Những năm gần đây nhiều hộ dân ở xã Tân Việt (Bình Giang) đã phát triển nghề nuôi dê theo hình thức chăn thả, nhốt chuồng, mang lại thu nhập khá cho người dân...
Nghề nuôi dê mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ ở xã Tân Việt
Tận dụng bờ bãi, đồng cỏ bỏ hoang, những năm gần đây nhiều hộ dân ở xã Tân Việt (Bình Giang) đã phát triển nghề nuôi dê theo hình thức chăn thả, nhốt chuồng. Đây là xã đầu tiên của huyện phát triển nghề này.
Người đầu tiên nuôi dê trong xã là ông Vũ Đình Sắc ở thôn Lý Đỏ. Năm 2011, sau khi tham quan mô hình nuôi dê ở Sơn Tây (Hà Nội), ông Sắc quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng mua 20 con dê giống về chăn thả. Chỉ trong vòng 4 năm, từ 20 con dê giống ban đầu, ông phát triển số lượng đàn lên 90 con, trong đó có hơn 50 con sinh sản và 5 con dê bố. Ông Sắc cho biết: "Đàn dê của gia đình tôi chủ yếu là giống dê bách thảo và dê ngoại nhập. Dê ngoại nhập có nhiều ưu điểm vượt trội như ăn khỏe, khả năng sinh trưởng và thích ứng với môi trường tốt, con cái trưởng thành có thể đạt trọng lượng gần 80 kg. Dê thương phẩm chỉ trong vòng 5 tháng đã có thể xuất chuồng với trọng lượng từ 25-30 kg/con. Mỗi năm, dê sinh sản từ 1-2 lứa, trung bình mỗi lứa đẻ được 2 con. Quá trình chăm sóc chỉ cần 1 lao động chính chăn thả tại các bờ cỏ, ruộng bãi bỏ hoang".
Ở xã Tân Việt, ngoài ông Sắc còn có nhiều hộ khác ở thôn Bằng Giã, Bình An cũng đang nuôi dê cho hiệu quả kinh tế như gia đình các ông Đặng Văn Kiệm, Đặng Văn Hiền, Phạm Văn Quang, Phạm Văn Hải (thôn Bằng Giã), Phạm Huy Hân, Phạm Văn Cừ (thôn Bình An)... Những hộ này thường xuyên duy trì đàn dê từ 60-70 con. Từ 20 con dê sinh sản ban đầu đến nay đàn dê của gia đình ông Đặng Văn Kiệm đã lên tới 50 con. Gia đình ông chủ yếu nuôi dê theo hình thức chăn thả tự nhiên nên thương lái thường đến tận nhà thu mua với giá cao. Ông Kiệm cho biết: "Hiện nay, giá bán dê thương phẩm từ 100.000 - 120.000 đồng/kg và dê giống khoảng 130.000 đồng/kg. Mỗi năm gia đình tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng".
Ngoài chăn thả tự nhiên, ở thôn Bằng Giã còn phát triển mô hình nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Năm 2013, sau khi tham quan mô hình nuôi dê ở Hà Nội, Bắc Ninh, ông Đặng Văn Hiền quyết định mua 10 con dê giống về nuôi thử. Để có chỗ cho dê tránh mưa, tránh nắng, ông phá bỏ 6 gốc nhãn để làm chuồng. Hiện tại, trong chuồng có 6 con dê mẹ và 20 con dê thương phẩm. Nuôi dê theo hình thức nhốt chuồng đòi hỏi người nuôi mỗi ngày phải cung cấp lượng thức ăn dồi dào và bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, nếu không dê dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp.
Theo ông Phạm Văn Cừ ở thôn Bình An, việc nuôi dê nhốt chuồng đòi hỏi chi phí đầu tư làm chuồng khá lớn, khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên người nuôi có thể chủ động cho dê giao phối để bảo đảm chất lượng con giống. Nuôi theo hình thức này người nuôi phải am hiểu kỹ thuật phòng bệnh để tránh dê mắc các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng tới chất lượng dê con.
Ông Vũ Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Việt cho biết: "Để nghề nuôi dê phát triển, sắp tới UBND xã sẽ chỉ đạo các HTX tại 4 thôn phối hợp với cán bộ khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật nuôi dê cho nông dân. Xã sẽ tiếp tục quan tâm phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là tổ chức tiêm phòng cho đàn dê; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tận dụng ưu thế từ đồng cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc, nhất là nuôi dê".
Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế khá nhưng nuôi dê theo hình thức nhốt chuồng đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Để bảo đảm vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, người chăn nuôi cần đặt chuồng nuôi xa nơi ở, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi.
ÁI LIÊN