Bị cụt cả 2 chân nhưng thương binh 1/4 Nguyễn Đức Nguyên nỗ lực vươn lên nuôi dạy con cái ăn học, xây dựng gia đình hạnh phúc...
Ông Nguyên mở cửa hàng cho thuê trang phục biểu diễn
nghệ thuật để có thêm nguồn thu nhập
Tại buổi tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật Biển Việt Nam” cấp tỉnh hồi đầu tháng 11 vừa qua, các đại biểu trong hội trường đều ngạc nhiên khi thấy một “thí sinh” ngồi xe lăn lên nhận giải. Đó là ông Nguyễn Đức Nguyên, 54 tuổi, thương binh hạng 1/4, bị mất cả 2 chân, nhà ở thị trấn Kinh Môn.
Dũng cảm trên chiến trườngNăm 1979, ông Nguyễn Đức Nguyên lên đường nhập ngũ, sau đó đi học sĩ quan tại Trường Lục quân 2. Năm 1982, nhà trường tổ chức cho học viên đi thực tập, ông Nguyên được cử về Sư đoàn 8, Quân khu 9, lúc đó đang chiến đấu trên chiến trường Cam-pu-chia. Ông Nguyên cùng đơn vị đã tham gia một số trận đánh. Tốt nghiệp, ông Nguyên được nhà trường giữ lại làm công tác giảng dạy.
Năm 1984, do yêu cầu nhiệm vụ, ông Nguyên lại được cử sang Cam-pu-chia chiến đấu. Lần này, ông về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 9, Sư đoàn 339, Quân khu 9, chiến đấu ở mặt trận 979, trong đó đơn vị ông chủ yếu đánh trận ở Pu-sát, Bát-tam-băng. Ông Nguyên tâm sự: “Thời gian đó, cuộc sống của bộ đội ta rất khổ, thiếu thốn đủ đường, nhất là thiếu nước ngọt, rau xanh, lương thực, muối. Không chỉ thiếu thốn về vật chất, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam còn phải chiến đấu rất căng thẳng với quân Khơ-me đỏ. Địch thường gài mìn ở mọi nơi, bộ đội ta thương vong khá nhiều".
Giai đoạn cuối năm 1984 đầu năm 1985, quân ta mở chiến dịch mùa khô đánh vào các căn cứ đầu não của quân Pôn - pốt nằm ở vùng biên giới Cam-pu-chia và Thái Lan. Đơn vị của ông Nguyên được lệnh đánh vào căn cứ 7 nhà, Đèo Gà, Đèo Khỉ. Một bộ phận của đơn vị trong đó có ông Nguyên được lệnh hành quân vòng qua đất Thái Lan để đánh vu hồi. Trời đêm ở Cam-pu-chia và Thái Lan rất tối, ông cùng đồng đội phải hành quân dựa vào ánh lân tinh phát ra từ lá cây mục dưới chân của người đi trước. Chiến dịch diễn ra ác liệt, hai bên giành nhau từng thước đất. Trong lúc xung phong truy kích địch, ông vấp phải mìn K58. Mấy ngày sau tỉnh lại, các bác sĩ ở bệnh viện dã chiến bảo ông bị mìn phạt mất 2 chân.
Xây hạnh phúc trong gian khóBị thương khi mới 25 tuổi, do vết thương đặc biệt, ban đầu trở về ông không dám nghĩ đến mái ấm gia đình. Nhưng hạnh phúc đã mỉm cười với người thương binh nặng. "Hồi đó, một số cô giáo quê ở xa, dạy học ở trường mẫu giáo Liên Cơ, thị trấn Ninh Giang thường sang trung tâm xem nhờ ti-vi và giúp đỡ các thương binh. Trong số đó có cô giáo Hiệu trưởng Đỗ Thị Tuyết, quê ở Hưng Yên. Dần dần, cô Tuyết cảm mến tôi. Lúc đó, tôi mặc cảm với vết thương nặng của mình nên chỉ giữ chừng mực là bạn bè nhưng cô Tuyết đã chủ động ngỏ lời với tôi. Tôi nói nếu lấy tôi cô ấy sẽ rất thiệt thòi và vất vả nhưng Tuyết vẫn quyết tâm. Năm 1990, trung tâm tổ chức đám cưới cho chúng tôi”, ông Nguyên kể.
Năm 1991, có chủ trương đưa thương binh nặng về gia đình, vợ chồng ông Nguyên khăn gói về quê ở thị trấn Kinh Môn sinh sống. Khó khăn trăm bề bủa vây đôi vợ chồng trẻ. Ngày đó trợ cấp của một thương binh nặng cũng rất thấp, trong khi đó bản thân ông Nguyên không có nghề nghiệp gì, còn vợ ông do không chuyển công tác được nên cũng phải bỏ nghề, không có việc làm. Dù được tôi luyện trong chiến trường gian khổ nhưng đối mặt với những khó khăn đó, có lúc ông rất hoang mang, không biết phải làm gì để bảo đảm cuộc sống gia đình.
Nhờ lời căn dặn của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Nguyên cùng vợ lần hồi tìm kiếm công việc mưu sinh. Vợ chồng ông mở một quán cơm bình dân nhỏ. Quán cơm tuy rất đông khách nhưng chủ yếu là công nhân, người lao động nên họ thường xuyên nợ, có lúc số nợ đến 20 triệu đồng. Thời ấy, số tiền đó cũng khá lớn. Do việc đi lại khó khăn, ông Nguyên không thể đến từng nhà để đòi tiền được. Vốn liếng cứ cụt dần, cuối cùng vợ chồng ông quyết định không bán hàng ăn nữa.
Hai vợ chồng ông lại chuyển sang công việc bán vé xổ số, thu nhập phập phù. Nghe nói ở Thanh Miện nghề thủ công mỹ nghệ mây tre đan rất phát triển và còn xuất khẩu ra nước ngoài, ông Nguyên đã tìm về đây học nghề. Học xong, ông trở về làm nghề mây tre đan tại nhà. Được một thời gian, do mặt hàng này không xuất khẩu được, những người làm nghề không tiêu thụ được hàng. Khó khăn vẫn cứ đeo bám vợ chồng ông. Năm 2001, nhờ bạn bè giúp đỡ tiền, ông Nguyên đã mua được một bộ máy vi tính, máy phô - tô - cóp - py mở cửa hàng để có việc làm. Cửa hàng của ông Nguyên hoạt động đến năm 2011 công việc ít dần, ông lại chuyển sang kinh doanh cho thuê trang phục biểu diễn nghệ thuật.
Hiện nay, do trợ cấp thương binh nặng đã nâng lên nhiều, cộng với việc vợ chồng ông làm thêm công việc đưa thư, công văn ở thị trấn và kinh doanh cho thuê trang phục nên cuộc sống gia đình đã thoát khỏi cảnh khó khăn. Vợ chồng ông có điều kiện nuôi dạy 2 con ăn học, hiện một con lớn đang học đại học, một con nhỏ đang học THPT.
Đề cao trách nhiệm công dânMặc dù đã cống hiến những năm tháng tuổi trẻ và để lại một phần xương máu trên chiến trường nhưng khi trở về đời thường, ông Nguyễn Đức Nguyên vẫn luôn gương mẫu thực hiện trách nhiệm của một công dân. Ông tích cực tham gia các cuộc thi viết tìm hiểu kiến thức trên các lĩnh vực do các cấp bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương tổ chức. Từ năm 2004 đến nay, ông tham gia hơn chục cuộc thi và đều đoạt giải. Năm 2004, ông giành giải nhất cuộc thi viết “Tìm hiểu về ASEAN” của Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức; năm 2007 đoạt giải ba cuộc thi tìm hiểu “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức...
Tại cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật Biển Việt Nam” năm 2013 do tỉnh tổ chức, ông Nguyên mặc dù sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, nhưng vẫn tranh thủ công việc, dành thời gian tìm hiểu, sưu tầm tư liệu làm bài thi. Khi đã có nhiều tư liệu, hình ảnh, ông Nguyên tranh thủ viết về đêm. Hơn 1 tuần viết, bài thi của ông đã hoàn thành dày hơn 200 trang với nhiều hình ảnh, tư liệu sống động về biển, đảo Việt Nam. Bài dự thi của ông được trao giải nhất cấp huyện và giải ba cấp tỉnh.
Ông Nguyên cho biết: “Tôi tham gia cuộc thi một phần cũng xuất phát từ trách nhiệm công dân, một phần từ mong muốn được tìm hiểu, trau dồi thêm kiến thức. Mỗi khi tham gia các cuộc thi, tôi học hỏi và trau dồi được rất nhiều kiến thức bổ ích”.
Nghị lực vượt khó của người thương binh nặng Nguyễn Đức Nguyên khiến nhiều người khâm phục.
VIỆT CƯỜNG