Nghề nuôi trâu

16/02/2021 08:19

Có trăm nghề mưu sinh, nhưng nghề “gột” trâu chọi ở quê tôi quả là một nghệ thuật, công phu. Sự va đập thương trường đã làm nên đức tính con người can đảm, quyền biến và sức dẻo dai để thích ứng trước cuộc đời.


Anh Nguyễn Văn Nam, con trai ông Thiệu là đời thứ tư trong gia đinh nuôi trâu ở xã Tiền Tiến 

Chuyện từ thế kỷ trước

Những năm 70 - 80  thế kỷ trước, con trâu còn là sức kéo chủ yếu trong các HTX nông nghiệp. Ở làng Cập Nhất, xã Tiền Tiến (nay thuộc TP Hải Dương), gia đình cụ Nguyễn Thế Trạch đã có nghề  mua trâu về vỗ béo, rồi bán. Khi những chiếc máy cày (thời đó dân gian gọi là “trâu đỏ”) tràn vào đồng ruộng, thì con trâu đen có da có thịt bị lép vế. Khi ruộng đồng bị thu hẹp nhường diện tích cho những khu công nghiệp, đô thị mới mở ra thì việc nuôi trâu kéo cày đã bị lỗi thời và nhu cầu thịt trâu tươi, giò trâu trong ẩm thực lại thành “mốt”.

Cha truyền con nối, đến ông Nguyễn Văn Thiệu là đời thứ ba kế nghiệp, đã nhanh chóng chuyển sang nuôi trâu thịt, cung cấp thực phẩm cho thị trường. Để kinh doanh lớn, ông thuê đất, xây trang trại quy mô, giành 16.000 ha đất trồng cỏ voi làm thức ăn gia súc. Phân trâu vừa bón vườn cỏ, vừa bán cho các chủ trại trồng trọt quanh vùng… Ông thuê nhân công, trả lương 8 triệu đồng/người/tháng để phụ giúp gia đình.

Bước ngoặt

Năm 2008, một hôm có mấy người từ Đồ Sơn (Hải Phòng) lên thăm trang trại. Tưởng khách mua trâu thịt, hóa ra họ đi khảo sát mua trâu về “gột" để chuẩn bị cho mùa lễ hội chọi trâu truyền thống.

Giống như một cú hích, tự nhiên một ý tưởng lóe lên trong đầu ông Thiệu: “Nuôi trâu chọi!”, cũng từ đấy thức dậy niềm đam mê mới, ông Thiệu quyết tâm chuyển hướng kinh doanh.

Nuôi trâu làm sức kéo và trâu thịt đã gian khổ nhưng nghề “gột” trâu chọi còn gian nan, tốn kém và rủi ro gấp nhiều lần. Đầu tiên là rất công phu tìm nguồn mua trâu.

Hết vào Nam ra Bắc, từ miền xuôi lên mạn ngược, khắp cả vùng Tây Nguyên, Đắc Lắc, Gia Lai, rồi Nghệ An, Đồng Tháp, Kiên Giang… đâu cũng in dấu chân ông. Có lần vừa sấp ngửa mua vé máy bay vào đến nơi, thì chủ trâu đỏng đảnh không bán, quẳng ra câu nói như đâm thủng lỗ tai người mua: “Không bán! Chết để chôn!”.

Anh Nguyễn Văn Nam, con trai ông Thiệu kể lại câu chuyện dở khóc dở cười: Một người ở Campuchia gửi cho anh tấm ảnh con trâu đẹp muốn bán. Từ Long An, anh thuê taxi phóng đi luôn. Đến nơi, chủ nhân dở quẻ không bán trâu trong ảnh, mà thay bằng con khác. Đành ngậm đắng mà về.

Lại một lần, ông Thiệu phải ăn chực nằm chờ 3 tháng ở Đắc Lắc, tốn phí gần 30 triệu đồng cho thương vụ. Người vợ ở nhà lòng dạ như lửa đốt, liên tục gọi điện thoại xem sao, khi bật mạng lên lần nào cũng chỉ thấy chồng nằm buồn thiu trên võng nhà chủ. Bà kể thương vụ ấy chồng bà máu quá vì muốn mua con trâu, đã phải mua con nghé khác bù vào cho ông chủ…

Mua được trâu khó là thế, vận chuyển về đến nhà càng hồi hộp. Ông Thiệu từng phải săn đón 2 năm trời mới mua được con trâu ở Hậu Giang, về tới nơi trâu lăn ra chết, mất đứt 90 triệu đồng...

Thương hiệu "gột" trâu chọi

Phải mất 5 năm tích lũy kinh nghiệm, bàn tay ông Thiệu mới chạm vào bảng vinh danh và làm nên thương hiệu.

Năm 2013, con trâu được chủ sới ở Đồ Sơn mua, đem thi đoạt giải ba. Tiếp năm sau, một con bán cho chủ sới ở Phúc Thọ (Hà Nội) đoạt chức vô địch. Chưa hết, năm 2015, ông Thiệu xuất 2 con trâu cho 2 chủ sới ở Hưng Yên và Chiêm Hóa (Tuyên Quang), cả hai con cùng đoạt giải nhất... 

Lò huấn luyện trâu chọi của gia đình ông Thiệu nổi như cồn, tiếng vang vượt qua biên giới. Có 2 ông khách từ Quế Lâm và Vân Nam (Trung Quốc) lặn lội đến tận chuồng chọn mua. Họ mua 2 con, đem thi chọi ở hai vùng, một con đoạt giải nhất, một con giải nhì. Có một tháng, ông Thiệu xuất đi 3-4 con trâu quý. Thi xong, các chủ sới điện thoại báo hỉ, đến nỗi làm cho máy ông Thiệu nóng ran.

Nghề “gột” trâu chọi của gia đình ông Thiệu được giới trong nghề đưa vào hạng có “số má”, lại rất mát tay. Có năm, ông bán sang Trung Quốc từ 70-100 con, với giá từ  80-200 triệu đồng/con.

Để tái sản xuất, kinh doanh, ông Thiệu mua 2 xe tải làm phương tiện vận chuyển và giao dịch. Nghề “gột” trâu vốn đầu tư phải hàng chục tỷ nhưng hằng năm cho thu nhập trên dưới 2 tỷ đồng.

Hơn chục năm làm nghề “gột” trâu chọi, ông Thiệu không nhớ hết đã xuất đi bao nhiêu con trâu ra thị trường, để rồi mang về cho các chủ sới trong nước và nước ngoài bao nhiêu giải thưởng. Bây giờ trang trại có trên 100 con trâu đẹp và năm tới sẽ mở rộng lên từ 150-200 con.

Người kế nghiệp

Năm nay anh Nguyễn Văn Nam (con ông Thiệu) 27 tuổi, là người kế nghiệp đời thứ tư trong gia đình. Ngày nhỏ, anh Nam vẫn phụ giúp cha mẹ nuôi trâu. Lớn lên, anh ra Hà Nội theo học Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật, rồi học tiếp Khoa Thanh nhạc Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Có dịp nghỉ về quê, nhìn cảnh cha mẹ nuôi trâu, tự nhiên máu kinh doanh trong anh trỗi dậy. Anh quay ngoắt 180 độ sang nghề "gột” trâu chọi cùng với gia đình. Con nhà nòi, anh Nam bắt nhịp rất nhanh trong quy trình nuôi trâu thời @. Anh thạo mạng xã hội, lại biết giao dịch bằng tiếng Trung Quốc, Campuchia. 

Vào nghề mới gần 6 năm, nhưng anh Nam từng trải, nhiều lần đi Myanmar, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan và các tỉnh, thành phố trong nước để giải quyết các thương vụ. Bạn bè anh nói vui: "Đấy là thiếu gia nuôi trâu, người kế nghiệp gia đình".

Nhà có 2 anh em, họ chia nhau công việc. Anh Nam tìm nguồn, đi mua trâu, vận chuyển về nhà. Người em là anh Bắc cao to thì đảm nhiệm “huấn luyện”, để nâng cao chất lượng trâu trước khi đem bán. Công việc huấn luyện rất tỉ mỉ, có phần nguy hiểm. Anh Bắc thường đi xem lễ hội chọi trâu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để về huấn luyện tạo ra trâu tốt, có khả năng chống chịu được đòn của đối phương.

Cứ nghĩ tới hình ảnh con trâu hiên ngang, khoác tấm vải đỏ trên lưng, vểnh cao đôi sừng đen nhánh, hùng dũng sau chiến thắng giữa tiếng trống đại và tiếng người reo hò vang động không gian, người nuôi trâu như ông Thiệu càng thêm phấn khích. Khi ấy con trâu không đơn thuần chỉ là loài vật, nó nhắc ta nghĩ đến một giá trị tinh thần, nét đẹp thượng võ dân tộc và con trâu trở thành biểu tượng về sức khỏe, sự sinh sôi.

Xưa, con trâu là “đầu cơ nghiệp”, đẹp giữa bức tranh dân gian ngày Tết. Nay, con trâu ở làng Cập Nhất và đối với gia đình ông Thiệu, 4 đời gia truyền, vẫn là “thần tài” mang đến thịnh vượng, hạnh phúc, sinh sôi.

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề nuôi trâu