“Tôi say mê tiếng đàn bầu khi nghe radio và bắt đầu bén duyên với cây đàn bầu từ khi 15 tuổi cho đến tận bây giờ”. Đó là tâm sự của cụ Phạm Văn Tiếp (80 tuổi ở thôn Bùi Xá, xã Lê Lợi, Gia Lộc).
Cụ Tiếp gắn bó với cây đàn bầu hơn 60 năm qua
Không ngủ vì tiếng đàn
Cụ Tiếp cho biết những năm 50 của thế kỷ trước, không có ti vi, cụ chỉ được nghe các chương trình văn nghệ, thời sự qua đài phát thanh của thôn, xã và chiếc radio của nhà. Một buổi tối, trong không gian tĩnh mịch, cụ nghe được bản nhạc có tiếng đàn bầu thánh thót, âm thanh mộc mạc, mượt mà, da diết, luyến lưu… nên cả đêm không ngủ được.
Qua hỏi han những người lớn tuổi và bằng trí tưởng tượng của mình, cụ Tiếp đã tự mày mò làm riêng cho mình 1 cây đàn bầu. Thân đàn làm bằng cây tre, dây đàn bằng dây phanh xe đạp, bầu cộng hưởng làm bằng ống bơ. Chiếc đàn đầu tiên thô sơ nhưng lại là kỷ niệm cụ nhớ mãi không bao giờ quên. Cho đến giờ, cụ Tiếp không nhớ mình đã làm bao nhiêu chiếc đàn bầu.
Có thời gian rảnh rỗi là cụ mày mò, học gẩy đàn. Cụ còn nhớ những trưa hè trốn ngủ mang đàn đi chơi cùng lũ bạn trong làng.
Năm 1960, cụ Tiếp vào làm công nhân Nhà máy Sứ Hải Dương. Với lợi thế chơi được đàn bầu, cụ được vào đội văn nghệ của nhà máy. Ở đây, tiếng đàn của cụ càng được tôi luyện, trau truốt. Cụ Tiếp cho biết thời gian làm trong nhà máy đội văn nghệ đi hội diễn, giao lưu khắp nơi. Từ mỏ cao lanh ở Chí Linh, Nhà máy Len Hải Phòng đến Nhà Hát lớn Hà Nội…
Cụ tự hào khi kể lần được gặp Bác Hồ. Đó là năm 1962, khi Bác Hồ về thăm Nhà máy Sứ Hải Dương. Đội văn nghệ được tập luyện trước đó hàng tuần để đón Bác nhưng về đến nhà máy Bác không đi cổng chính để vào phòng tiếp đón mà đi cổng phụ. Bác đi thẳng vào xem khu nhà ăn, nhà vệ sinh và khu xưởng sản xuất. Lúc đó, cụ Tiếp làm trong Ban Chấp hành Đoàn thanh niên nên được tiếp cận gần Bác. Cụ kể bước đi của Bác rất dài và nhanh. Cụ nhớ mãi câu Bác hỏi “Trên đời này cái gì quý giá nhất?” mà không ai trả lời được.
Thời gian trôi đi. Cụ nhớ những những năm 1969-1972, khi đó có phong trào "tiếng hát át tiếng bom" rất sôi nổi. Đội văn nghệ của nhà máy được giao nhiệm vụ biểu diễn ở nhiều nơi phải đào phá bom hoặc dọn dẹp trận địa… Nhớ thời gian ở khu vực trụ sở UBND tỉnh ngày nay, khi các chiến sĩ đang đào bom nổ chậm thì đội văn nghệ của nhà máy được điều động đến biểu diễn động viên tinh thần các chiến sĩ. Tiếng xẻng, tiếng cuốc hòa lẫn tiếng hát, tiếng đàn giúp cho các chiến sĩ quên đi mệt nhọc để hoàn thành nhiệm vụ.
Đến năm 1982, cụ Tiếp về nghỉ chế độ. Cây đàn bầu đã gắn bó với cụ hàng chục năm qua cho đến tận bây giờ cụ vẫn còn mê đắm, coi như người bạn tri kỷ để gửi gắm những niềm vui nỗi buồn.
Ngoài đàn bầu, cụ Tiếp còn chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc khác
Gìn giữ văn hóa dân tộc
Theo ông Phạm Văn Bộ, công chức văn hóa – xã hội xã Lê Lợi, cụ Tiếp là người rất say mê đàn bầu và nhiệt tình với phong trào của địa phương. Trong xã chỉ còn duy nhất cụ đam mê chơi đàn bầu đến vậy. Những năm 2004 – 2011, cụ Tiếp là thành viên cốt cán của đoàn văn nghệ chuyên đi biểu diễn cho phường múa rối nước Bùi Thượng.
Cụ Tiếp kể cứ tháng 4 mỗi năm, cụ lại đi xe máy lên Hà Nội để chơi đàn bầu cho phường múa rối nước Bùi Thượng biểu diễn. Rất nhiều khách nước ngoài đến chụp ảnh và nghe cụ đàn. Cụ vinh dự vì đưa được tiếng đàn bầu quê hương đến công chúng và du khách nước ngoài.
Sau này sức khỏe yếu nên cụ không đi lại được nhiều. Trong làng, xã có bất cứ sự kiện văn hóa nào, cụ đều tham gia. Cụ còn nhiệt tình tham gia các câu lạc bộ văn nghệ của thôn, thường xuyên chơi đàn trong các buổi biểu diễn văn nghệ, góp phần xây dựng phong trào văn hóa của địa phương.
Ngoài đàn bầu, cụ Tiếp còn chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc khác như đàn nhị, tam, nguyệt…
Cụ chỉ tiếc là trong nhà cụ không có ai kế cận chơi đàn được. Có cháu nội cũng đánh được đàn bầu từ khi còn học THCS, thậm chí còn đạt giải của huyện nhưng khi cháu lớn lên cũng không chơi nữa.
“Tôi rất trăn trở vì không có người kế cận chơi nhạc cụ này. Chỉ mong có người yêu thích đàn bầu là tôi truyền dạy không quản thời gian, công sức”, cụ Tiếp chia sẻ.
THẾ ANH