Nghị lực sống của một người thầy

23/12/2018 15:02

“Chiến đấu thôi” - chỉ 3 chữ từ dòng tin nhắn ngắn gọn của người vợ đã biến anh thành người khác, vực anh dậy, thôi thúc anh chiến đấu kiên cường với tử thần mang tên "ung thư phổi".

Học trò quây quần bên thầy giáo Miền trong giờ giải lao

"Chiến đấu thôi"

"Bầu trời sụp xuống ngay dưới chân mình", đó là cảm giác mà thầy giáo Phạm Văn Miền (sinh năm 1975), Trường Tiểu học Tiên Động (Tứ Kỳ) còn nhớ khi nhận được hung tin vào khoảng tháng 5.2016 sau rất nhiều đợt khám, xét nghiệm. Nỗi đau đến bàng hoàng là anh bị ung thư phổi giai đoạn cuối, di căn hạch đa ổ.

Hoang mang nhắn tin dữ cho vợ, không ngờ anh nhận được dòng tin trả lời: "Chiến đấu thôi". Anh như bừng tỉnh, nhận ra mình còn có gia đình bên cạnh và ung thư không phải là chấm hết.

Nhưng làm sao để đối diện với sự thật này? Bước tiếp hay dừng lại? Làm thế nào để không gục ngã? - những dòng trạng thái trên Facebook của anh Miền thời điểm này chính là những trăn trở, đớn đau khi anh phải chấp nhận sự thật phũ phàng.

Anh dựa vào dòng tin nhắn của người vợ kiên cường và ánh mắt ngây thơ, tin tưởng của những đứa con để đứng lên, chiến đấu tiếp tục giành lấy sự sống.

Đau đớn tột cùng bởi 30 mũi xạ trị, 14 đợt truyền hóa chất ròng rã trong suốt hơn 1 năm điều trị nhưng anh không rơi dù chỉ một giọt nước mắt. Đêm đêm, khi nỗi đau vò xé, anh cắn chặt chiếc khăn, nghiến răng không hé một tiếng rên. Thậm chí mỗi bức ảnh được chia sẻ trên Facebook dù là với mái đầu đã rụng hết tóc sau mỗi đợt điều trị, hoặc với khối u to làm lệch một bên mặt anh vẫn luôn nở nụ cười tươi. Nỗ lực sống mãnh liệt khiến anh chiến thắng những nỗi đau tận cùng của người bệnh ung thư. Khi cổ họng, thanh quản bỏng rát sau mỗi lần điều trị, anh nén chặt nước mắt, kiên nhẫn húp từng giọt cháo. Lúc đau đớn tận cùng nuốt vào từng giọt cháo anh vẫn lạc quan đùa vui rằng: "Thế này mới biết bát cháo hành của Thị Nở nấu cho Chí Phèo ngon đến thế nào".

Bạn bè, người nhà lo lắng vì sự kỳ quặc, ngoan cố của anh bởi niềm tin tuyệt đối vào bác sĩ và các phác đồ điều trị. Anh chấp nhận điều trị bằng tất cả các loại thuốc, kể cả thuốc thử nghiệm. Anh bảo: “Cho đến khi cầm tờ "giấy báo tử” đối với bệnh nhân ung thư là giấy ra viện với lời khuyên về nhà tiếp tục điều trị bằng đông y, tôi vẫn chưa một ngày từ bỏ niềm tin”. Anh tin khoa học phát triển từng ngày và anh phải sống để chờ được chữa trị.

Thầy Miền tích cực tham gia các chương trình thiện nguyện, chia sẻ thông tin với những bệnh nhân ung thư

Anh nuôi đam mê sống bằng công việc. Lúc đỡ mệt, anh gượng đến trường, xin được đứng lớp; tham gia làm thiện nguyện; chăm chút những mầm hoa. Lúc nằm viện, đỡ mệt anh lại lên mạng xã hội vận động các chương trình thiện nguyện để giúp các bệnh nhân khác. Khi bà con làng xóm nhìn bằng ánh mắt thương cảm, anh vượt qua bằng cách hòa đồng với mọi người, nói rõ về bệnh tình và quá trình điều trị. Không giống những bệnh nhân ung thư khác, anh sẵn sàng nói “Tôi bị ung thư” và đi khắp nơi với mái đầu không có tóc. Anh bảo, đó chính là cách anh chọn để đương đầu với thực tế.

Kinh tế quá khó khăn, vợ chồng anh quyết định từ bỏ vườn hoa phong lan mà anh đam mê, gây dựng bao năm qua. Học trò lớp cũ, lớp mới tự chia sẻ thông tin và tìm về giúp thầy. Có lớp, học sinh mổ lợn nhựa tiết kiệm để giúp thầy. Đó chính là cảm giác khó xử nhất với anh vì anh vốn chỉ quen giúp đỡ mọi người. Và, chiến thắng khó khăn nhất của một người chuyên làm thiện nguyện như anh là chấp nhận sự trợ giúp, chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp.

Dõi theo trang Facebook cá nhân của anh, bạn bè, đồng nghiệp xót xa khi anh một mình khoác balo với khuôn mặt biến dạng vì khối u to, mạo hiểm ra nước ngoài để điều trị theo phương pháp mới. Mẹ già, vợ phải mổ chân do chấn thương, con còn nhỏ nên anh tiếp tục chiến đấu một mình với bệnh tật nơi đất khách quê người. Như để đền đáp cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh, phác đồ điều trị đã bước đầu thành công, anh như được tái sinh để trở về.

Thông vẫn reo giữa trời vi vút gió

“Không biết mình còn được ngắm vườn thông này đến bao giờ?”. Câu hỏi này thầy Miền chưa dám hé ra với ai bởi trong lòng anh cũng có vô vàn giằng xé bởi nỗi đau sinh - tử; bởi bài toán cân não về kinh tế gia đình…

Sau 3 năm kiên cường đương đầu với ung thư, buổi sáng mùa đông bừng nắng này, anh đang thư thả ngồi giữa vòng tròn các em học sinh trong vườn thông 1.000 cây do anh cùng thầy trò Trường Tiểu học Tiên Động trồng từ khoảng năm 1990. Mái tóc anh đã xanh trở lại. Ánh mắt lấp lánh và nụ cười luôn tươi nở. Trả lời câu hỏi của tôi về mong muốn nhất của anh hiện nay, anh cười: “Mình chỉ mong mỗi sớm mai thức dậy, lại được đến trường, được nghe thông reo vi vu trong gió”.

Mong ước đơn giản của anh giờ đang được hiện thực hóa hằng ngày bằng những giờ học vui như bất tận với học trò dưới tán thông xanh. Sáng sáng, thầy Tổng phụ trách Đội lại đứng trước mấy trăm học trò, hướng dẫn các em từng động tác thể dục khỏe khoắn, vui nhộn. Giờ giải lao, học trò từ lạ rồi thành thích thú xúm lại ngắm nghía mái đầu trọc đang xanh lại của thầy Miền.

Thầy Miền lập trang Facebook nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với những bệnh nhân đồng cảnh ngộ

Trang Facebook Câu lạc bộ “Ung thư, niềm tin và chiến thắng” do anh lập ra từ đầu năm 2018 hiện đang thu hút gần 1.000 lượt người theo dõi. Trên câu lạc bộ, anh chia sẻ: “Mình lập ra group này với mong muốn chia sẻ những gì mình đã trải qua, những gì nên và không nên khi chẳng may ai đó mắc bệnh, những gì là kinh nghiệm để không phải hối hận khi đối diện với ung thư. Group này cũng mong phần nào tiếp thêm nghị lực cho những số phận không may, là nơi lan tỏa yêu thương, nơi được cùng nhau chia sẻ, nơi sẽ có nhiều thông tin hữu ích để cuộc sống tốt đẹp hơn”. Anh nghĩ vậy và dồn công sức tìm kiếm thông tin, chia sẻ, trao đổi thông tin với những người đồng cảnh ngộ.

Để có thông tin, thời gian ở viện anh tranh thủ kiến thức từ các y, bác sĩ; tìm đọc các tài liệu nước ngoài, lựa chọn các nguồn thông tin, rút kinh nghiệm từ bản thân… Trên câu lạc bộ anh có nhiều thông tin từ:  “Ăn gì để tăng bạch cầu?”, “Cách đọc các chỉ số xét nghiệm máu”, “Cách chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân ung thư”...

Anh bảo tiếc nhất là những bệnh nhân hoặc người nhà “buông tay” sớm, làm lỡ cơ hội, lỡ thời cơ hiếm hoi để người bệnh có thể sống tiếp. Bởi vậy, không quản ngại đêm hôm hoặc khi sức yếu, anh cố gắng trao đổi, hỗ trợ hết mức những người cùng cảnh ngộ. Có đêm, có người gọi điện chỉ để nhờ anh an ủi, động viên người bệnh đang tuyệt vọng. Sau khi nghe anh chia sẻ bằng chính câu chuyện của bản thân, bệnh nhân đã gắng gượng ăn chút cháo. Chỉ vậy thôi mà anh thấy vui, thấy cuộc sống thật có ích. Cứ thế, anh đã trở thành “tư vấn viên” bán chuyên nghiệp, vô tư giúp nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Vốn là một thầy giáo hăng say làm thiện nguyện, nay sau khi được tái sinh, anh vẫn đau đáu tâm nguyện được hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo... Điều kiện khó khăn hơn nên anh làm việc thiện theo cách của riêng mình. Anh tham gia các chương trình giao lưu từ thiện bằng chính câu chuyện về nghị lực bản thân. Ở Bệnh viện K (Hà Nội), nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, anh tham gia cùng các y, bác sĩ, các bệnh nhân khác tổ chức giao lưu tri ân các thầy, cô giáo là bệnh nhân. Đi cùng nhóm Thiện nguyện Thành Đông đến Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, anh nán lại cùng về phòng ở của học viên, đem câu chuyện của mình ra để động viên họ nỗ lực chiến thắng sự cám dỗ của ma túy... Anh lại hát, lại dàn dựng các chương trình văn nghệ, giao lưu, dù giọng hát đã bớt vang vì lá phổi yếu.

Tôi biết mong muốn sâu kín của thầy Miền là tiếp tục được điều trị nốt phác đồ còn dang dở ở nước ngoài. Nhưng do điều kiện kinh tế không cho phép, anh đành dừng lại. Bây giờ, "thầy giáo làng" - như anh tự nhận - chọn cách sống hồn nhiên, lạc quan để đối đầu với ung thư. Anh không đồng tình với ý tưởng của tôi viết về anh như tấm gương về nghị lực sống. Anh chỉ mong bằng câu chuyện nhỏ của bản thân sẽ góp phần thắp lên niềm tin, niềm hy vọng và nghị lực chiến đấu đến cùng cho những người không may mắc bệnh hiểm nghèo.

LINH AN

(0) Bình luận
Nghị lực sống của một người thầy