Lần đầu tiên thấy bài thơ này trên báo Văn nghệ số 34 (ngày 23.8.2014), đọc qua nhan đề bài thơ, tôi thầm nghĩ, đấy là chợ quê thường họp vào buổi chiều. Nó đã đi vào ký ức cộng đồng của bao thế hệ dân làng. Và cũng tạo nên bao cảm xúc thơ ca. Tôi đã đọc những cảm xúc thơ về chợ quê của nhiều tác giả, vẫn có chung những thi ảnh của chợ quê thì chắc tác giả Phùng Văn Khai cũng vậy thôi. Nhưng không. Không phải vậy khi chạm vào câu lục bát đầu tiên:
Chợ chiều
Thà rằng chẳng chợ thì thôi Chợ gì chỉ rặt hàng vôi lá trầu Mấy bà lụ khụ nhìn nhau Mây ngăn ngắt xám trên đầu lặng bay Băn khoăn mấy lá trầu gầy Khẳng khiu mấy quả cau bày chỏng chơ Tiếng đâu như tiếng khóc hờ Người mua đứng lặng như tờ lại đi Cao xa đám cỏ xanh rì Phía đường tiếng dế u i gọi đàn Gọi về sớm chuyến đò ngang Người không về ấy nhỡ nhàng bao nhiêu? Lênh đênh là mấy cánh bèo Trầu cau lay lắt chợ chiều vắng duyên Người đi ván chẳng đóng thuyền Bao nhiêu người ở nghẹn duyên cuối mùa...
PHÙNG VĂN KHAI
|
|
Thà rằng chẳng chợ thì thôi
Chợ gì chỉ rặt hàng vôi lá trầuHơi ngồ ngộ đấy. Thế là buộc tôi phải đọc. Càng đọc lại càng day dứt đồng cảm qua từng câu chữ với âm điệu lục bát dễ dẫn dụ lòng người. Còn ý tứ từng câu thơ, trong tôi vẫn còn miên man. Phải đến hai câu kết: Người đi ván chẳng đóng thuyền/Bao nhiêu người ở nghẹn duyên cuối mùa... ta chợt nhận ra duyên cớ để tạo cái chợ lạ, mà ngay câu đầu bài thơ tác giả cũng đã thảng thốt.
Trong tình yêu lứa đôi, khi người con gái đã theo chồng, người ta thường dùng hình ảnh ẩn dụ “ván đã đóng thuyền”. Nhưng ở đây: Người đi ván chẳng đóng thuyền. Câu thơ đã hiển lộ rõ nguyên nhân là do người đi. Khi đọc lướt qua bài thơ, ta cũng đồng cảm được rằng người đi ấy không phải là kẻ bạc tình mà đấy là những chàng trai đang tuổi thanh xuân ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Người ở là những thiếu nữ đang rạo rực xuân thì. Nhưng, họ một mực thủy chung ngóng đợi người đi trở về. Thời gian cứ trôi. Để rồi: Bao nhiêu người ở nghẹn duyên cuối mùa... Câu thơ làm buốt lòng người đọc. Tác giả không dùng dấu chấm than (!) mà dấu chấm lửng (...) như dành cho người đọc những ngẫm suy, rung cảm. Tôi chợt liên tưởng đến cây lúa nghẹn đòng, nó xác xơ, đau đớn khi đến cuối mùa không thể cho hạt mà ngẫm suy đồng cảm đến những phận người như thế.
Họ không may sinh ra cùng thời, sống cùng những thập niên gian khổ, cùng lòng thủy chung hết mực để rồi bây giờ trở thành: Mấy bà lụ khụ nhìn nhau. Họ đồng cảnh nên đồng cảm, nhìn nhau trong ánh mắt cô đơn, khuyết thiếu, cam chịu... Rồi họ cùng đem sản phẩm của vườn ra họp thành chợ chiều rất lạ chỉ rặt hàng vôi lá trầu.
Không gian chợ u xám, thời gian họp chợ đã quá chiều, bước vào sâm sẩm hoàng hôn khi mà tiếng dế đã cất lên u i. Người bán là mấy bà lụ khụ. Sản phẩm bán chỉ mấy lá trầu gầy, mấy quả cau khẳng khiu. Lạ quá đi chứ: Mấy bà lụ khụ nhìn nhau/ Mây ngăn ngắt xám trên đầu lặng bay/ Băn khoăn mấy lá trầu gầy/Khẳng khiu mấy quả cau bày chỏng chơ. Ắt hẳn đã là chợ thì phải có kẻ bán, người mua. Mà ở đây: Người mua đứng lặng như tờ lại đi. Lại thêm một tứ thơ lạ trong hiển cảnh này.
Thì ra tác giả đã lập hệ quy chiếu riêng mình để tạo nên một chợ ảo. Tuy ảo nhưng lại rất thật. Thật trước những hậu quả do dư chấn chiến tranh để lại. Và cụ thể là để lại những lớp người cô đơn khuyết thiếu, tàn héo theo thời gian. Mà hình ảnh ở chợ quê này là một ví dụ. Trầu cau xưa nay đã cấu thành nên nét văn hóa Việt trong hôn lễ. Nhưng những lớp người như thế họ đã bị chiến tranh tước đi duyên trầu cau, tước đi quyền làm vợ, làm mẹ thì còn nỗi buồn nào hơn? Giờ nhìn trầu héo cau gầy mà ngậm ngùi xa xót.
Còn người mua trong bài thơ thì sao nhỉ? Chắc hẳn đấy là thế hệ đi sau. Qua câu chữ ta nhận ra, họ không phải là người thờ ơ vô cảm. Nhìn mấy bà lụ khụ và cảnh ngộ của họ, người mua cũng lắm cảm thông chạnh lòng, nhưng chẳng biết làm gì qua nỗi xót xa: Tiếng đâu như tiếng khóc hờ/Người mua đứng lặng như tờ lại đi.
Câu thơ vừa hiển lộ hình ảnh, vừa mang đầy tâm trạng. Tâm trạng xót xa cứ lặng rót vào lòng người mua, rồi phải bước đi không muốn nhìn lâu, vì sợ không làm sao cưỡng nổi khi nỗi niềm ấy cứ len nhẹ vào hồn.
Thế rồi, khi đọc đến đoạn thơ tiếp theo: Cao xa đám cỏ xanh rì/Phía đường tiếng dế u i gọi đàn/Gọi về sớm chuyến đò ngang/Người không về ấy nhỡ nhàng bao nhiêu? Ta như được giải mã cái lạ của chợ chiều chỉ có các bà lụ khụ bán rặt trầu héo cau gầy và nguyên cớ “ván chẳng đóng thuyền”.
Người không về, đấy là những chàng trai đang tuổi xuân phơi phới, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường cứu nước. Giờ các anh đang nằm dưới những vuông cỏ xanh rì mà hồn cứ vọng về người thân, người tình qua tiếng dế “u i” một “phương tiện thông tin” đặc thù mà người thân cứ thổn thức nhận ra. Trong đó có “Gọi về sớm chuyến đò ngang”.
Chuyến đò ngang - hình ảnh ẩn dụ việc chở người sang sông cập bờ hạnh phúc. Giờ những bà lụ khụ cứ ngoái nhìn trong thăm thẳm mơ hồ mà xót xa cực đỉnh. Bởi: Người không về ấy nhỡ nhàng bao nhiêu? Trong đó có thân phận của những thiếu nữ thuở xưa mỏi mòn trông đợi đến nghẹn duyên cuối mùa.
Bài thơ với ngôn ngữ bình dị, giàu hình ảnh, âm điệu làm lay động tâm thức người đọc. Bởi ở đó, ta nhận ra hậu quả của chiến tranh đã cướp đi sinh mạng và hạnh phúc của biết bao con người cùng bao dư chấn khác. Đấy là nỗi đau không thể lấy gì bù đắp.
BÙI HUYỀN TƯƠNG