộ gia đình ở nước này đang ở mức kỷ lục 207% GDP, tính đến cuối tháng 6-2015.
Dù trong chín tháng qua Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã có bốn lần cắt giảm lãi suất, ba lần giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc và thực thi các công cụ hoán đổi nợ nhằm giảm chi phí tài chính cho chính quyền địa phương nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng tăng nợ trong cả lĩnh vực công và tư của nước này.
Giới chuyên gia cho rằng đây có thể là nguyên nhân gây ra nguy cơ bất ổn tiềm ẩn trong hệ thống tài chính của Trung Quốc. Nợ xấu tại Trung Quốc đang ở mức 140 tỉ nhân dân tệ (gần 22,6 tỉ USD) trong ba tháng đầu năm 2015.
Trang Ba, nhà kinh tế học thuộc Công ty Trusted Sources ở London, cảnh báo nợ xấu trong lĩnh vực tư nhân ở Trung Quốc hiện nay là vấn đề báo động. Tỉ lệ nợ xấu sẽ vẫn tiếp tục tăng nhanh hơn GDP. Quỹ quản lý đầu tư lớn nhất thế giới Blackrock cảnh báo: “Nợ của Trung Quốc đang chuyển thành liều thuốc độc”.
Quỹ Blackrock dẫn số liệu của Tập đoàn tư vấn McKinsey nhấn mạnh trong thời gian từ năm 2007 - 2014, tổng nợ của Trung Quốc đã bùng phát ở mức 21.000 tỉ USD, tăng gấp đôi chỉ trong vòng tám năm.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim tại Bắc Kinh ngày 16-7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này tự tin có đủ năng lực giải quyết, đối phó những nguy cơ, thách thức đối với nền kinh tế và đảm bảo sự ổn định của thị trường.
Ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh: “Trung Quốc có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong một thời gian dài tới mức trung bình hoặc mức cao”.
Về phần mình, chủ tịch WB đánh giá các nền tảng kinh tế của Trung Quốc bền vững, bất chấp chao đảo trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây. Ông Jim Yong Kim nhận định Trung Quốc có quyết tâm mạnh mẽ tiếp tục thực hiện những cải cách thuế khóa và tài chính.
Muốn thăng chức thì “nâng GDP” Giới chuyên gia cho rằng “văn hóa sùng bái GDP” đang ăn sâu trong bộ máy chính quyền các cấp của Trung Quốc. Giới chức chính quyền địa phương muốn thăng chức thì cứ báo cáo khống tỉ lệ tăng trưởng GDP của địa phương. “Trung Quốc không có cơ quan thống kê độc lập. Quốc gia này phụ thuộc vào các bản báo cáo thống kê của chính quyền địa phương, nơi mà giới chức thường có động cơ bóp méo những con số” - nhà kinh tế độc lập Tạ Quốc Trung ở Thượng Hải nhận định. Ông Tạ, vốn là nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Morgan Stanley, nhấn mạnh tăng trưởng GDP hiện nay của Trung Quốc chỉ khoảng 4% hoặc 5%. Ông cam đoan con số 7% vừa công bố có thể biến mất bất kỳ lúc nào, bởi đó là con số được đưa ra “để làm vừa lòng nhau” và để bình ổn tình hình chính trị - xã hội trong nước. |
Theo Tuổi trẻ