Nghề nuôi trâu đàn

20/09/2014 17:27

Người dân hiện nay nuôi trâu không dùng để lấy sức kéo mà để lấy thịt...




Ông Hoàng Công Mười ở khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa (Chí Linh)
thu khoảng 150 triệu đồng mỗi năm


Tận dụng đất bỏ hoang

Khu công nghiệp Cộng Hòa (Chí Linh) có diện tích 700 ha do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam làm chủ đầu tư được khởi công cách đây vài năm. Qua thời gian, đến nay khu công nghiệp vẫn là một vùng đất bạt ngàn cỏ mọc. Nơi đây đã trở thành khu vực lý tưởng để người dân địa phương chăn thả trâu, bò. Đi sâu vào đây, chúng tôi gặp những đàn trâu to béo hàng trăm con đang chậm rãi gặm cỏ. Khi đã no nê, chúng tìm đến những khu có nước để tắm đẵm. Sự xuất hiện của bầy trâu trên vùng đất dành cho công nghiệp gợi cho chúng tôi không ít tò mò.

“Ngôi nhà này gia đình tôi làm được cũng nhờ trâu cả. Riêng nền nhà và trần nhà là tròn 2 con trâu".
Một trong những chủ nhân của bầy trâu là ông Hoàng Công Mười ở khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa (Chí Linh). Gương mặt sạm đen vì nắng gió, ông Mười lùa bầy trâu ra bãi cỏ xanh cạnh đầm nước rồi trở lại mời chúng tôi vào chiếc lán dựng tạm bằng mấy cây tre phủ bạt dứa. Đây là lán trại ông và những người chăn trâu dựng lên để nghỉ ngơi trong ngày. Ông Mười cho biết, từ năm 1997 ông đã bắt đầu chăn trâu, bò đàn trên đất Quảng Ninh. Năm 2009 thì ông bán bò đưa trâu về chăn thả ở quê nhà, lúc đầu cũng chỉ chăn vài cặp. Khi khu công nghiệp được thành lập, gia đình đã tận dụng đó làm bãi chăn thả nên phát triển số lượng. Hiện đàn trâu của gia đình ông Mười có tổng số 32 con. Cùng chăn thả chung với ông Mười còn có anh Nguyễn Văn Quỳnh ở khu dân cư Đọ Xá, phường Hoàng Tân (Chí Linh) với 14 con. Anh Quỳnh cũng đã có thâm niên chăn thả trâu đàn ở đây 7 năm.

Theo ông Mười, mấy năm gần đây, phong trào nuôi trâu hàng hóa đang lan rộng ở khu dân cư Cầu Dòng (phường Cộng Hòa) và khu dân cư Đọ Xá (phường Hoàng Tân). Nhà ít nuôi vài ba con, nhà nhiều hàng chục con. Tính ra hiện khu dân cư Cầu Dòng có khoảng 20 hộ chăn với trên 70 con, khu dân cư Đọ Xá có khoảng 10 hộ nuôi với trên 60 con. Để tiết kiệm nhân lực, các gia đình có trâu đã hợp lại thành đàn vài chục con chăn thả tập trung. Tùy theo số lượng trâu mà mỗi người chịu trách nhiệm chăn thả một hoặc vài buổi trong tháng. Đến phiên của ai, sáng người đó có trách nhiệm lùa trâu đi, buổi tối có trách nhiệm lùa trâu về giao lại cho các gia đình.

“Phất” lên từ trâu

Ông Nguyễn Văn Ân ở khu dân cư Đọ Xá (phường Hoàng Tân) có 6 con trâu nái cùng 2 trâu thịt. Ông Ân cũng chính là người đề xuất cách chăn thả trâu tập trung, tiết kiệm nhân công đáng kể. Hiện ông Ân đang chăn thả tập trung với gần chục hộ khác trong khu dân cư và là nhóm trưởng. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông Ân đảm nhiệm 4 phiên chăn thả. Ông Ân cho biết, nguồn tiêu thụ trâu của bà con là bán cho các thương lái giết mổ lấy thịt hoặc bán cho các gia đình có nhu cầu gây trâu nái. Từ việc chăn nuôi trâu hàng hóa, những người nông dân đã có được thu nhập đáng kể, nhiều gia đình đã trở nên khấm khá.

Trung bình mỗi năm, ông Ân xuất bán ra thị trường 5-6 con trâu. Với giá dao động từ 15-20 triệu đồng/con, mỗi năm ông Ân thu về gần 100 triệu đồng. Chỉ cho tôi ngôi nhà tầng khang trang của cậu con trai, ông Ân khoe: “Ngôi nhà này gia đình tôi làm được cũng nhờ trâu cả. Riêng nền nhà và trần nhà là tròn 2 con trâu”.

Ông Hoàng Công Mười cho biết, thường cứ 3 năm mỗi trâu nái đẻ 2 lứa. Mỗi nghé nuôi độ 1 năm là được xuất bán. Với 32 trâu, trong đó có 10 cặp trâu nái, mỗi năm ông xuất bán ra thị trường khoảng 10 con, thu về khoảng 150 triệu đồng. 

Ông Cao Xuân Quyền, Bí thư Chi bộ khu dân cư Đọ Xá (phường Hoàng Tân) nhận định: "Nghề nuôi trâu, bò đàn đang là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế ở địa phương chúng tôi. Từ lợi nhuận của nghề nuôi trâu, nhiều gia đình đã khấm khá”.

Tuy nhiên, nghề nuôi trâu đàn cũng đang đối mặt với không ít khó khăn như: vùng nguyên liệu làm thức ăn cho trâu không ổn định, trâu của bà con bán cho các thương lái giết mổ liên tục bị ép giá do có các nguồn hàng nhập từ Lào, Cam-pu-chia.


Nghề nuôi trâu, bò hàng hóa đang phát triển ở nhiều vùng của thị xã Chí Linh như phường Cộng Hòa, phường Hoàng Tân, các xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Đồng Lạc, Tân Dân, Nhân Huệ... Nơi được tận dụng để thả trâu, bò thường là những vùng rừng núi, các vùng đất bãi bỏ hoang và các vùng đất nông nghiệp được thu hồi cho công nghiệp song đang để hoang hóa. Tổng đàn trâu, bò của thị xã hiện có khoảng 5.000 con, chủ yếu là trâu, bò thịt trong đó có hơn 2.000 con trâu.


 NGỌC HÙNG



(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề nuôi trâu đàn