UBND tỉnh vừa công nhận nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu ở phường Tân Hưng (TP Hải Dương) là nghề truyền thống.
Nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu đã tồn tại hơn 580 năm, phục vụ nhu cầu đời sống văn hoá, xã hội, tinh thần, góp phần lưu giữ những giá trị văn hoá, lịch sử, lan toả tri thức cho cộng đồng, xã hội.
Đức tổ nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu là Thám hoa Lương Như Hộc, người được triều đình nhà Lê cử đi sứ nhà Minh (Trung Quốc) 2 lần vào các năm 1443 và 1459. Sau 2 lần đi sứ, ông đã mang nghề khắc in mộc bản về quê hương, truyền dạy cho người dân. Nghề khắc in mộc bản phát triển vào thời Hậu Lê (thế kỷ XV), đạt đỉnh cao vào thời Nguyễn với tên tuổi của phường in Hồng Liễu (tên cũ của làng Thanh Liễu).
Hiện còn 8 hộ làm nghề khắc in mộc bản tại khu dân cư Thanh Liễu. Thu nhập trung bình mỗi năm của thợ khắc in mộc bản từ 120-150 triệu đồng, nghệ nhân từ 150-200 triệu đồng. Công đoạn chuẩn bị ván khắc đã được áp dụng máy móc, riêng khắc mộc bản thực hiện thủ công.
Trước đó, trên địa bàn TP Hải Dương có 3 nghề được công nhận là nghề truyền thống gồm mộc Nguyễn Xá, mộc Đức Minh, bánh đa Lộ Cương.
PV