"Lúc đó, tôi tưởng đã chết hoặc sẽ bị liệt nhưng may mắn là mọi thứ đã qua" – nghệ sĩ Thành Lộc cho biết.
Vừa qua, tại phần cuối chương trình Duyên phận tuần này, nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc đã chia sẻ về những hi sinh và thành quả đạt được trong sự nghiệp của mình.
Mạng xã hội làm thu nhập của tôi kém đi
Tôi nghĩ, công nghệ và mạng xã hội ngày nay là con dao hai lưỡi. Nó làm thu nhập của tôi kém đi vì người ta bây giờ thích xem Youtube, xem chùa trên mạng chứ ít chịu đến sân khấu.
Nhưng đồng thời, nó cũng tạo sự lan tỏa, đưa thông tin đi rất nhanh, tiếp cận với khán giả dễ dàng hơn. Từ đó, một số khán giả lý tưởng, chính chuyên của nghệ thuật biết được thông tin để đến sân khấu xem kịch.
Thành Lộc trong vở Tiên Nga
Chẳng hạn, thời điểm tôi dựng vở kịch lịch sử Tiên Nga, các gameshow giải trí, phim ảnh truyền hình chiếm lĩnh rất mạnh. Nghệ sĩ bỏ sân khấu rất nhiều để tham gia gameshow nhưng tôi vẫn liều lĩnh làm.
Và quả nhiên, nhờ mạng xã hội đưa tin nhanh nên khán giả biết tới vở kịch của tôi nhiều rồi ào đến xem. Tôi không ngờ khán giả lại đón nhận vở kịch đó nồng nhiệt đến thế, đặc biệt là khán giả trẻ.
Các em học sinh đến xem rất đông. Điều này chứng tỏ, một bộ phận khán giả yêu nghệ thuật vẫn thích đến sân khấu xem trình diễn.
Đó cũng là vở kịch tôi đầu tư dàn dựng với một số vốn lớn kinh khủng, trên 600 triệu, nhưng vẫn không bị lỗ. Tôi phải tái diễn vở kịch này đến 6 đợt trong 2 năm ròng rã, mỗi đợt là 20 tới 25 suất diễn.
Đây là một kỳ tích lớn tôi làm được, chưa có vở kịch nào tại Việt Nam lại được diễn với tần suất và kinh phí lớn đến thế, khiến tôi vô cùng mãn nguyện.
Đúng lúc đang diễn, tôi gặp tai nạn tuột tay khỏi dây và rơi xuống sàn
Tôi là một nghệ sĩ, nhưng cũng là một công dân nên phải biết quan tâm, đau đáu với số phận, vận mệnh của đất nước mình, không thể thờ ơ với điều này. Đó là lí do tôi dựng kịch lịch sử và đã thành công.
Mỗi khi dựng nên một vở kịch, một tác phẩm nào đó, tôi luôn phải nghĩ xem truyền tải giá trị gì vào đó. Khán giả không thể chỉ đến sân khấu giải trí rồi về. Nếu chỉ làm giải trí đơn thuần sẽ có người khác làm.
Nhưng nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là với những nghệ sĩ như chúng tôi, chúng tôi không chấp nhận việc làm nghệ thuật chỉ để giải trí, không bao giờ có thể như vậy được.
Chẳng hạn, khi dựng kịch về Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, tình yêu đôi lứa trong đó chỉ là một khía cạnh để người ta xem thôi nhưng chúng tôi phải hư cấu thêm để đề cao một nhân cách khác là lòng yêu nước, không phân biệt tầng lớp. Đã là người Việt Nam là phải có lòng yêu nước.
Nhờ đó mà vở kịch của tôi vinh dự nhận giải thưởng Văn học thành phố năm 2019 vừa qua.
Đây là một giải thưởng lớn, rất quan trọng, 5 năm mới trao một lần. Có rất nhiều tác phẩm sân khấu được lựa chọn nhưng chỉ riêng vở Tiên Nga được giải nhất tuyệt đối. Đó là thành quả lớn mà tôi có được trong sự nghiệp của mình.
Tôi là người luôn hết mình vì nghệ thuật, dù có phải xả thân đến thế nào đi chăng nữa. Tôi còn nhớ, trong vở Cậu bé rừng xanh, tôi đã không cần diễn viên đóng thế mà tự bay thật trên sân khấu với một sợi dây.
Đúng lúc đang diễn, tôi gặp tai nạn tuột tay khỏi dây và rơi xuống sàn, gãy dập 3 đốt xương cột sống cùng nhiều vị trí quan trọng trên cơ thể. Lúc đó, tôi tưởng đã chết hoặc sẽ bị liệt nhưng may mắn là mọi thứ đã qua.
Theo Gia đình