Nghề thả đõ lươn

18/02/2014 08:50

Chân lấm tay bùn, lại phải đối mặt với hiểm nguy nhưng thả đõ lươn được nhiều người chọn để mưu sinh bởi mang lại thu nhập khá.




Ông Vũ Quang Xạ thả đõ lươn


Nghề “độc”

4 giờ chiều, ông Vũ Quang Xạ ở xã An Bình (Nam Sách), chất 40 đõ lươn lên xe máy vượt qua 20 km sang khu dân cư Kiệt Đoài của phường Văn An (Chí Linh) để thả đõ lươn. Sau khi gửi xe ở nhà người quen, ông vác đống đõ lươn, tìm tới các khu vực bụi rậm ở bờ ao để đặt đõ. “Lươn sống ở ao đầm, đồng ruộng nhiều bùn. Người đánh lươn phải nắm chắc tập tính này để đặt đõ. Muốn đánh được nhiều và lươn to, phải biết ao hồ chỗ nào có lươn cũng như vị trí nào tốt nhất để đặt đõ”, ông Xạ chia sẻ:

Ông Xạ lấy chiếc đõ đã được bỏ mồi, cài hom sẵn ở nhà đi xuống mép nước. Khi đặt, phần đầu đõ chứa hom được cắm xuống nước, phần cuối đõ được đặt nghiêng và nhô khỏi mặt nước. Ông giải thích: “Phải đặt đõ nhô lên để lươn vào ăn mồi có chỗ ngoi thở, không bị chết ngạt”. Sau khi đặt xong những đõ lươn ông Xạ lên xe trở về nhà.

Hôm sau, tờ mờ sáng, ông Xạ lại lên xe đến nơi đã đặt đõ tối qua để thu. Đến lúc mặt trời mọc số đõ lươn cũng được ông thu xong. Ông gom cả lại được khoảng 1 kg lươn, con to cỡ ngón tay cái, con nhỏ bằng chiếc đũa. Ông Xạ bảo: “Số lươn bắt được tùy từng hôm. Có bữa lươn đi ăn nhiều, có đõ dính 4-5 con. Nhưng có bữa trở giời xách đõ về không”. Ông Xạ mang lươn về đến nhà thì một phụ nữ đến cân lươn của ông cùng những người thả đõ lươn khác trong vùng mang đi giao cho các nhà hàng tại Hải Phòng và Quảng Ninh. Thời điểm này, lươn bé có giá 150 nghìn đồng/kg, lươn to khoảng 200 nghìn đồng/kg. Sau một đêm thả đõ ông Xạ thu được hơn 100 nghìn đồng.

Theo ông Xạ, cách làm đõ lươn không khó. Ngày trước đõ lươn làm bằng nứa, tre. Giờ đõ được cải tiến làm bằng ống nhựa. Nhưng đan hom thì không dễ và không phải ai cũng làm được. Bản thân ông cũng không đan được hom mà phải nhờ vợ. Chiếc hom đủ tiêu chuẩn phải vừa mềm, vừa khít, lươn chui vào dễ nhưng không thể bò ra. Mồi để bẫy lươn là giun cuốc ngoài vườn băm trộn với đất cho dẻo. Ngoài ra, mỗi thợ có những độc chiêu riêng trong cách chế mồi để dụ lươn.

Ông Xạ chỉ thả đõ lươn theo thời vụ. Riêng ông Nhung, em ruột ông Xạ thì thả đõ lươn quanh năm. Mỗi lần ông Nhung đi thả khoảng 60-70 ống. Có bữa trúng 7-8 kg lươn, thu về tiền triệu. Tính đến nay, ông Nhung đã có thâm niên trên 20 năm liên tục thả đõ lươn. Ở An Bình có nhiều người cũng làm nghề thả đõ lươn nhưng anh em ông Nhung, ông Xạ được xếp vào hàng “cao thủ”. Vào cuối năm, khi những người đánh đõ lươn khác phải chuyển nghề thì ông Nhung vẫn có lươn để bán cho lái buôn.

Hiểm họa rình rập

Nghề thả đõ lươn nom vậy cũng lắm hiểm họa rình rập. Chuyện bị giẫm vào gai, xước mảnh sành toạc da, chảy máu thì gặp như cơm bữa. Mối nguy hiểm nhất là rắn độc. Ông Xạ cho biết: “Khu vực thả đõ lươn thường là các bờ ao, bụi rậm nơi rắn độc ẩn náu. Để phòng rắn độc, trước khi chọn chỗ thả đõ, phải dùng gậy đánh động các bụi rậm cho rắn độc nếu có bỏ chạy. Ở chỗ hoang vu, người thả đõ lươn phải đi ủng cao su”. Người thả đõ lươn còn phải đối mặt với việc rắn độc chui vào đõ ăn mồi. Nếu không biết cách xử trí có thể mất mạng. Bà Nguyễn Thị Học, vợ ông Xạ nhớ lại: “Đằng nhà ngoại tôi cũng rất thạo nghề thả đõ lươn. Một lần, ông chú ruột tôi, lúc đó mới 20 tuổi, thả đõ lươn thấy con rắn chui vào ăn mồi và thò tay túm cổ quật chết thì bị nó cắn. Cứ nghĩ rắn nước, rắn mùng cắn qua loa nên chẳng đề phòng. Về nhà đến nửa buổi đau bụng, mới kể chuyện bị rắn cắn cho mọi người biết. Người nhà vội đi tìm xác con rắn xem thì hóa ra là rắn đen trắng, một loại rắn độc. Chú tôi được đưa ngay đến nhà thầy lang đắp lá nhưng cũng không qua khỏi”.

Theo ông Xạ, bị rắn độc cắn chỉ là chuyện hi hữu do người làm nghề sơ suất hoặc không có kỹ năng. Dạo mới thả đõ lươn, ông Xạ cũng bối rối khi gặp rắn độc. Có bữa gặp 3-4 con rắn độc vào đõ ăn mồi. Sau có kinh nghiệm, chỉ cần nhấc đõ lươn lên có thể biết trong đó có gì. Nếu xóc đõ thấy tiếng vẩy lạo xạo là rắn nước hoặc rắn mùng. Thấy động nhưng trôi êm là lươn vì chúng có lớp nhờn ngoài da. Còn mới nhấc đõ đã thấy tiếng động lịch xịch chắc chắn là rắn độc vì chúng hoảng loạn. Phát hiện rắn độc, không được đổ ngay mà lấy rơm, rạ hoặc lá cây nhét kín miệng hom phòng người không biết thò tay vào. Về nhà, cẩn thận mở hom, đổ rắn vào chiếc bao dứa rồi túm lại. Bình quân 500 nghìn đồng/kg rắn độc, thả đõ bắt được rắn độc cũng là gặp món hời.

Cho dù vất vả, chân lấm tay bùn, lại phải đối mặt với hiểm nguy nhưng mang lại thu nhập khá nên thả đõ lươn vẫn được nhiều người chọn để mưu sinh.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề thả đõ lươn