Nghị lực của một người khuyết tật

09/12/2015 05:00

Bằng nghị lực, anh Mạc Văn Hát ở thôn Đông Lĩnh, xã Quyết Thắng (Thanh Hà) đã trở thành tấm gương sáng cho nhiều người khuyết tật.



Anh Hát đã giúp nhiều người khuyết tật được học nghề, có việc làm


Hành trang vượt khó

Năm nay anh Hát 32 tuổi. Lẽ ra cuộc sống của anh Hát sẽ trôi đi bình thường như bao người khác cho đến khi tai nạn ập xuống khi đang học lớp 9 do sơ sẩy trong một lần trèo cây. Sau tai nạn ấy, đôi chân của anh cứ teo dần, xương cột sống bị chồi ra khiến cho những bước chân của anh ngày càng khó khăn, nặng nhọc. Vượt qua mọi khó khăn, anh vẫn cố gắng cắp sách đến trường. Nhưng khi bước vào THPT, sức khỏe ngày một yếu dần, không thể đạp xe tới trường nên anh đành gác lại việc học. Nhìn bạn bè cùng trang lứa được học hành với bao hoài bão, ước mơ và tương lai rộng mở, anh Hát không tránh khỏi sự tự ti, mặc cảm, thậm chí có lúc anh rơi vào tuyệt vọng. Nhưng rồi anh Hát nghĩ sức khỏe mình càng yếu thì càng phải cố gắng, người ta cố gắng một thì mình phải cố gắng mười. Anh muốn khẳng định bản thân mình sẽ vượt qua khó khăn để có một công việc ổn định, không trở thành gánh nặng của bố mẹ. Năm 2003, sau thời gian suy nghĩ, thấy nghề may phù hợp với những người khuyết tật (NKT) như mình nên anh Hát đã theo học một khóa đào tạo cắt may của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Thời gian đầu anh gặp không ít khó khăn vì việc cắt may đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo. Những ngày đầu cầm kéo lóng ngóng, vụng về, những khi ngồi lâu, xương khớp đau nhức, anh Hát lại tự nhủ những khó khăn này chỉ là thử thách rất nhỏ so với cả một hành trình dài anh sẽ đi phía trước nên phải quyết tâm vượt qua. Sau khi khóa học kết thúc, anh Hát không ngại khó, ngại khổ cất công tới nhiều cửa hiệu may quần áo ở trong và ngoài tỉnh để xin học việc và tích lũy thêm kinh nghiệm.

Năm 2009, anh Hát mở một tiệm may nhỏ, những NKT có nhu cầu học nghề đều được anh dạy miễn phí. Trong thời gian này, anh thường đi thăm một số xưởng may. Những NKT làm việc tại đó đã nhen lên trong anh sự đồng cảm, từ đây anh nảy ra ý tưởng sẽ mang lại công ăn việc làm, trở thành cầu nối để giúp những NKT ở quê hương mình gắn bó với nhau dưới một mái nhà.  Đầu năm 2014, anh Hát bắt tay vào mở xưởng may. Anh gặp rất nhiều khó khăn bởi vốn liếng không có, phải chạy vạy vay mượn anh em, bạn bè để mua máy may. Anh Hát nhớ lại: "Lúc đó tôi chẳng có gì ngoài sự quyết tâm của bản thân và sự động viên của người thân, bè bạn. Đó cũng là hành trang đã theo tôi suốt chặng đường từ khi khởi đầu đến bây giờ”.

Khi xưởng may của anh được thành lập, có một số NKT chủ động tìm đến để học nghề. Anh còn tích cực vận động những NKT trong thôn, xã đến làm. Hơn ai hết anh Hát hiểu những sự mặc cảm, tự ti bủa vây trong suy nghĩ của họ bấy lâu nay. Vì vậy, anh muốn không chỉ trao cho họ cơ hội có việc làm mà còn giúp họ tự tin, hòa nhập cộng đồng. Anh luôn kiên trì, mềm mỏng hướng dẫn cho từng người từng đường kim, mũi chỉ.

Sau khi dạy nghề xong, anh Hát lại trăn trở tìm các đơn hàng về để tạo việc làm cho học viên. Dù sức khỏe yếu nhưng anh không ngần ngại đi khắp các nơi trong tỉnh và sang cả Hưng Yên, Bắc Ninh… để tìm kiếm khách hàng. Không ít lần, anh chưa kịp mở lời thì nhiều người đã không tiếp, thậm chí tỏ ra khó chịu vì nghĩ anh đến xin tiền tài trợ, nhiều người không tin tưởng chất lượng sản phẩm từ xưởng may của anh... Bởi thế, có khi trải qua cả một quãng đường xa xôi nhưng anh lại phải về tay không. Nhưng thử thách ấy không ngăn cản được bước chân anh, ngược lại nó trở thành động lực giúp anh vượt khó.

Thành công mỉm cười

Trải qua nhiều cung đường, nhiều lần thuyết phục, cuối cùng cũng có 1 - 2 nơi đồng ý đặt hàng. Tín hiệu vui ấy đã khiến cho anh và mọi người trong xưởng phấn khởi, hăng say làm việc. Có lúc anh Hát mải nghiên cứu mẫu hàng tới tận 2 - 3 giờ sáng. Sự kiên trì của anh Hát cùng với trách nhiệm của học viên đã cho xuất xưởng những sản phẩm chất lượng. Dần dần, xưởng may của anh được nhiều người biết đến. Có khách hàng lại giới thiệu sản phẩm tới nhiều người khác. 

Do một số NKT nặng không thể làm việc tại xưởng, anh mang vải về tận nhà để họ làm rồi sau đó đi thu hàng. Có những người học chắc tay nghề ở xưởng may của anh sau đó về mở cửa hiệu để cắt may quần áo. Dù đó là trường hợp nào thì cũng đều mang lại cho anh niềm vui khi thấy họ đã có thu nhập, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội như định kiến bấy lâu nay. Có những khi học viên về mở cửa hiệu thắc mắc về kỹ thuật, anh lại không quản ngại thời gian, đường sá xa xôi về tận nơi để chỉ bảo. Có thấy anh hướng dẫn từng đường kim, mũi chỉ cho từng người mới thấy hết tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề của anh. Bởi thế dù có học viên đã 40, 50 tuổi nhưng vẫn gọi anh là "thầy".

Từ năm 2009 đến nay, anh Hát đã dạy cắt may cho hơn 80 NKT. Tháng 8 vừa qua, anh đứng ra thành lập Công ty TNHH Tiến Mạnh, đang tạo việc làm cho 20 NKT với mức thu nhập từ 1-3 triệu đồng/người/tháng. Công việc dần đi vào ổn định nhưng anh Hát vẫn chưa hết nỗi lo. Anh bảo: “Vẫn còn nhiều NKT tìm đến cơ sở của tôi nhưng vì diện tích nhà xưởng hạn hẹp, quy mô còn nhỏ nên tôi không thể nhận thêm. Nhìn tập hồ sơ xin việc chất đầy trong tủ tôi xót xa lắm. Trong tương lai, tôi sẽ cố gắng mở rộng quy mô để tạo thêm việc làm cho nhiều NKT hơn nữa". Tất bật với công việc ở xưởng may, anh Hát còn là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh. Đều đặn chủ nhật hằng tuần, anh đều đến TP Hải Dương để tham gia sinh hoạt cùng với các thành viên trong câu lạc bộ.

Thời gian tới, anh Hát có rất nhiều dự định như mở rộng xưởng sản xuất, đề nghị thành lập Hội NKT huyện Thanh Hà… Niềm vui khi học viên có thêm thu nhập, khi một người nào đó gọi điện báo giờ đây tiệm may của họ rất đông khách… tiếp thêm cho anh sức mạnh tinh thần để tiếp tục giúp nhiều NKT khác vượt qua gian khó.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nghị lực của một người khuyết tật