Nghề hóng sale

16/12/2018 14:57

Các đợt sale (giảm giá) lớn trong năm là thời điểm kiếm bộn tiền của những người nhận đặt hàng hộ khách. Thế nhưng, nghề này cũng chịu không ít vất vả, rủi ro.

Nghề nhận đặt hàng giảm giá mang lại thu nhập khá cao nhưng cũng không ít rủi ro

Kiếm bộn tiền từ mùa sale

Sẵn có vốn tiếng Trung nên gần 1 năm nay, ngoài công việc nhân viên văn phòng, chị Nguyễn Thị Thơm ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà) còn làm thêm nghề phụ là đặt hàng Quảng Châu cho khách. Theo chị Thơm, quần áo Quảng Châu đẹp nhưng không hề rẻ nếu chưa phải mùa giảm giá. Từ kinh nghiệm của chị, những đợt sale lớn trong năm là cơ hội để mua hàng với giá chỉ bằng một nửa, thậm chí ít hơn. Chị Thơm cho biết: “Tôi thường xuyên vào các trang web về thời trang của Trung Quốc theo dõi thông tin để nắm được các hãng hoặc mặt hàng sẽ giảm giá. Tôi nhận đặt hàng bằng cách đăng trước đường link sản phẩm lên trang Facebook cá nhân cho khách lựa chọn. Sau đó tôi sẽ gom đơn, đợi đến khi khuyến mãi sẽ đặt mua và vận chuyển về Việt Nam để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng". Vào những đợt giảm giá, hầu như ngày nào chị cũng nhận được từ 15-20 đơn hàng. Nếu tính cả tiền công đặt, tiền chênh lệch tỷ giá, mỗi đợt chị Thơm có thể kiếm được 20-30 triệu đồng. Không chỉ vậy, nếu thấy giá sản phẩm giảm sâu, chị Thơm còn đầu tư thêm tiền để "ôm" hàng về bán sau mỗi đợt giảm giá.

Cũng giống như chị Thơm, chị Đàm Thị Vân ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) đã có 3 năm kinh nghiệm "săn" các mặt hàng giảm giá cho khách như túi xách, đồng hồ, quần áo, giầy dép… của các thương hiệu lớn ở châu Âu. Theo chị Vân, muốn trở thành một người nhận đặt hàng giảm giá chuyên nghiệp cần phải sử dụng thành thạo tiếng Anh và am hiểu về các trang web mua hàng nước ngoài. Đặc biệt là nắm được thông tin "sale off" (một đợt giảm giá để thúc đẩy doanh số bán hàng) từ các thương hiệu được ưa chuộng cùng thời điểm giảm giá lớn trong năm như Black Friday, Cyber Monday, Christmas Sale, Online Friday... 

Chị Vân cho biết: “Vào đợt giảm giá lớn nhất trong năm như Black Friday vừa qua, tôi phải thuê 2 nhân viên cùng túc trực trả lời tin nhắn, tư vấn cho khách chọn mẫu, kích cỡ. Với 100 khách hàng đặt cọc, tôi thu về gần chục triệu đồng, chưa kể các đơn sẽ phát sinh trong ngày chính hội sale”. Chị Vân cũng thường tận dụng gom các đơn hàng theo thương hiệu để hưởng ưu đãi khi mua với số lượng lớn. 

Theo chị, hầu hết dân "hóng" sale chuyên nghiệp đều nhận thêm cả công việc mua và chuyển hàng cho khách. Đầu mối càng lớn, khách càng nhiều thì doanh số thu về càng cao. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, giá sản phẩm thường được người nhận đặt hàng trung gian tính theo công thức: giá trên web x tỷ giá (USD, Euro, bảng Anh) + tiền công + cước vận chuyển. Ngoài tiền công trên mỗi sản phẩm, họ còn kiếm thêm nhờ chênh lệch giữa giá chợ đen với tỷ giá ngân hàng.

Chị Nguyễn Thị Huyền ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), vốn là tín đồ mua hàng giảm giá cho biết: "Việc mua hàng giảm giá qua các đầu mối trung gian là lựa chọn hấp dẫn cho những người thích mua hàng hiệu nước ngoài nhưng không thông thạo ngoại ngữ như tôi. Tuy phải bỏ ra số tiền cao hơn so với việc tự đặt song tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức".

Thức đêm, nhịn ăn chờ giảm giá

Công cụ những "thợ săn" hàng giảm giá hay dùng là Facebook

Nghề nhận đặt mua hàng giảm giá mang lại thu nhập khá cao nhưng những người làm nghề chịu không ít vất vả và chấp nhận cả rủi ro. Vào những đợt giảm giá lớn trong năm, họ thường xuyên phải thức đêm, ăn uống qua loa, thậm chí bỏ bữa để canh hàng giảm giá cho khách. Chị Vân chia sẻ: "Sau những đợt sale lớn, tôi rất mệt, phờ phạc vì thức đêm nhiều. Do chênh lệch múi giờ nên khi hàng giảm giá được mở bán ở nước ngoài thì tại Việt Nam thường là đêm hoặc sáng sớm. Những mặt hàng giảm giá thường hết rất nhanh nên phải canh từng phút, từng giây". 

Khó khăn nhất trong thời điểm bắt đầu giảm giá là các kênh bán hàng online rất khó kết nối do lượng người truy cập lớn. Vì vậy, không phải lúc nào cũng đặt được những món hàng giống như khách yêu cầu. Không ít trường hợp đơn hàng của khách bị đổ do hết size, hết màu hay hết hàng. "Những khách hiểu, thông cảm cho thì chỉ yêu cầu chuyển lại tiền đặt cọc nhưng cũng có trường hợp tôi phải ngồi nhắn tin giải thích cả tiếng nhưng vẫn bị khách mắng", chị Vân nói. Chưa kể, sau mỗi lần đăng đường link sản phẩm giảm giá, khách hàng liên tục nhắn tin nhờ tư vấn chọn mẫu, chọn kích cỡ rồi đặt hàng, chị Vân phải ngồi trả lời mỏi tay không kịp. Để "giữ chân" khách, ngoài tư vấn, chị còn phải săn hàng đẹp, giá mềm giới thiệu cho khách. Những khách quen, khách Vip thì được miễn phí tiền đặt cọc.

Theo chị Vân, những mặt hàng được giảm giá thường có điều kiện đi kèm là không được đổi trả, mua với số lượng lớn... nên phải bỏ ra số tiền lớn để "ôm" hàng. Một số ít trường hợp khách nhắn tin đặt hàng song lại "bùng". Ngoài ra, những người nhận đặt sale còn phải đối mặt với những rủi ro như mất hàng, thiếu hàng, hàng bị thất lạc trong quá trình vận chuyển. Không chỉ vậy, vào những đợt cao điểm hàng thường về chậm hoặc gặp trục trặc từ khâu hải quan.

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề hóng sale