Nghề làm nón lá ở Lũng Quý

05/11/2014 06:40

Không chỉ tăng thêm thu nhập cho gia đình mà khâu nón còn tạo niềm vui, những phút thư giãn quý giá đối với người dân nơi đây.



Chiếc nón lá Lũng Quý nổi tiếng về chất lượng cũng như mẫu mã đẹp


Làm nón là nghề truyền thống đã có từ lâu đời, nuôi sống dân làng Lũng Quý, xã Kiến Quốc (Ninh Giang). Không chỉ tăng thêm thu nhập cho gia đình mà khâu nón còn tạo niềm vui, những phút thư giãn quý giá đối với người dân nơi đây.

Theo các hộ làm nón ở Lũng Quý, để có được một chiếc nón phải trải qua 15 khâu, từ việc lựa chọn lá, sấy lá, mở, ủi, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ... Ngoài tác dụng che chắn nắng, gió, bụi, nón lá còn như một sản phẩm thể hiện nét văn hóa của người dân nông thôn. Theo tục xưa, đến ngày cưới vợ cho con trai, khi mẹ chồng nhận nàng dâu mới đều trao nón cho con, với tâm niệm trao cả niềm tin, hy vọng về một tương lai đủ đầy, sung túc mà con dâu sắp đón nhận, còn cô dâu sẽ được che chở trong tình yêu thương của chồng cũng như gia đình nhà chồng. Ngày nay, xã hội phát triển, chiếc nón dần bị mất đi, thay vào đó là những loại mũ được thiết kế theo kiểu hiện đại, thời trang nên nghề đan nón ở Lũng Quý có nguy cơ bị mai một.

Sinh năm 1958, khâu nón từ năm 13 tuổi, bà Nguyễn Thị Tuyến ở đội 3, thôn Lũng Quý cho biết, khi bà sinh ra thì nghề khâu nón ở đây đã có rồi. Trước đây chưa có chỉ cước, bà và những người làm nón trong thôn phải dùng bẹ lá cây thuộc loại thơm tước lấy phần tơ ngâm nước vài ba ngày cho nát phần thịt lá, dùng bàn chải chải lấy phần tơ làm chỉ để chằm nón. Hiện nay, mọi nguyên liệu làm thành một chiếc nón hoàn chỉnh được nhiều hộ ở đây nhập từ thôn Đan Giáp, xã Thanh Giang (Thanh Miện) nên rất tiện lợi. Giá nguyên liệu cho một chiếc nón khoảng 12 nghìn đồng. Sau khi hoàn chỉnh, bán được 35 - 40 nghìn đồng/chiếc tùy theo hình thức đẹp hay xấu, đường khâu mịn hay vênh. Một ngày vừa ngồi khâu nón, vừa làm việc vặt trong nhà, bà Tuyến khâu được 2 - 3 chiếc. Mấy năm về trước, đó là khoản thu nhập không nhỏ, nhưng hiện nay thì rất thấp nên nhiều người bỏ nghề, đi làm công ty.

Bà Tô Thị Chuốt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kiến Quốc cũng là một người khâu nón đẹp có tiếng ở làng Lũng Quý nói: “Hiện nay, có nhiều việc làm hấp dẫn, thu nhập cao nên nhiều người bỏ nghề. Trước đây, làng có gần 50 gia đình khâu nón, thì nay chỉ còn khoảng 20 hộ. Nón lá Lũng Quý từ lâu đã nổi tiếng về chất lượng cũng như mẫu mã đẹp. Chúng tôi hy vọng, thời gian tới, nghề khâu nón trong thôn sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển trở lại, đồng thời cũng muốn sản phẩm này có cơ hội tiêu thụ ra nhiều địa phương khác và xuất khẩu ra nước ngoài".

Nghề đan nón ở Lũng Qúy có nguy cơ mai một nhưng đâu đó vẫn có những đôi tay mềm mại, khéo léo, đôi mắt tinh tường duy trì nghề từng ngày. Người đan nón lá Lũng Quý mới chỉ làm theo hình thức cá thể, mà chưa thành lập được nhóm, tổ hợp tác.

PHẠM LƯƠNG THIỆN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề làm nón lá ở Lũng Quý