Hằng ngày, những người thợ điện vẫn miệt mài, không quản ngại hiểm nguy để bảo đảm cho nguồn điện được an toàn, ổn định.
Công nhân kỹ thuật điện thường xuyên phải vượt qua nỗi vất vả và nguy hiểm
Có mặt tại thị trấn Gia Lộc đúng vào thời điểm cái nắng đầu hè đang thiêu đốt. Trong bộ đồ ướt đẫm mồ hôi, những công nhân kỹ thuật của Điện lực Gia Lộc đang lắp đặt bổ sung hệ thống tiếp địa cho các cột điện. Anh Nguyễn Ngọc Thanh, Đội trưởng Đội Quản lý tổng hợp cho biết: “Vào mùa hè, khách có nhu cầu sử dụng điện tăng cao nên chúng tôi phải tăng cường kiểm tra, xử lý các sự cố, bổ sung các thiết bị cần thiết nhằm bảo đảm việc cung cấp điện ổn định cho người dân”. Nói là vậy nhưng quá trình triển khai thì không hề đơn giản. Các bộ phận phải phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng để sớm cấp lại điện cho khách hàng. Vì vậy, từ việc xây dựng kế hoạch cắt điện, tháo dỡ, vận chuyển, tập kết vật tư, lắp ráp thiết bị đến việc đóng điện trở lại… đều được triển khai một cách khẩn trương, chính xác.
Theo chân một tổ công nhân vận hành điện huyện Gia Lộc, chúng tôi mới được chứng kiến hết nỗi vất vả và nguy hiểm mà những người công nhân ngành điện vẫn phải đối mặt. Nhìn những người công nhân treo mình trên ngọn cột điện cao gần 10m giống như những nghệ sĩ xiếc khiến nhiều người đi đường thót tim. Ông Nguyễn Văn Hải, công nhân kỹ thuật Điện lực Gia Lộc chia sẻ: “Nghề này vất vả lắm. Không kể về thời gian, thời tiết, cứ nơi nào xảy ra sự cố là chúng tôi phải có mặt ngay”. Theo lời ông Hải, trước đây công nhân điện vất vả hơn bây giờ nhiều, thiếu thốn đủ thứ từ việc đi lại cho đến trang thiết bị… “Bây giờ, cuộc sống phát triển, người công nhân kỹ thuật điện đã làm chủ được thiết bị nhưng không vì thế mà cho phép chúng tôi được chủ quan, nhất là vào những ngày mưa bão. Nguyên tắc làm việc của chúng tôi là cẩn trọng trong công việc, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người”, ông Hải cho biết thêm.
Đội Quản lý vận hành điện Gia Lộc hiện có 22 công nhân phụ trách gần 500km đường dây trung áp và hạ thế. Vào mùa mưa bão hay các dịp lễ, Tết, đơn vị luôn phải bảo đảm quân số trực 24/24 giờ để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra. Mỗi tổ trực từ 3-5 người, trong trường hợp khẩn cấp sẽ có lực lượng bổ sung. Trong quá trình làm việc, các anh gặp phải không ít những tình huống “dở khóc, dở cười” như không tìm được địa chỉ, nhân viên đến tìm mà không có ai ở nhà, điện đã được kết nối nhưng khách hàng không báo lại... Chưa kể những ngày mưa gió, cây cối bị đổ đè lên đường dây điện, những mái tôn, biển quảng cáo bị gió thổi bay làm đứt đường dây... toàn đội lại phải tăng cường lực lượng để khắc phục kịp thời những sự cố và cảnh báo người dân tránh xa nguy hiểm.
Ông Hải cho biết thêm: “Để trở thành thợ điện đòi hỏi người công nhân phải có ý chí phấn đấu, lòng yêu nghề, tính kiên nhẫn, ý thức vượt khó và sự hy sinh. Vì làm nghề này luôn cận kề với những nguy hiểm như: tiếp xúc trực tiếp với điện, có thể ngã trong quá trình leo trèo, thời gian làm việc không cố định".
Giống như ông Hải, ông Nguyễn Văn Bộ là công nhân kỹ thuật thuộc Điện lực huyện Thanh Miện cũng đã có thời gian gần 30 năm công tác trong ngành điện. Ông trăn trở: “Niềm vui của chúng tôi là được nhìn ngắm ánh điện sáng, nhưng nếu chỉ cần một chút bất cẩn thì sẽ phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Vì vậy, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải hết sức cẩn thận khi triển khai công việc. Người lớn tuổi sẽ truyền kinh nghiệm nghề nghiệp cho những lớp công nhân mới”. Trong cuộc đời mình, ông cũng đã có cơ hội để chuyển sang ngành nghề khác. Tuy nhiên, với mong muốn được góp công sức vào việc xây dựng, phát triển quê hương, ông đã gắn bó với nghề này suốt những năm qua. Tình yêu nghề đã truyền ngọn lửa đam mê cho các con ông. Hiện nay, ông Bộ có 2 con đều công tác liên quan đến lĩnh vực điện.
Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, hiện nay, toàn tỉnh có 705 công nhân kỹ thuật của công ty đang làm việc tại 12 đơn vị, phụ trách tổng số trên 7.200 km đường dây. Công nhân kỹ thuật dưới 40 chiếm đến 2/3 lực lượng. Hằng năm, ngoài việc bổ sung nhân lực, công ty thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ và trang bị thêm những thiết bị bảo hộ an toàn lao động cho các công nhân kỹ thuật điện nhằm giảm thiểu những tình huống đáng tiếc xảy ra. Nhờ vậy, nguồn điện trên địa bàn tỉnh luôn được cung cấp cơ bản ổn định, các sự cố điện được giải quyết kịp thời.
ĐỨC TÂM