Trong bức tranh mạng xã hội của nghệ sĩ Việt gần đây, mảng màu tối có phần lấn át khiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải ra văn bản đề nghị chấn chỉnh.
Nghệ sĩ Xuân Bắc livestream bán nông sản của nông dân đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Ảnh: Facebook Xuân Bắc
Mấy ngày qua, dư luận ồn ào quanh những phát ngôn thô tục trên trang Facebook của NSƯT Đức Hải dẫn đến việc bị miễn nhiệm chức Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn.
Vải, mận hay tin giả, chửi tục?
Trước đó, thông tin nghệ sĩ sử dụng mạng xã hội theo chiều hướng tiêu cực xuất hiện liên tiếp cùng nhiều trường hợp nghệ sĩ bị phạt hoặc phải công khai xin lỗi.
Đầu tháng 6, NSND Hồng Vân gửi lời xin lỗi đến khán giả và thừa nhận đã thiếu sót trong việc kiểm tra sản phẩm khi quảng cáo trên mạng xã hội, dẫn đến việc khán giả hiểu nhầm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh.
Ngay sau đó, chiều 7.6 diễn viên Diệu Nhi "nối gót" Hồng Vân xin lỗi khán giả vì "nôn nóng" quảng cáo trên trang fanpage một loại thực phẩm chức năng giảm cân từng bị Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo không nên sử dụng.
Ngày 11.5, hàng loạt nghệ sĩ như Lê Dương Bảo Lâm, Kiều Minh Tuấn, Trần Nam Thư... đăng quảng cáo đồng tiền mã hóa FXT (vốn bị cho là liên quan đến tổ chức lừa đảo). Sau đó, một số nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi khán giả vì sự bất cẩn này.
Đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 trở thành mối đe dọa toàn cầu, Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng lại vô tình chia sẻ tin tức giả. Thậm chí, ca sĩ Hòa Minzy còn chia sẻ phát ngôn giả mạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Các nghệ sĩ này sau đó đã bị phạt vì đăng tải thông tin sai sự thật về dịch COVID-19.
Nhìn ở mảng màu tươi sáng, không ít nghệ sĩ vẫn đang dùng mạng xã hội tác động tích cực đến đời sống của nhiều người, đặc biệt những người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, bão lũ.
Trong một chương trình hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng dịch bệnh tiêu thụ sản phẩm do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số đơn vị tổ chức tối 8.6, NSƯT Xuân Bắc đã livestream bán được 100 tấn vải, 12 tấn mận, 800 - 900 trái bí đao cho nông dân.
Trên Facebook cá nhân, MC Quỳnh Hoa, Phó Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh cũng liên tục cập nhật hình ảnh, thông tin về hoạt động chung tay chống dịch mà cô và nhiều nghệ sĩ khác đang góp sức. Nhiều nghệ sĩ cũng kêu gọi cộng đồng cùng đóng góp vào Quỹ Vắc xin phòng chống COVID-19 bằng việc chia sẻ ảnh chụp màn hình quyên góp.
Xuân Bắc cho biết anh đang kêu gọi thêm nhiều nghệ sĩ cùng tham gia các livestream bán nông sản cho nông dân hiện đang rất khó khăn vì đại dịch.
Đó là mồ hôi công sức của cha mẹ, ông bà mình chứ ai. Chúng ta ai chả sinh ra từ làng" - Xuân Bắc chia sẻ giản dị và xúc động về những nỗ lực tôn vinh nông sản cho nông dân của mình, anh muốn tôn vinh chứ không phải "giải cứu" nông sản.
Quan tâm cái tốt, lan tỏa cái đẹp
Lý giải về việc nghệ sĩ Việt thời gian qua liên tục "vạ miệng" trên mạng xã hội, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành cho rằng xưa nay nổi tiếng dễ đi đôi với tai tiếng, nghệ sĩ quốc tế cũng có nhiều vụ vạ miệng.
Về trường hợp NSƯT Đức Hải, ông Thành cho rằng dù thế nào thì những lời lẽ đó xuất hiện trên trang cá nhân nên nghệ sĩ vẫn phải chịu trách nhiệm. Không riêng Đức Hải, nhiều trường hợp lùm xùm xảy ra trên mạng xã hội là do nghệ sĩ thiếu kỹ năng giao tiếp, ý thức, sự cẩn trọng.
Theo ông Thành, những người nổi tiếng đã nhận được rất nhiều sự ưu ái của xã hội thì cũng nên trả lại cho xã hội bằng nhiều việc làm có ích của mình cả ngoài đời lẫn trên mạng. Để làm được điều đó, nghệ sĩ phải học, học làm người nổi tiếng, học cách ứng xử với công chúng, học cách đáp lại những lời chỉ trích và học cách sử dụng mạng xã hội một cách văn minh.
Ở vị trí người nghệ sĩ, ca sĩ trẻ KICM cũng bày tỏ rằng mỗi nghệ sĩ cần tạo được ảnh hưởng tích cực đến khán thính giả của mình trước tiên bởi điều đó góp phần tạo nên bức tranh mạng xã hội tươi sáng, bớt sự u ám và những ảnh hưởng tiêu cực không đáng có.
"Chẳng hạn vừa qua, khi kêu gọi quyên góp cho Quỹ Vắc xin phòng COVID-19, tôi đơn thuần muốn lan tỏa hành động nhỏ bé này đến những khán giả thường xuyên theo dõi mình, đặt niềm tin vào mình, tôi hy vọng tiếp thêm động lực để chúng ta cùng nhau làm điều tốt đẹp cho cộng đồng" - ca sĩ trẻ KICM nói.
Đồng quan điểm, nghệ sĩ Xuân Bắc cho rằng với ảnh hưởng của mình, các nghệ sĩ nên sử dụng mạng xã hội để lan tỏa những điều tích cực, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Và để làm được điều này, nghệ sĩ phải tu dưỡng hằng ngày. Anh cũng kêu gọi khán giả văn minh nên dành sự quan tâm đến những điều tốt đẹp để nhân lên điều tốt, đẩy lùi cái xấu.
Là đại sứ thiện chí của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Xuân Bắc cho biết anh đang tiếp tục sử dụng mạng xã hội và sự ảnh hưởng của mình để kêu gọi xã hội chung tay chăm sóc cho 5.000 trẻ em đang phải cách ly và sắp tới sẽ là khoảng 42.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Trau dồi kiến thức và cần chín chắn hơn Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội hiện nay, việc xây dựng hình ảnh người nghệ sĩ trên mạng xã hội cần phải được chú trọng ngang bằng với việc xây dựng hình ảnh ngoài đời. Để làm được điều này thì cần năng lực, bao gồm thái độ, kiến thức và kỹ năng, nghĩa là phải học. Nghệ sĩ phải nghiêm túc và chín chắn hơn trên mạng xã hội. Muốn thành nghệ sĩ tài năng và đem đến nhiều lợi ích cho cộng đồng, nghệ sĩ phải đổ mồ hôi trên sàn diễn bao nhiêu thì cũng phải đổ bấy nhiêu mồ hôi trên... mạng bấy nhiêu. Nếu không trau dồi kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội thì người nghệ sĩ rất dễ nhận quả đắng. |
Theo Tuổi trẻ