Từng một thời phát triển rầm rộ nhưng ghề mộc ở thôn Lại và nghề bánh đa, bánh cuốn truyền thống ở thôn Mòi của xã Vĩnh Tuy (Bình Giang) đang gặp nhiều khó khăn.
Từng là nghề có giá trị, đem lại miếng cơm manh áo cho đa số người dân thôn Lại
nhưng nay nghề mộc đang gặp rất nhiều khó khăn
Thời kỳ hoàng kim của nghề mộc ở thôn Lại là những năm 80 của thế kỷ trước. Thời đó ở đây, dọc theo con đường làng, gỗ chất đống, đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo giòn giã cả một vùng. Sản phẩm mộc của thôn Lại ngày đó chủ yếu là các bộ bàn ghế đi văng từ gỗ xà cừ, đóng thủ công phục vụ nhu cầu của người dân các khu vực lân cận. Ông Vũ Hữu Tự từng là một thợ mộc có tiếng ở làng nhớ lại: "Do nhu cầu của thị trường lớn, trung bình mỗi ngày nhà tôi xuất bán 1 bộ bàn ghế, nhà nào ít hơn thì 3 ngày bán được 1 bộ". Thời đó, nguồn nguyên liệu khai thác quanh vùng dồi dào nên việc làm ăn thuận lợi, đem lại thu nhập cao cho người dân trong thôn.
Khác với thôn Lại, gần như toàn bộ người dân ở thôn Mòi sống bằng nghề làm bánh đa, bánh cuốn. Những năm nghề này còn phát triển, tuy chưa có thương hiệu như các làng nghề nổi tiếng khác, song được làm bằng bí quyết gia truyền, nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, ngay bánh đa màu cũng được làm từ đường thắng nên độ mềm, mỏng, dai và thơm ngon được giữ tự nhiên. Do đó, giá bán các sản phẩm này luôn cao hơn các loại bánh đa, bánh cuốn khác trên thị trường. Ngoài tiêu thụ ở các khu vực lân cận như Lương Điền, Cẩm Điền, thị trấn Kẻ Sặt... bánh đa, bánh cuốn ở làng Mòi còn bán đi tận miền Nam.
Ở thôn Lại, từ hơn 200 hộ làm nghề mộc nay giảm chỉ còn khoảng 20 hộ. Thợ trẻ rời quê tới các vùng khác làm mộc thuê, số thợ già chuyển sang làm nghề khác, chỉ còn lại số ít anh em có tâm huyết và tay nghề vẫn duy trì nghề. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ bó hẹp, hơn nữa các sản phẩm ở đây chưa thực sự tinh xảo nên khó cạnh tranh được với thị trường đồ gỗ ngày càng sôi động và nhu cầu khắt khe của khách hàng. Anh Trần Thế Anh, chủ một xưởng mộc ở thôn Lại cho biết: "Những năm gần đây chúng tôi đầu tư máy móc, nâng cao tay nghề nên chất lượng sản phẩm đã nâng lên rõ rệt, tuy nhiên vẫn không thể cạnh tranh với đồ gỗ của Đồng Kỵ (Bắc Ninh) hay Đông Giao (xã Lương Điền, Cẩm Giàng)".
Hiện nay, sản phẩm chủ yếu vẫn là bàn ghế với kiểu dáng đơn giản, phát triển về số lượng, chưa đi sâu về chất lượng, độ tinh xảo, nhất là các sản phẩm mỹ nghệ, chưa có thương hiệu riêng. Thị trường tiêu thụ cũng hạn chế, chủ yếu giao buôn cho các cửa hàng kinh doanh đồ gỗ ở khu vực Quán Gỏi, sau đó phân phối đi các tỉnh lẻ.
Số hộ còn duy trì nghề làm bánh đa, bánh cuốn ở thôn Mòi chỉ còn đếm trên đầu ngón tay
Số hộ còn duy trì nghề làm bánh đa, bánh cuốn ở thôn Mòi cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Trong tổng số 200 hộ chỉ còn 10 hộ duy trì nghề. Đa số người dân bỏ nghề để chuyển sang làm công nhân trong các khu công nghiệp hoặc đi buôn bán. Gia đình bà Vũ Thị Ngỡi là một trong số ít hộ còn làm bánh đa. Bà Ngỡi cho biết: "Làm nghề này kỳ công lại vất vả, lờ lãi ít, phải gắn với chăn nuôi lợn, gà để tận dụng phụ phẩm thừa. Nhưng bây giờ chăn nuôi cũng khó khăn nên chúng tôi chỉ sống được với nghề thôi chứ không giàu được. Mọi người cũng vì lẽ đó mà bỏ nghề gần hết". Hiện nay, các hộ còn lại duy trì nghề cũng bắt đầu sắm máy móc để tăng sản lượng, giảm bớt sức lao động song để làm quen với kỹ thuật mới lại phải bảo đảm chất lượng sản phẩm làm ra cũng là bài toán khó. Tuy nhiên do được người tiêu dùng ưa chuộng, nếu chịu khó thì những người còn duy trì nghề vẫn thu nhập khá. "Tháng nào thời tiết thuận, gia đình tôi làm được nhiều hàng cũng thu lãi khoảng 22 triệu đồng/tháng", bà Ngỡi cho biết thêm.
Theo ông Vũ Xuân Dư, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tuy, trước kia cả nghề mộc và nghề sản xuất bánh đa, bánh cuốn của xã phát triển tốt, mang lại thu nhập khá cho người dân trong xã, nhưng vài năm trở lại đây do chậm thích nghi với thị trường nên những nghề này đã dần mai một. Số hộ duy trì nghề rất ít nên việc định hướng phát triển gặp nhiều khó khăn. Người dân cần từng bước nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đầu tư xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm truyền thống. "Từng một thời phát triển mạnh, nay nếu để các làng nghề mai một rất lãng phí. Đặc biệt trong thời buổi nhiều cơ sở sản xuất lạm dụng chất bảo quản thực phẩm thì việc duy trì nghề sản xuất bánh đa, bánh cuốn truyền thống sử dụng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên ở Vĩnh Tuy cần được vực dậy và nhân rộng", ông Dư nói.
LÊ HƯƠNG