Nhiếp ảnh với Hoàng Hiệp như món ăn hằng ngày. Với chiếc máy ảnh, anh như một đầu bếp tài hoa, biến hóa những chất liệu đơn thuần thành những món cao lương. "Bình yên Trường Sa" - triển lãm ảnh nghệ thuật đầu tiên về biển đảo tại Hải Dương của anh vừa kết thúc cách đây ít ngày, là một món ăn như thế!
Tổ quốc nhìn từ biển
"Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa/ Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc/ Các con nằm thao thức phía Trường Sơn/ Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả/ Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn...”. Những vần thơ trong "Tổ quốc nhìn từ biển" của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến được Hoàng Hiệp đọc lên tại lễ khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật "Bình yên Trường Sa" khiến cả khán phòng yên lặng.
Hàng trăm người trong khán phòng hôm ấy có rất nhiều người chưa từng được đặt chân lên những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, song ai cũng như đang được ở Đá Nam, Đá Thị, Đá Tây, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa Lớn... khi được xem trọn 100 bức ảnh tại triển lãm "Bình yên Trường Sa".
100 bức ảnh cỡ lớn được Hoàng Hiệp chọn lựa kỹ lưỡng từ hàng nghìn bức ảnh về Trường Sa trong chuyến anh cùng đoàn của Bộ Tư lệnh Hải quân thăm các đảo và Nhà giàn DK1/19. Lần đầu tiên đến với vùng trời, vùng biển Trường Sa - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, với Hoàng Hiệp - một nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn đau đáu với nghề, thì đó là những xúc cảm thật đặc biệt.
"Báo thức toàn tàu. Toàn tàu báo thức. Báo thức toàn tàu. Toàn tàu báo thức" - những âm thanh quen thuộc, lặp đi lặp lại trên hải trình Trường Sa vang lên vào mỗi sớm. Hoàng Hiệp choàng tỉnh, anh với tay cầm máy ảnh như một thói quen và leo lên boong. Trước mặt là mênh mông trời nước. Bình minh lên, mặt biển dát vàng óng ánh. Phía xa xa kia, đảo Đá Thị với 2 khối nhà vững chắc, cũng khoác lên mình một màu vàng ruộm như vừa trồi lên từ biển. Trên sóng nước, xuồng cao su của các chiến sĩ hải quân từ Đá Thị cắm cờ Tổ quốc đỏ tươi phần phật rẽ sóng đến tàu lớn đón khách vào thăm. Bất giác anh giơ máy ảnh để chụp gọn khoảnh khắc ấy. Bức ảnh "Bình yên Trường Sa", cũng là tên triển lãm ra đời.
Bức ảnh ấy đã chiếm trọn mọi ánh nhìn tại triển lãm, bởi những ẩn ý của người nghệ sĩ, bởi màu sắc nghệ thuật và hơn cả là Trường Sa bình yên quá. Dù Đá Thị cách đất liền nhiều ngày di chuyển, song ai cũng thấy rõ "Đảo là nhà, biển cả là quê hương".
Còn nhớ hôm đến Đá Tây thì trời sập tối. Biển trời một màu đen kịt, nhưng Đá Tây lấp lánh, sáng lòa anh điện. Hoàng Hiệp kể, những chiến sĩ trẻ măng, đen nhẻm và cường tráng cười khoe hàm răng trắng lấp lánh chào đón khách từ đất liền đến, bất giác làm anh cay khóe mắt. Những chiến sĩ bằng tuổi con, tuổi cháu của anh, đang sống cách đất liền hàng nghìn hải lý, chấp nhận hy sinh tình riêng và có khi cả tình yêu của tuổi mới lớn để cùng nhau chắc tay súng giữ chắc vùng trời, vùng biển. "Đấy là hình ảnh mình ấn tượng và là cảm xúc mạnh mẽ nhất, không chỉ trong suốt chuyến đi, mà mãi mãi sau này", nghệ sĩ Hoàng Hiệp nói với tôi như thế.
Những khoảnh khắc làm nên "Bình yên Trường Sa"
100 bức ảnh tại triển lãm không được Hoàng Hiệp quá chú trọng đặt tên, bởi những khung hình sống động, chân thực, ấn tượng của cảnh sắc biển trời, những oai hùng, kiên gan của các chiến sĩ Trường Sa trong đó còn hơn cả tựa đề.
"Tiếp nối" là một trong những bức ảnh chiếm trọn cảm tình của người xem. Một người lính già đeo quân hàm cấp tướng bắt chặt tay một người lính trẻ. Tay trái của ông đặt lên vai người lính đó, đôi mắt nhìn thẳng như một người chỉ huy giao nhiệm vụ, nhưng ân cần như một người ông dặn dò con cháu. Bức ảnh này được Hoàng Hiệp chụp ở Đá Nam mà không hề sắp đặt. Với Hoàng Hiệp, trong nhiếp ảnh, khoảnh khắc chiếm trọn điều muốn nói, chỉ trong một phần trăm giây có thể làm nên một bức ảnh hay.
Hôm ở triển lãm, Thiếu tướng Lưu Xuân Cải - nguyên mẫu trong bức ảnh "Tiếp nối" nói với tôi:
- Tớ không biết Hoàng Hiệp chụp ảnh này. Lúc lên tàu, cậu ấy bỏ máy ảnh ra đưa cho tớ xem thì mới biết. Và tớ càng không biết bức ảnh đó được Hoàng Hiệp treo ở triển lãm ngay gian thứ nhất.
Là một sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Lưu Xuân Cải nguyên là Phó Tham mưu Trưởng Quân khu 3, nay ông là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hải Phòng. Từng là một người lính dày dạn, nhưng đây là lần đầu tiên ông đến với Trường Sa, kể từ khi Quần đảo được giải phóng ngày 29/4/1975. Ông cho biết, mình cũng từng đến vùng biển Trường Sa, nhưng vào thời kỳ chống Mỹ. Bây giờ Trường Sa đã nguyên vẹn hình hài của một chàng trai cường tráng và gan góc. Qua những bức ảnh của Hoàng Hiệp sẽ thấy điều đó. Ông kể tiếp:
- Cái "thằng bé" trong bức ảnh đó tớ không biết nó tên gì. Lúc ấy tớ vẫy ra, nó khép nép lại gần nói "chào ông". Chắc nó thấy mình đeo hàm tướng nên hãi quá!
Nói rồi ông cười hiền hậu, nhưng ánh mắt rưng rưng. Ông dùng từ "thằng bé" như cách của một người ông vẫn gọi về đứa cháu yêu quý của mình.
- "Thằng bé" đó hiền, nhưng mắt sáng quắc. Mà phải sáng quắc từ mắt cho đến bản lĩnh mới trụ ở đây được. Nói nó hiền là vì lúc thấy một chị trong đoàn, nó tiến đến bảo, cô cho cháu ôm một cái, cho cháu đỡ nhớ mẹ!
Trường Sa bây giờ khá hơn rồi, song vẫn còn gian nan lắm. Gian nan, nhưng tại sao Hoàng Hiệp lại đặt tên triển lãm là "Bình yên Trường Sa"? Có phải vì nghệ sĩ mong muốn vùng trời, vùng biển của Tổ quốc luôn được bình yên trước mọi sóng gió?
Trở lại với Hoàng Hiệp, bên ly cà phê sóng sánh, anh kể với tôi, từ lúc đăng ký đến lúc được đi Trường Sa khoảng hơn 1 tháng. Đến với Trường Sa là mong ước của bao người, nhất là với một nghệ sĩ nhiếp ảnh như anh. Bởi vậy, anh đã phải chuẩn bị kỹ càng về thể lực và máy móc. Thế nhưng sau chuyến đi, về nhà, bà xã bắt đứng lên cân thì sụt mất 3 cân rưỡi. Nhưng không sao, bộ ảnh Trường Sa và triển lãm vừa rồi là thành quả mà anh sẵn sàng đánh đổi bất cứ điều gì. Đây cũng là lần tác nghiệp khó khăn nhất trong cuộc đời sáng tác của anh.
Để có những bức ảnh miêu tả đặc sắc biển trời Tổ quốc và hình tượng người chiến sĩ ngày đêm ôm súng, mắt căng hướng biển, dưới mưa, dưới nắng, Hoàng Hiệp đã có nhiều góc nhìn độc đáo để mang đến cho công chúng những cái nhìn chân thực nhất. Bức "Khắc ghi lời cha ông" treo trong triển lãm, anh kể, đó là một bức ảnh anh ưng ý. Bức ảnh chụp phiến đá lớn khắc bài thơ thần của Lý Thường Kiệt ở Trường Sa Lớn. "Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời". Hoàng Hiệp nói, đứng ở Trường Sa Lớn, đọc những câu thơ đã nằm lòng từ bé, lại thấy khí thế ngút trời của những Chi Lăng, Bạch Đằng lịch sử khi xưa đang ngự trị ở dải đất nằm giữa biển trời này. Sau chuyến đi, "Khắc ghi lời cha ông" là 1 trong 50 bức ảnh phóng cỡ lớn được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tặng Quân chủng Hải quân, trong loạt ảnh về biển đảo sáng tác ở giai đoạn 2018 - 2023.
Một nghệ sĩ không qua trường lớp
Hoàng Hiệp (sinh năm 1964) tự nhận là một người đi sau trong lĩnh vực nhiếp ảnh, vì đến năm 22 tuổi mới lần đầu cầm máy, anh cũng sinh ra trong một gia đình ở Ngọc Sơn (TP Hải Dương) không ai làm nghệ thuật.
Từ thời biết đến nghệ thuật nhiếp ảnh, được sở hữu một chiếc máy ảnh là ám ảnh dai dẳng của anh. Mãi đến năm 1986, lần đầu tiên anh có một chiếc Praktica cũ trị giá 2 chỉ vàng - tài sản rất lớn khi đất nước vừa qua thời bao cấp. Tự học, tự hỏi những người đi trước, dần dà Hoàng Hiệp đã sở hữu được kỹ thuật tráng rửa, bố cục, ánh sáng và đi sâu hơn vào con đường nghệ thuật.
Thời đó, Hoàng Hiệp làm việc tại Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, chỉ hết giờ làm mới được cầm máy ảnh. Ban đầu, những bức ảnh của anh chỉ xoay quanh công việc của những công nhân bên dây chuyền sản xuất, những người nông dân bên cánh đồng xanh mướt, hay cụ già bán hàng rong sáng sáng quẩy hàng qua ngõ... Vậy nhưng, những bức ảnh đời thường ấy đã làm nên một Hoàng Hiệp với những sáng tác gần gũi cuộc sống hằng ngày.
Bức ảnh đầu tiên của anh được biết đến là "Trên cánh đồng Minh Tân", giải ba Triển lãm ảnh "Đất và người Kinh Môn". Trong ảnh là một người nông dân đang cày bừa. Xa xa là Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch với ống khói như một cánh tay rắn chắc vươn lên bầu trời vào một sớm tinh sương.
Giải thưởng nhỏ đầu tiên ấy đã thôi thúc, như một lời khích lệ để anh dấn thân vào đam mê nhiếp ảnh. Đến bây giờ, Hoàng Hiệp đã có hàng nghìn tác phẩm được biết đến và nhiều giải thưởng uy tín. Nhưng còn nhiều sáng tác Hoàng Hiệp vẫn "găm". Hoàng Hiệp tiết lộ, ngoài "Bình yên Trường Sa", chắc chắn anh còn những triển lãm cá nhân khác. Trước tiên có thể là "Đảo Cò" với hàng trăm bức ảnh anh tích lũy từ nhiều năm trước.
- Đảo Cò giống như một báu vật, không phải của riêng xã Chi Lăng Nam, không phải của riêng Thanh Miện, mà là chung của cả Hải Dương. Trong hàng trăm bức ảnh ấy, có những ảnh xác cò rách rưới, thõng thượt trên cành tre, xót xa lắm. Vì thế phải giữ bằng được Đảo Cò. Triển lãm sẽ mang cả ý tưởng đó, chứ không chỉ nói về vẻ đẹp của thiên nhiên - Hoàng Hiệp nói.
Không chỉ có những sáng tác về Hải Dương, Hoàng Hiệp đã vươn xa và được công chúng yêu nhiếp ảnh trong nước công nhận. Năm 2018, nhân 45 năm Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao, anh cùng 2 nhiếp ảnh gia người Nhật Bản và Pháp có triển lãm về đất nước, con người Nhật Bản, Việt Nam. Để có những bức ảnh treo tại triển lãm đó, Hoàng Hiệp đã 2 lần sang Nhật Bản để có được những khoảnh khắc lá chuyển vàng và hoa anh đào rực rỡ. Ảnh của anh cũng được in trong sách của Suwon (Hàn Quốc) - thành phố kết nghĩa với tỉnh Hải Dương.
Với Hoàng Hiệp, nhiếp ảnh như một cuộc dạo chơi!
TIẾN HUY