Nghị lực phi thường của chàng trai cụt hai chân

16/05/2021 18:37

Vì tai nạn phải cưa cả hai chân, vợ bỏ đi, hằng ngày chỉ nằm một chỗ nhưng anh Vũ Văn Quê (sinh năm 1984, ở xã Lê Lợi, TP Chí Linh) vẫn vượt lên số phận bằng nghị lực phi thường, trở thành thợ sửa chữa điện tử giỏi được khách hàng nhiều nơi tin tưởng.


Anh Quê bị liệt nằm một chỗ vẫn sửa chữa được đồ điện tử

Gần 3 năm nằm viện

Truy cập YouTube, tôi tình cờ biết đến kênh “Điện tử Vũ Quê” với 28.600 người đăng ký theo dõi. 3 năm qua, kênh này đã đăng gần 120 video với nội dung chủ yếu là giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm sửa chữa các thiết bị điện tử. Điều làm tôi ấn tượng khi xem các video này là chủ nhân của kênh chỉ nằm một chỗ nhưng vẫn sửa chữa được rất nhiều đồ điện tử đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Trong mỗi video của mình, anh đều thể hiện sự lạc quan bằng lối nói chuyện dí dỏm và nụ cười sảng khoái. Chủ kênh YouTube này là anh Vũ Văn Quê - một nhân vật điển hình cho sự chiến thắng nghịch cảnh.

Xóm Mới, thôn An Lĩnh - nơi anh Quê và hai con gái sinh sống trong một căn nhà nhỏ, cách trung tâm TP Chí Linh khoảng 10 km. Tôi chẳng gặp chút khó khăn nào để tìm được nhà anh vì hỏi người dân nào ở đây ai cũng biết.

Anh Quê vui vẻ chào đón tôi nhưng chẳng thể ngồi dậy pha trà mời khách như người bình thường vì đôi chân đã phải cắt bỏ. Anh nằm trên chiếc giường với nhiều thiết bị máy móc, đồ điện tử xung quanh. Căn phòng nhỏ rộng chừng 10 m2 vừa là nơi làm việc, cũng là chỗ nghỉ ngơi của anh. Xung quanh đồ điện tử được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Anh Quê khoe trong ngày đã sửa được mấy sản phẩm, chỉ đợi con gái đi học về đóng gói rồi mang ra bưu điện gửi vào miền Nam cho khách.

Nhiều năm liền phải nằm một chỗ nhưng hai mắt anh vẫn tinh tường, giọng nói sang sảng. Giống như những gì tôi được xem trên YouTube, anh vui tính, thật thà và luôn giữ được tinh thần lạc quan dù gặp bao biến cố. “Năm xưa nếu tôi mà không gặp phải đại nạn đó thì quanh năm chẳng biết đến ốm đau”, anh Quê khoe.

Đại nạn mà anh Quê nhắc tới đã xảy ra cách đây 10 năm. Một buổi tối mùa hè năm 2011, trên đường từ phường Sao Đỏ về nhà, anh không may gặp tai nạn giao thông, cả người và xe lao xuống mương nước, bất tỉnh. Sáng sớm hôm sau, người dân đi làm mới phát hiện, đưa anh lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Tại đây, bác sĩ kết luận anh Quê bị gãy ba đốt sống cổ, liệt hai chân, phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Buồn hơn là thời điểm gặp tai nạn, anh Quê chuẩn bị đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, được chăm sóc đặc biệt nhưng anh Quê vẫn bất tỉnh. Bác sĩ hội chẩn, kết luận không thể cứu chữa, động viên gia đình đưa anh về quê chuẩn bị lo hậu sự. Nhưng bố mẹ anh xin bác sĩ tìm phương án khác. Em gái anh Quê đi xuất khẩu lao động cũng gửi hết số tiền dành dụm được về để cùng bố mẹ cứu anh trai. Bệnh viện đồng ý nhưng gia đình phải ký cam kết tình nguyện vì tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật đối với anh rất cao. Điều kỳ diệu đã đến, sau mổ chưa đầy 1 ngày, anh đã tỉnh khiến mọi người bất ngờ. Anh Quê được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị phục hồi chức năng trong niềm vui mừng khôn tả của cả nhà.

Tuy nhiên, những ngày tháng sau đó lại trở nên tồi tệ với anh Quê. Điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai một thời gian, cổ anh Quê cử động nhẹ được nhưng đôi chân vẫn liệt. Đã vậy, anh còn bị viêm phổi nặng. Anh được gia đình chuyển về Bệnh viện Phổi Hải Dương điều trị. Sau khoảng 9 tháng nằm tại đây, bệnh viêm phổi của anh cơ bản được chữa khỏi nhưng vận đen vẫn chưa dừng lại. Do nằm liệt một chỗ nên vùng da hai bên mông anh Quê bị loét, phải chuyển lên Viện Bỏng quốc gia chữa trị suốt một năm ròng.

Sau lần điều trị đó, biết không còn cách nào giúp anh Quê có thể đi lại được nên gia đình anh quyết định đưa về nhà chăm sóc. Xe vừa về tới TP Hải Dương, bụng anh trướng to như một cái trống. Gia đình lại phải đưa anh vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bác sĩ kết luận anh Quê bị giãn đài thận, suy thận độ 2. Một lần nữa, anh buộc phải quay lại Hà Nội phẫu thuật và tiếp tục nằm viện thêm khoảng 3 tháng.

Sau lần điều trị đó, anh Quê mới được về nhà. Tổng cộng anh đã nằm viện suốt gần 3 năm. Lúc mới về nhà, người anh Quê chỉ còn da bọc xương. Hai con gái nhỏ không nhận ra bố. Càng tuyệt vọng hơn khi người vợ của anh đã bỏ ba bố con để đi theo tình yêu mới. “Tôi chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải do bố mẹ lo. Lúc đó thấy mình vô dụng, nhìn về tương lai chẳng có chút hy vọng nào nên nhiều lần từng nghĩ đến tự tử để được giải thoát. Nhưng nghĩ về bố mẹ, người thân đã hết lòng vì mình, lại còn các con thơ dại nên tôi không làm được”, anh Quê trải lòng.


Cháu Vũ Thị Tuyết Nhi cùng bố sửa chữa đồ điện tử cho khách

Chiến thắng nghịch cảnh

Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng khi hai con anh Quê là Vũ Thị Thanh Thảo và Vũ Thị Tuyết Nhi đi học về. Tưởng tôi là khách hàng, cháu Nhi nhanh nhảu cất lời: “Chú sửa cái gì để cháu làm luôn cho. Nếu đơn giản thì cháu làm một lúc là xong, còn phức tạp thì phải để lại đây cho bố con cháu sửa, mấy hôm sẽ được lấy ạ”.

Tôi ngạc nhiên, chưa kịp hỏi thì anh Quê đã giải thích: “Cháu Nhi là trợ lý đắc lực của tôi đấy. Năm nay mới lớp 9 nhưng cái gì cũng biết làm. Hằng ngày cứ đi học về là tranh thủ giúp bố sữa chữa rồi lại giao hàng cho khách. Cháu Thảo học lớp 11 thì chuyên làm việc nhà, nấu ăn, làm vườn. Hai đứa là động lực sống và cũng chẳng khác nào đôi chân của tôi”.

Nói về cơ duyên đến với nghề sửa chữa điện tử, anh Quê cho biết năm 2014, đúng vào thời điểm anh đang chán nản thì được một người em quen biết cho chiếc điện thoại Samsung. Thật hay là chiếc điện thoại này có thể kết nối mạng. Vốn là người thích đồ điện tử nên anh thường tìm kiếm những thông tin liên quan để đọc. Ý tưởng làm thợ sửa chữa điện tử cũng lóe lên trong đầu anh Quê kể từ đó. Sẵn nhà có chiếc âm li bị hỏng, anh mang ra tập sửa theo hướng dẫn trên mạng. Có điều sau nhiều lần sửa mà không được, có lần còn bị nổ. Anh Quê vẫn quyết tâm và cuối cùng cũng sửa thành công. Sau đó, anh vay tiền mua một chiếc điện thoại thông minh.

Càng mày mò, anh Quê càng học được nhiều kiến thức về điện tử từ sơ đồ đến nguyên lý hoạt động của các loại máy móc. Anh tham gia vào các hội, nhóm, lập kênh YouTube để dễ dàng liên kết những người trong nghề. Tay nghề của anh cứ thế từng bước nâng lên. Vừa làm, anh vừa truyền dạy cho con gái. Từ chỗ chỉ sửa thiết bị âm thanh, bố con anh Quê còn “chữa bệnh” cho nhiều thiết bị khác như ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, điều hòa… Nhiều thiết bị khó, anh còn tự vẽ mẫu gửi sang nhờ bạn hàng bên Trung Quốc thiết kế. Nhờ uy tín của mình mà khách hàng ngày càng đông, từ Bắc vào Nam gần như tỉnh nào cũng có người gửi hàng ra thuê sửa. Đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm, có khách chở cả ô tô hàng điện tử hỏng tới nhà nhờ anh sửa. Anh Quê làm không xuể phải gửi đồng nghiệp nơi khác cùng làm.

Anh Quê cho biết dù việc nhiều nhưng do chỉ nằm một chỗ nên năng suất lao động không cao. Bình quân mỗi tháng, anh chỉ thu về 2-3 triệu đồng tiền công. Số tiền này cộng với chế độ hỗ trợ người khuyết tật của Nhà nước cũng cơ bản đủ lo sinh hoạt của ba bố con. Nhưng muốn lo tương lai cho các con, anh cần ngồi được xe lăn để làm việc hiệu quả hơn. Năm 2018, anh đã vay tiền lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để đề nghị cưa bỏ đôi chân bị liệt. Có điều sau khi phẫu thuật, anh vẫn chưa thể ngồi xe lăn. Bác sĩ cho biết anh phải tiếp tục phẫu thuật thì mới có khả năng ngồi được. Tuy nhiên, tài chính hiện tại rất khó khăn nên anh Quê chưa thể thực hiện được việc này. “Tôi còn trẻ. Tôi sẽ cố gắng sống, làm việc, tiết kiệm để sớm có ngày được phẫu thuật. Tôi phải ngồi dậy, vì tôi và vì các con”, anh Quê nói với giọng đầy quyết tâm.

Bà con địa phương rất khâm phục nghị lực của anh Quê. Họ nhắc đến anh như một hình tượng của sự chiến thắng số phận nghiệt ngã. Còn ông Lê Thanh Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn An Lĩnh nói rằng không nhiều người gặp phải hoàn cảnh như anh Quê mà có thể vươn lên được.

Câu chuyện về anh Quê cũng khiến tôi hay bất kỳ ai đều nhận ra rằng không có khó khăn nào không thể không khuất phục trước ý chí của con người.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghị lực phi thường của chàng trai cụt hai chân