Chúng ta đã tập trung toàn bộ sức lực, trí tuệ của cả một dân tộc, đấu mưu, đấu trí một cách quyết liệt nhất để đi đến giành thắng lợi trọn vẹn.
Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương chỉ đạo chiến lược, chiến thuật
tài tình góp phần giải phóng miền Nam
Với gần 60 ngày đêm cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài suốt 30 năm, chúng ta đã tập trung toàn bộ sức lực, trí tuệ của cả một dân tộc, đấu mưu, đấu trí một cách quyết liệt nhất để đi đến giành thắng lợi trọn vẹn.
Mưu kế lập ra “hình trận” và “thế trận”, tạo ra “thời cơ” làm cho địch nhiều mà hóa ít. Mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mưu kế chiến lược của ta đã tạo ra một hình trận chiến lược rất đẹp là ghìm địch ở hai đầu Nam Bắc chiến tuyến ở Sài Gòn và Huế - Đà Nẵng, bằng cách các quân đoàn chủ lực của ta (Quân đoàn 1 ở bờ bắc sông Bến Hải, Quân đoàn 2 ở tây Huế và Quân đoàn 4 ở đông bắc Sài Gòn) áp sát các khu vực mục tiêu trọng yếu, buộc địch phải tập trung cả hai sư đoàn tổng dự bị chiến lược vào giữ Sài Gòn và Huế - Đà Nẵng, để sơ hở ở quãng giữa là Tây Nguyên. Hình trận này đã tạo ra thế trận có lợi cho mặt trận Tây Nguyên.
Đặt Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 ở phía bắc chiến tuyến và Quân đoàn 4 ở phía nam chiến tuyến là cách nghi binh, tạo và nắm chắc thời cơ chiến lược cho Tây Nguyên. Khi địch đã bị giữ chặt ở Huế và Sài Gòn thì ta mở cuộc tiến công lớn ở Tây Nguyên là nơi địch sơ hở và công phá vào Buôn Ma Thuột, là nơi hiểm yếu của khâu yếu nhất trong hệ thống phòng ngự của địch.
Mưu kế chiến lược tiếp theo là bí mật đưa hai sư đoàn nữa lên Tây Nguyên. Đây là mưu kế hay của ta. Hai sư đoàn bất ngờ tăng cường thêm cho Tây Nguyên là cái nút trong mưu kế tạo và nắm thời cơ chiến lược. Do bất ngờ đột ngột tăng cho Tây Nguyên hai sư đoàn nữa mà địch không hay biết, không kịp đối phó, nhất là khi xe tăng của ta cán xích trên đường phố Buôn Ma Thuột thì mọi chuyện đối với địch là đã quá muộn. Hai sư đoàn đó là 316 và 968. Tại thời điểm đó ở Tây Nguyên có 4 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập cùng các binh chủng chiến đấu hùng mạnh, được phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng Quân khu 5 đã tạo nên quả đấm thép, làm cho lực lượng ta vượt trội hơn địch.
Ở Tây Nguyên, quân ta từ một lực lượng chiến dịch bỗng trở thành một lực lượng chiến lược. Quả đấm thép đó đã đủ sức mạnh đánh ghìm địch ở Plây-cu; cắt đường 19 và đường 14; phá vỡ Buôn Ma Thuột và chủ động đánh bại phản kích của Sư đoàn 23 ngụy Sài Gòn, làm nên đột biến về chiến tranh. Hai sư đoàn và thời cơ tăng thêm cho Tây Nguyên là cái nút trong mưu kế để tạo và nắm thời cơ chiến lược đánh bại địch trong chiến cuộc mùa xuân năm 1975. Địa điểm và thời cơ sử dụng hai sư đoàn này là “chữ thời” về tài năng và trí tuệ trong nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chỉ huy của ta.
Ở Tây Nguyên, thế trận của ta là phá vỡ chỗ yếu của địch là Buôn Ma Thuột, để từ trên cao phát triển xuống đồng bằng. Mưu kế đó là: nghi binh thu hút, ghìm địch ở đầu mạnh, để tiến công phá vỡ địch ở đầu yếu. Mưu kế chiến dịch là đánh nghi binh ở phía bắc (Plây-cu), tập trung sức mạnh ở phía nam (Buôn Ma Thuột), thực hành đột phá đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Hình trận chiến dịch ở Tây Nguyên còn được thể hiện trong việc sử dụng “chính-kỳ”.
Ở giai đoạn đầu được xác định như sau: Sư đoàn 968 được sử dụng có tính chất như một mũi chính binh, nhưng thực chất lại là đánh nghi binh để kẻ địch tưởng rằng ta sẽ tiến công Plây-cu; còn Sư đoàn 316, các Trung đoàn 24, 95B và các binh chủng là chính binh đánh thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột, nhưng được sử dụng một cách bí mật làm kẻ địch bị bất ngờ nên có tính chất như một tập đoàn kỳ binh. Nhưng sau đó, khi thế trận đã bắt đầu chuyển hóa thì “chính”, “kỳ” cũng biến hóa theo một cách linh hoạt. Dùng lực lượng tương đối lớn (Sư đoàn 968) đánh nghi binh lừa địch ở phía bắc, trước hết nhằm vào Plây-cu làm cho địch tin rằng ta sẽ mở chiến dịch ở bắc Tây Nguyên. Đó là nghệ thuật nghi binh thần kỳ tạo và nắm thời cơ chiến lược chắc chắn. Trong khi đó, các đơn vị chủ lực bí mật di chuyển xuống nam Tây Nguyên (Sư đoàn 10 tiến về Đức Lập, Sư đoàn 320 đứng chân ở Tây Cẩm Ga). Sư đoàn 316 tiến vào Buôn Ma Thuột, tiếp đến Sư đoàn 3 Sao Vàng Quân khu 5 và Trung đoàn 95A đánh cắt đường 19, Sư đoàn 320 đánh cắt đường 14, Trung đoàn 25 cắt đường 21, tạo ra thế trận chia cắt địch về chiến lược và chiến dịch, làm cho các cụm quân địch bị cô lập, tách rời nhau, không chi viện được cho nhau, tạo thế trận cho nam Tây Nguyên tập trung đòn đánh vào Buôn Ma Thuột được thuận lợi. Nhờ đó, các mũi đánh chính kết hợp với mũi thọc sâu, vu hồi đã đánh bại địch một cách nhanh chóng, chiếm được thị xã Buôn Ma Thuột, hoàn thành trận then chốt thứ nhất.
Hình trận bao giờ cũng cần có lực lượng dự bị - đội dự bị để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, ta đã linh hoạt, chủ động sử dụng ngay Sư đoàn 10 về làm đội dự bị để sẵn sàng đánh địch phản kích. Sư đoàn 10 sau khi đánh Đức Lập xong, chuyển về Buôn Ma Thuột, vừa bố trí đón lõng đánh địch ở nơi ta dự kiến chúng sẽ đổ quân, vừa tiến công trong hành tiến nên đã đánh bại phản đột kích của Sư đoàn 23 ngụy hòng ứng cứu chiếm lại Buôn Ma Thuột, làm nên chiến thắng trong trận then chốt thứ hai.
Hai trận then chốt này đã tạo thành trận then chốt quyết định là giải phóng Buôn Ma Thuột một cách chắc chắn, địch không còn khả năng chiếm lại. Sau khi mất Buôn Ma Thuột và Sư đoàn 23 phản kích bị đánh bại, tất cả các thủ đoạn tác chiến, các hình thức chiến thuật của địch bị đánh bại ở Tây Nguyên, gây ra một sự đột biến về chiến dịch, tác động lớn đến chiến lược của địch, làm hoảng loạn về tư tưởng và thế bố trí chiến lược của địch; buộc địch phải rút lui để co cụm phòng ngự. Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu liền ra lệnh rút chạy khỏi Tây Nguyên. Do đó, tuy ta không đánh Plây-cu và Kon Tum nhưng hai tỉnh lỵ đó cũng được giải phóng. Khi quân địch rút chạy liền bị quân ta truy kích và đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Phản ứng dây chuyền đó tạo ra đột biến về chiến dịch. Chiến dịch đã thắng lợi lại càng thắng lợi hơn, thắng lợi một cách đột ngột, rất nhanh, tạo ra đột biến về chiến tranh.
Đại tá PGS, TS khoa học quân sự TRẦN NAM CHUÂN