Những ngày qua, loạt nghệ sĩ quảng cáo tiền ảo và các sản phẩm không rõ nguồn gốc, công dụng đã bị phản ứng. Nhưng liệu lời xin lỗi có đủ hay cần hình phạt?
Quảng cáo tràn lan, bất chấp công dụng, chất lượng
Việc nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm vốn là chuyện thường nhật, nhưng trước là các thương hiệu nổi tiếng, quen thuộc với người tiêu dùng. Giờ để thích ứng với thời đại 4.0, việc quảng cáo không chỉ giới hạn ở truyền hình, nay được chuyển sang mạng xã hội như Facebook, TikTok hay nền tảng trực tuyến là YouTube…
Thế nhưng, khi việc quảng cáo thông qua các công nghệ này gần như khó kiểm soát hơn. Trước đây, các nghệ sĩ như Quyền Linh, Vân Dung, Quang Thắng, Đan Trường... quảng cáo thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo, ung thư dạ dày, u xơ, u nang, viêm họng... Nhưng bị phàn nàn sản phẩm không đủ chất lượng, hoặc “làm quá” lên.
Lê Dương Bảo Lâm, Lê Giang… cũng từng quảng bá về kem trộn, thuốc giảm cân… khi các sản phẩm này chưa được kiểm chứng nguồn gốc.
Gần đây trên mạng xã hội, Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn, Nam Thư, Lê Dương Bảo Lâm… đồng loạt đăng tải bài viết về tiền ảo. Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19 làm đảo lộn đời sống của đám đông thì việc các nghệ sĩ bỗng quảng cáo về tiền điện tử trong khi bản thân họ không phải các chuyên gia tài chính, đã vấp phải phản ứng quyết liệt của dư luận.
Đám đông bày tỏ sự tức giận khi cho rằng tiền crypto mà các tên tuổi kể trên quảng bá vốn không có nguồn gốc rõ ràng. Trong khi đó, việc các nghệ sĩ, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng đến đám đông nên việc quảng bá này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến những người không đủ hiểu biết về tiền ảo.
Xin lỗi hay cần xử phạt nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật?
Trước sự việc trên, Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Hồ Chí Minh gửi công văn nêu tình trạng một số nghệ sĩ ở TP Hồ Chí Minh giới thiệu, quảng cáo trái luật một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, tiền ảo..., có thể gây ảnh hưởng sức khỏe và tài sản người tiêu dùng.
Tuy nhiên, lời xin lỗi chưa đủ xoa dịu dư luận. Một bình luận tỏ ý gay gắt: “Tôi yêu cầu tất cả mọi sản phẩm khi ai đó nhất là nghệ sĩ đứng ra quảng bá sản phẩm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật khi xảy ra bất cứ gì cho người tiêu dùng, không thể xin lỗi là xong.
Trong khi người quảng cáo sản phẩm thu lợi cho cá nhân, còn nếu sản phẩm gây hậu quả xấu hoặc nghiêm trọng dẫn đến chết người hoặc người dùng bị di chứng thì nhà sản xuất và người quảng cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đã đến lúc các cơ quan luật pháp cùng ban nghành phải vào cuộc trước là làm tôn nghiêm luật pháp sau nữa để răn đe người quảng cáo vì tư lợi cá nhân mà quên đi trách nhiệm với người tiêu dùng”.
Ý kiến khác tán đồng: “Tôi thấy việc này phải ngăn chặn từ rất lâu rồi mới đúng! Rõ ràng vi phạm pháp luật, lợi dụng sự nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm không đúng với thực tế! Đó là một cách tiếp tay với kẻ xấu lừa đảo người tiêu dùng. Các nghệ sỹ vì hám lợi mà bất chấp đúng sai, hành đồng này đáng bị coi thường và trừng trị bằng pháp luật”.
Người khác lại bày tỏ ý kiến: “Nên thành lập hội nghề nghiệp diễn xuất nghệ thuật, có cấp chứng chỉ hành nghề mã số để quản lý và thu thuế. Nếu công nhận nghệ sĩ là nghề thì bắt buộc phải gia nhập hội nghề nghiệp có tổ chức hẳn hoi”.
Theo Thể thao & Văn hóa