Việc hoà nhập với tự nhiên càng trở nên quan trọng vì ngoài việc hiểubiết, còn hình thành trong các em những tình cảm sâu sắc và thiêngliêng. Đó chính là khởi nguồn của tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc.
Con người hoà nhập với tự nhiên mà tồn tại. Đó là quy luật. Dù xã hội phát triển đến đâu chăng nữa cũng không thay đổi được quy luật ấy. Nhất là tuổi ấu thơ, việc hoà nhập với tự nhiên càng trở nên quan trọng vì ngoài việc hiểu biết, còn hình thành trong các em những tình cảm sâu sắc và thiêng liêng. Đó chính là khởi nguồn của tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc.
Vậy mà ngày nay, trẻ em đang có nguy cơ bị tách ra khỏi môi trường tự nhiên. Những trẻ em ở đô thị không còn biết đồng lúa, vườn dâu, nương sắn hay dòng sông, con ngòi... Làm sao các em biết con cò, con vạc, con cua, con ốc... Cả con trâu, con bò cũng thành xa lạ. Các em không hiểu được hạt lúa làm ra từ một nắng hai sương. Đặc biệt là những em sống ở các khu chung cư cao tầng. Mở cửa ra là thấy xi -măng, gương kính. Đóng cửa lại là thế giới của máy điều hoà, đồ điện hiện đại: ti vi, máy cát sét, máy hút bụi... Các em không phân biệt được mưa, dông, bão. Có chăng cũng chỉ là qua phim ảnh, sách báo.
Ngay trẻ em nông thôn cũng dần xa rời tự nhiên vì các em đi học suốt ngày. Có thể nói, không lúc nào các em "mở mắt" để ngắm nhìn tự nhiên quanh mình. Nhiều làng quê không còn bờ tre, bến đò. Bờ sông rác đổ, nước sông ô nhiễm. Đất công đã thành đất tư. Ao chuôm đã lấp. Nhiều gia đình nông dân đã không còn ruộng đất. Nhiều nhà cũng làm nhà ống quay mặt ra đường. Trẻ em nông thôn bây giờ hầu hết không phải đi chăn trâu cắt cỏ, đi đẩy xe lúa cho mẹ, dũi thóc, phơi rơm vào lúc mùa gặt đã về. Các em hầu như không còn biết tát cá, đánh giậm, bắt cua, bắt châu chấu lúc trời mưa. Nhiều em sống ở làng quê mà hàng tháng không ra tới đồng.
Có hiểu hết tầm quan trọng của môi trường tự nhiên, có thấy cái đẹp của môi trường tự nhiên, các em mới biết yêu quý và có ý thức bảo vệ tự nhiên. Từ đó, tình yêu quê hương đất nước trong các em ngày càng nồng nàn và sâu sắc. Muốn đạt được mục đích ấy, cần tạo điều kiện cho trẻ em gắn bó với tự nhiên. Song ai làm và làm như thế nào? Mặc dù suy nghĩ còn hạn hẹp, người viết bài này cũng xin mạnh dạn nêu mấy ý kiến như sau:
Một là, nhà trường, Đoàn thanh niên, Đội Thiếu niên và gia đình cần có nhận thức đúng đắn về vấn đề này. Từ đó có kế hoạch tổ chức cho trẻ em thâm nhập, tìm hiểu tự nhiên. Hiện nay có nhiều nhà trường tổ chức cho học sinh đi thăm danh lam thắng cảnh miền biển, miền núi. Một số gia đình khá giả cho con cháu đi du lịch. Những chuyến đi như thế rất bổ ích với trẻ em.
Hai là, cần tranh thủ thời gian trong những ngày hè "thả" các em về với tự nhiên, vừa nâng cao hiểu biết, vừa đỡ căng thẳng cho các em. Đó cũng là giải toả sau nhiều tháng các em phải vùi đầu vào học tập.
Những gia đình ở đô thị có thể cho con về nghỉ hè, sống với ông bà, chú bác, cô dì, vừa củng cố được tình cảm cho các em vừa để trẻ em hiểu thêm về quê quán. Có thể cho các em học bơi, học chơi trò đánh pháo đất, thi thả diều, hoặc làm cần cho các em đi câu, dẫn các em ra thăm đồng hoặc thăm một cơ sở sản xuất nào đó như đan tre, dệt chiếu cói, làm gạch... Cũng có khi cho các em theo gia đình bạn bè ra đồng gặt lúa một vài giờ trước khi nắng to, hoặc theo bạn chăn bò, chăn dê ở bờ đê, ven đồi. Cũng có thể cho các em xem hoặc tham gia một buổi tát cá ở ao, đầm hoặc kênh rạch... với sự hướng dẫn, giám sát của người lớn .
Những hoạt động như thế chắc chắn in vào trí não các em những ký ức không phai mờ, cho các em kiến thức, hiểu biết sinh động về cuộc sống, giúp các em phát triển toàn diện hơn.
VĂN DUY (Kinh Môn)