Nghề quay vịt ở Thanh Tảo

29/09/2014 02:31

Nghề này đã giúp nhiều hộ có đời sống sung túc, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong thôn...



Mỗi ngày, vợ chồng chị Miện bán được hơn chục con vịt quay, thu lãi khoảng 200 - 300 nghìn đồng


Hằng ngày, các hộ làm nghề quay vịt ở thôn Thanh Tảo, xã Lê Lợi (Chí Linh) đi khắp các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ... để làm nghề. Nghề này đã giúp nhiều hộ có đời sống sung túc, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong thôn.

Đi sớm, về khuya

Mới 4 giờ sáng, vợ chồng anh Hoàng Văn Chúc, chị Trần Thị Miện, xóm Chùa Đậu đã trở dậy làm việc. Anh Chúc đi mua vịt để gối cho hôm sau. Hôm nào các gia đình trong thôn, trong xã có vịt bán, anh Chúc không phải đi xa thì đỡ vất vả, còn những khi phải sang tận Bắc Giang, Bắc Ninh để mua vịt, anh phải dậy sớm hơn.

Thường đến 8 giờ sáng, anh Chúc trở về với một lồng vịt đầy rồi thả ra khu chăn nuôi. Trong thời gian anh đi mua vịt, chị Miện ở nhà đun nước, cắt tiết vịt, làm lông. Vì số lượng vịt giết mổ nhiều, một mình làm không xuể nên chị phải thuê và nhờ một số người hàng xóm sang làm giúp. Sau khi vặt lông, mổ, rửa sạch sẽ, chị Miện mới xếp từng con vịt vào trong hộp xốp đá, rồi bọc kín. Chuẩn bị xong, chị Miện nấu cơm ăn và tranh thủ nghỉ trưa. Đến 2 giờ chiều, anh chị chở nhau đi Đông Triều (Quảng Ninh) để quay vịt bán đến 7 giờ tối, có hôm 8 - 9 giờ đêm mới về đến nhà.

Đã 3 năm nay, vợ chồng anh chị Chúc, Miện đều bắt đầu và kết thúc chu trình của một ngày làm việc như thế. Trước khi làm nghề quay vịt, anh Chúc là thợ xây, còn chị Miện làm ruộng, những lúc rỗi việc chị cũng đi phụ xây với chồng. Tuy làm thợ xây ngày công khá cao nhưng công việc không đều, lại hay bị nợ tiền công nên cuộc sống cũng khá khó khăn. Lúc này, được anh em trong gia đình dạy nghề quay vịt, vợ chồng anh chị đã bỏ nghề xây để chuyển sang quay vịt. Để làm nghề quay vịt, vợ chồng anh Chúc đã đầu tư khoảng 20 triệu đồng để mua máy quay vịt, tủ lạnh và vốn để mua vịt và các phụ liệu khác. Những ngày đầu làm nghề, do chưa có kinh nghiệm, ít khách hàng nên vợ chồng anh không dám quay nhiều, chỉ độ 3 - 4 con/ngày. Khi đã quen khách hàng, có uy tín, anh chị mới tăng dần số lượng vịt quay bán trong ngày. Đến nay, mỗi ngày vợ chồng anh chị bán được hơn chục con vịt quay trở lên.

“Làm nghề này công việc đều đặn, nhẹ nhàng, không nặng nhọc như nghề thợ xây nhưng mất nhiều thời gian, vì vậy đòi hỏi người làm nghề phải chăm chỉ dậy sớm, đi nhiều và về khuya. Như nhà tôi đi quay vịt ở Đông Triều còn gần, chứ nhiều hộ khác phải đi quay vịt tận Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc...  thì phải 9 - 10 giờ đêm mới về đến nhà. Được cái nghề này cho thu nhập cao, “tiền tươi thóc thật” nên thu hút nhiều hộ trong làng theo nghề này”, chị Miện cho biết.

“Quay” ra tiền

Nghề quay vịt ở Thanh Tảo có từ 5 năm trước do anh Trần Văn Thưởng, con ông Trần Văn Thành xóm Cánh Gà đưa về. Từ đó, bố con ông Thành chú tâm theo nghề này. Ngoài bán vịt quay, bố con ông còn làm thêm các việc khác như đốt củi lấy than hoa, lấy lá mắc mật... để bán cho các gia đình làm nghề trong thôn nên thu nhập càng nhiều hơn. Thấy làm nghề này cho thu nhập cao nên bố con ông Thành đã truyền nghề cho nhiều anh em họ hàng. Dần dần, người nọ truyền nghề cho người kia, đến nay nghề quay vịt đã phát triển rộng trong toàn thôn. Ông Lương Ngọc Vận, Phó Trưởng thôn Thanh Tảo cho biết: “Thôn Thanh Tảo có 356 hộ, trong đó có hơn 100 hộ làm nghề quay vịt".

Mặc dù nghề này mới phát triển ở Thanh Tảo được ít năm nhưng sản phẩm vịt quay của các hộ làm nghề đã sớm chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng thực phẩm khắp trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố lân cận. Trong quá trình làm nghề, mỗi hộ đều rút ra cho mình bí quyết, kinh nghiệm riêng trong nghề để hấp dẫn khách hàng. Đặc biệt sản phẩm vịt quay của Thanh Tảo hoàn toàn tự nhiên không quét phẩm màu như những nơi bán vịt quay khác. Các hộ làm nghề còn dựa vào nhiều yếu tố như giữ nhiệt đều, quay đều, tẩm ướp gia vị, nước chấm có vị riêng nên được thực khách rất ưa chuộng. Nói như ông Trần Văn Thành, sản phẩm vịt quay của các hộ làm nghề ở Thanh Tảo đều “đánh bật” những sản phẩm vịt quay ở nơi khác.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết mỗi hộ làm nghề sẽ lãi từ 20 - 30 nghìn đồng/con. “Mỗi ngày các hộ làm nghề trong thôn tiêu thụ ra thị trường từ 1.500 - 2.000 con vịt quay, thu lãi từ 45 - 60 triệu đồng, thậm chí có hôm dòng tiền đổ về thôn từ nghề quay vịt đạt khoảng 100 triệu đồng. Mỗi tháng, tổng số tiền lãi được khoảng 1,8 tỷ đồng. Đây là nguồn thu cao hơn nhiều so với các công việc, ngành nghề khác. Nghề này còn góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong thôn. Bình quân mỗi hộ có từ 2 đến 5 lao động làm nghề này. Nghề quay vịt cũng thúc đẩy nhiều ngành nghề phụ trợ phát triển ở Thanh Tảo. Hiện nay, trong thôn, trong xã có hàng chục hộ phát triển chăn nuôi vịt, một số hộ làm nghề vận tải, cơ khí để cung cấp nguyên liệu, máy móc, sản phẩm cho các hộ làm nghề quay vịt.

Nghề quay vịt phát triển đã giúp đời sống các hộ dân ở Thanh Tảo được nâng lên rõ rệt, nhiều gia đình đã xây được nhà mái bằng, cao tầng hiện đại, có cuộc sống sung túc, đủ đầy.

VIỆT CƯỜNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề quay vịt ở Thanh Tảo