“Nghệ nhân nhí” gìn giữ ca trù

15/01/2022 17:35

Những đôi tay nhỏ nhắn gõ đều nhịp phách, giọng ca trong trẻo, hồn nhiên… là những điều mà khán giả cảm nhận được khi xem những “nghệ nhân nhí” trình diễn nghệ thuật ca trù.


Các ca nương trẻ của Câu lạc bộ Ca trù Dân Chủ say sưa tập luyện

Những đứa trẻ ở độ tuổi cắp sách đến trường lại là những người đang nắm giữ tương lai của một di sản độc đáo, mang lại hy vọng, sức sống cho nghệ thuật ca trù.

Lớn lên cùng ca trù

Trải một chiếc chiếu lớn giữa nhà, ông Vũ Công Bạo cùng vài thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Dân Chủ (Tứ Kỳ) ngồi quây quần bắt đầu một buổi tập luyện. Đặt cỗ phách trước mặt rồi ngồi ngay ngắn cùng mọi người, 3 cô bé Ánh, Băng và Quyên mới chỉ ở độ tuổi 11-13 thể hiện rõ phong thái của những đào nương thực thụ. Được biết, cả 3 cô bé tham gia lớp tập huấn ca trù do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh tổ chức từ 2 năm nay, sau đó tiếp tục được các thành viên của CLB rèn giũa để thành thục kỹ năng hát ca trù.

Trong tổng số 20 thành viên của CLB Ca trù Dân Chủ thì có tới 6 thành viên đang ở độ tuổi học sinh. Tranh thủ thời gian cuối tuần hay dịp được nghỉ hè các cháu tham gia tập luyện cùng CLB. Bà Phạm Thị Thúy, thành viên CLB Ca trù Dân Chủ chia sẻ: “Tôi cho 2 cháu ngoại của mình là Vũ Hải Băng (11 tuổi) và Vũ Hải Anh (10 tuổi) cùng theo học nghệ thuật ca trù. Các cháu học rất nhanh bởi từ khi sinh ra đã được “thấm” ca trù qua lời hát ru của tôi cho tới khi lớn lên thì được xem chúng tôi biểu diễn. Vì vậy chỉ theo học trong thời gian ngắn các cháu đã nắm khá tốt kiến thức và có thể biểu diễn được một vài tiết mục ca trù”.

Những người tham dự buổi lễ bế mạc tập huấn ca trù năm 2020 do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh tổ chức khó có thể quên hình ảnh cô bé An Nguyễn Thuỷ Tiên, quê ở Thanh Miện. Trên sân khấu, Thủy Tiên với thân hình nhỏ nhắn, hóa thân thành một ca nương tài năng, tự tin khoe chất giọng cao vút, luyến láy điêu luyện, đã chiếm được tình cảm của đông đảo khán giả có mặt. Nhờ niềm đam mê và tài năng của mình, Thuỷ Tiên từng hai lần đại diện cho tỉnh nhà tham gia trình diễn và nhận được giải nhất tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 ở Hà Tĩnh và Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2019 tại Nha Trang.

Học khó, giữ khó hơn

Theo thống kê của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 15 em lứa tuổi từ 8 - 15 đã theo học ca trù trên 2 năm, chủ yếu là ca nương và nắm được cơ bản kỹ năng hát ca trù. Riêng lớp tập huấn ca trù do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh tổ chức năm 2021, các em ở lứa tuổi học sinh chiếm tới gần một nửa số học viên tham gia khóa học.

Chị Đoàn Thị Chinh, giáo viên Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh trực tiếp giảng dạy ca trù cho rằng ngoài việc ngành văn hóa tạo điều kiện để tổ chức lớp tập huấn ca trù hằng năm, ở một số địa phương thành lập được nhóm hát, CLB ca trù thì việc các thành viên trong gia đình cùng đam mê và theo học ca trù sẽ mang lại lợi thế rất lớn. Bởi sau mỗi buổi học trên lớp thì khi về nhà, các thành viên có thể cùng nhau ôn lại kiến thức, dễ dàng duy trì việc thực hành thường xuyên cũng như tạo động lực cho người học.

Tuy nhiên, qua nhiều năm giảng dạy, chị Chinh cũng như các cán bộ Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh đều mang trăn trở. Việc học ca trù tưởng dễ nhưng lại rất khó, mặc dù khẳng định các học trò nhỏ rất yêu ca trù và cũng tiếp thu rất nhanh, nhưng ít nhất cũng phải mất từ 2-3 năm để các em từ cảm được ca trù đến ngâm hơi, nhả chữ thành thục. Việc đào tạo đã khó nhưng việc giữ được còn khó hơn. Bởi nhiều học viên trẻ có tài năng, triển vọng, theo học lớp tập huấn nhiều năm, nhưng khi lên lớp cao hơn thì thời gian học tập của các em chiếm quá nhiều, không thể theo học ca trù được nữa. Như trường hợp của ca nương trẻ Nguyễn Ngọc Ánh (TP Hải Dương) là một trong những ca nương được đánh giá rất có triển vọng, tuy nhiên hiện nay cũng bỏ dở bộ môn này.

Từ khi ca trù được UNESCO ghi danh, tỉnh đã ban hành chương trình hành động bảo tồn di sản ca trù giai đoạn 2010-2020, với nhiều biện pháp nhằm giữ gìn và phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật ca trù đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, để nghệ thuật ca trù tiếp tục được giữ gìn và phát huy hiệu quả thì trong thời gian tới, ngành văn hóa cùng chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản này, nhất là việc quan tâm, đào tạo lớp trẻ kế cận.

NGUYỄN TRƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Nghệ nhân nhí” gìn giữ ca trù