Mặc dù bị cụt 2 tay, một chân nhưng với nghị lực phi thường, anh Nguyễn Đình Tuấn không những tự lo cho cuộc sống mà còn vươn lên làm giàu...
Tuổi thơ không may mắnMen theo con đường đồi gập ghềnh, khúc khuỷu, chúng tôi đến thăm trang trại của anh Nguyễn Đình Tuấn, khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa (Chí Linh). Đón tôi ngoài cổng trang trại là một người đàn ông 36 tuổi. Mặc dù biết trước "nhân vật" của mình là một người khuyết tật nhưng trước khi gặp anh, tôi cũng không nghĩ anh lại bị khuyết tật đặc biệt như vậy. Anh Tuấn bị cụt chân trái, cánh tay phải chỉ còn 10 cm, cánh tay trái còn hơn 30 cm. Tôi chợt nghĩ trong đầu không biết với cơ thể như vậy, anh Tuấn làm như thế nào để làm giàu trên vùng đất cằn sỏi đá?
Anh Tuấn sinh ra hoàn toàn bình thường như bao người khác. Năm anh 12 tuổi, người dân trong làng phát hiện quả bom bi nằm trong lòng đất, khi quả bom được mang lên, có một anh người làng ngồi tháo bom, anh Tuấn cùng 2 người bạn trong làng đến xem. Chẳng may quả bom phát nổ, hất văng cả bốn anh em. Vụ nổ đó đã làm 3 người chết, còn bản thân anh bị những mảnh bom phạt cụt 2 tay, 1 chân. Anh phải điều trị mất nhiều tháng mới khỏi.
Anh Tuấn kể: "Nhiều lúc thấy bạn bè vui chơi, tôi chán nản, tuyệt vọng vô cùng. Nhưng buồn chán mãi cũng chẳng thể thay đổi được thực tại. Ngoài sự động viên của gia đình, trong những ngày ở nhà một mình, bố mẹ mang cho tôi khá nhiều sách, báo để tôi đọc cho đỡ buồn. Lúc đó tôi đọc được nhiều sách báo nói về những tấm gương vượt lên hoàn cảnh khó khăn khiến tôi rất khâm phục. Đặc biệt, tôi có đọc bài báo kể về chuyện Bác Hồ đến thăm một trung tâm điều dưỡng thương binh và nói với các chú thương binh một câu mà tôi còn nhớ mãi: "Thương binh tàn nhưng không phế". Mặc dù tôi không phải là thương binh nhưng bản thân bị khuyết tật nên tôi thấy câu đó cũng hợp với tôi. Lời dạy của Bác Hồ như tiếp thêm cho tôi sức mạnh, ý chí phải vươn lên".
Hành trình vươn lênBan đầu, anh Tuấn phải học tập đi, tập cầm thìa và các vật dụng khác. Trước hết là phải tập cầm các vật dụng. Cánh tay phải chỉ còn 10 cm thì không làm gì được rồi, còn cánh tay trái dài hơn 30 cm nhưng do mất bàn tay, nên việc tập cầm chủ yếu dựa vào chỗ đầu tay cụt, khuỷu tay và kết hợp với cằm, má để đỡ các vật dụng. Lúc đầu rất khó, vì ngượng và đau ở chỗ cụt. Mất khá nhiều thời gian, nhiều lúc rất nản nhưng cuối cùng anh cũng đã làm được. Đối với việc tập đi, do không còn bàn tay nên việc "cầm" nạng, điều khiển nạng đối với anh cũng rất khó khăn. Sau rất nhiều thời gian tập cầm, tập đi, anh Tuấn đã có thể cầm thìa xúc cơm ăn, cầm các vật dụng và đi lên đồi, lên rừng và lao động.
Năm 1994, bước sang tuổi 16, anh Tuấn đã nghĩ mình phải làm gì để tự nuôi sống bản thân và lo cuộc sống sau này chứ không thể ăn bám vào bố mẹ mãi được. Nghĩ vậy, anh Tuấn xin bố mẹ cho vào vùng đất nhận thầu của gia đình ở khe đồi khu cầu Ván để lập nghiệp. Khu đất đồi rộng hơn 3 ha, trong đó có một ít diện tích trồng vải, còn lại là trồng rừng bạch đàn tái sinh. Anh Tuấn vào đó để trông, chăm sóc vải và bạch đàn. Năm 1997, anh đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi gà. Lúc đầu, chưa có kinh nghiệm nên anh chỉ nuôi vài chục con/lứa, sau nâng dần số lượng lên vài trăm con/lứa. Việc làm kinh tế trang trại đối với người bình thường đã vất vả, nhưng đối với người khuyết tật như anh Tuấn càng khó khăn bội phần. Lúc đó, anh lại phải tập bê, vác những vật nặng. Có lúc bê không được, vác không xong, thậm chí có khi mất thăng bằng, ngã dúi dụi, anh chán ngán, rơi nước mắt vì sự bất lực và chỉ muốn vứt bỏ tất cả. Nhưng qua khoảnh khắc đó, anh lại quyết tâm thử bằng cách vác ít một, sau đó nâng dần trọng lượng. Cuối cùng, anh đã có thể vác cả bao cám trên vai, lấy nước, cho gà ăn như người bình thường. Được lứa gà nào, anh lại đầu tư xây thêm mở rộng diện tích chuồng để nâng số lượng. Từ vài trăm con/lứa, sau anh nâng lên 1.000 con/lứa, rồi 1.500 con/lứa và hiện nay là 3.000 con/lứa.
Năm 2007, sau khi khai thác hết loạt bạch đàn tái sinh, anh Tuấn chuyển sang trồng keo. "Việc đào gốc bạch đàn và đào hố trồng keo rất nặng nhọc và vất vả, anh có phải thuê người không, hay anh tự làm tất cả?", tôi hỏi. Anh Tuấn trả lời: "Tôi phải thuê 2 lao động, chứ nếu một mình làm biết đến bao giờ mới xong. Nhưng tôi cũng chỉ thuê họ đào gốc bạch đàn và đào hố thôi. Còn tự tay tôi trồng hơn 20 nghìn cây keo giống để phủ kín 3 ha vườn đồi. Khi cây phát triển, hằng tuần, tôi tự tay chặt tỉa cành, chặt những cây không phát triển". Năm 2010 và năm 2011, mỗi năm anh đều thu lãi trên 50 triệu đồng. Riêng năm 2012, anh thu lãi hơn 200 triệu đồng. Tôi nhẩm tính đó mới là từ chăn nuôi, còn rừng keo 6 năm tuổi rộng 3 ha, nếu khai thác, ít nhất anh cũng thu về tiền tỷ.
Hạnh phúc mỉm cườiKhi tôi hỏi về hạnh phúc gia đình, gương mặt anh Tuấn chợt chùng xuống đầy suy tư. Rồi anh kể: "Tôi lập gia đình năm 2002, vợ tôi là người cùng làng, chúng tôi tìm hiểu và tự nguyện đến với nhau, chứ không phải do mai mối. Vợ chồng tôi sinh được một con trai nhưng hồi đó do kinh tế còn khó khăn, không chịu được vất vả, gian khổ nên năm 2007, cô ấy bỏ bố con tôi lúc cháu mới 4 tuổi. Hai bố con tôi phải tự nuôi nhau. Ban đầu tôi rất buồn, nhưng tâm trạng ấy cũng qua nhanh, bởi nếu mình không vững vàng thì lấy sức đâu mà làm để nuôi con. Hiện nay, con trai tôi đang học lớp 4. Năm học nào cháu cũng đạt học sinh tiên tiến và học sinh giỏi".
Khi chúng tôi đang trò chuyện thì cháu Nguyễn Đình Thuận, con trai anh Tuấn đi học về. Thấy nhà có khách cháu vào chào hỏi lễ phép, rồi lao đến ôm cổ bố. Hai bố con nói chuyện rất tình cảm. Sau một hồi trò chuyện với bố, cháu Thuận dường như biết phần việc của mình và không đợi anh Tuấn nhắc nhở, cháu tự ra cầm chổi quét nhà. Ánh mắt anh trìu mến nhìn con: "Cháu rất thương bố nên sau giờ học cũng giúp được bố nhiều việc rồi. Tôi hạnh phúc khi thấy con trai tôi ngày càng khôn lớn, học giỏi và thương bố. Tôi sẽ nỗ lực nuôi dạy cháu khôn lớn, trưởng thành".
Trước khi chia tay, tôi còn nhớ lời tâm sự của anh: "Trong cuộc sống, mình phải tự giúp mình phấn đấu vươn lên chứ không thể trông chờ vào người khác được. Có như vậy mới không gục ngã trước những nỗi bất hạnh của cuộc đời". Còn với riêng tôi, anh là một người khuyết tật phi thường.
VIỆT CƯỜNG