Lao động - Việc làm

Nghề hái “quả hạnh phúc”

BẢO ANH 15/10/2023 14:15

Quả cau, miếng trầu có mặt trong lễ cưới hỏi như một biểu tượng cho tình yêu son sắt. Vì thế mà thợ trèo hái cau thường ví mình là những người hái “quả hạnh phúc”.

W_leo-cay-cau.jpg
Anh Lương Văn Hiệp ở xã Liên Mạc (Thanh Hà) có kinh nghiệm hơn 5 năm trèo và hái cau

"Tuyệt kỹ"

Một ngày làm việc của anh Lương Văn Hiệp, thợ trèo cau có tiếng ở xã Liên Mạc (Thanh Hà) thường bắt đầu khi mặt trời vừa thức dậy. Vợ chồng anh rong ruổi khắp các xóm, thôn trong và ngoài tỉnh để mua cau.

Anh Hiệp bảo, các cụ có câu “Nhà có phúc sinh con biết lội, nhà có tội sinh con ham trèo”. Người xưa rất cảnh giác với việc leo trèo, mà trèo cau, một loại cây ít mắt, ít cành thì càng khó và nguy hiểm.

Vừa nói, anh Hiệp vừa lấy chiếc nài vải quấn chân và nhanh thoăn thoắt trèo lên một cây cau cao tầm 15 m thành thạo như một người đã từng tham gia gánh xiếc nhiều năm. Lên đến ngọn cau, anh Hiệp nhanh tay dùng con dao nhỏ cắt từng buồng cau và đeo dây thả xuống cho vợ đỡ ở dưới gốc. Lúc trượt từ ngọn cau xuống đất anh Hiệp cũng thực hiện khá dễ dàng.

Chị Tô Thị Nga, vợ anh Hiệp theo chồng đi mua cau nhiều lần nhưng chị không dám trèo vì sợ độ cao. Thấy chồng trèo tới ngọn cau người bé tí tẹo, đu đưa giữa trời nắng chị lại gọi vọng lên nhắc anh cẩn thận. Chị Nga bảo: “Anh ấy bạo dạn, lại có kinh nghiệm nên chưa đầy một phút là lên đến ngọn cau. Còn mình chắc cho tiền cũng không dám leo lên đó”.

Leo cau cũng phải có tuyệt kỹ. Người trèo phải biết kết hợp lực ở tay và chân. Di chuyển từ gốc lên ngọn cau phải uyển chuyển, nhịp nhàng để không lỡ nhịp, nếu trượt khỏi thân cau khá nguy hiểm. Quan trọng nhất khi trèo cau, sợi dây nài phải được kẹp chặt vào hai chân làm bệ đỡ giúp chân bám chặt thân cây vững chắc. Dùng dây nài không quen sẽ làm tay và chân tê mỏi. Với những người có thâm niên, họ biết nhìn thân cau để quấn nài phù hợp.

W_z4769458041107_347086e5b9b8999217be319b1e6102c1-1-.jpg
Thợ trèo cau phải có đôi chân chắc, khỏe mới có thể leo và bám vào thân cau lâu

Với những thợ mới vào nghề thì sợ nhất là trèo phải cau tơ lại gặp trời mưa vì thân cây trơn, dễ trượt nên phải lần từng đốt, còn cau già, thân sần sùi dễ trèo hơn nhiều. “Ban đầu chưa quen, trèo lên đến ngọn cau nhìn xuống dưới đất chóng mặt, hoa mắt tôi phải tụt nhanh xuống gốc. Mất gần nửa tiếng định thần lại mới dám trèo tiếp. Giờ thì leo quen nên thân cau nào cũng làm được hết”, anh Nguyễn Văn Vịnh, thợ trèo cau ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) chia sẻ.

Nghề trèo cau không dành cho những người sợ độ cao và sức khỏe kém. Bởi ngoài sự dũng cảm họ cần có thể lực tốt để có thể treo mình lơ lửng trên những ngọn cau cao chót vót.

Gian nan

Nhiều người ví thợ trèo cau “ăn cơm mặt đất… làm việc trên trời” bởi hằng ngày họ phải treo mình trên những ngọn cau từ sớm tới tối. Với nghề này không chỉ biết trèo là đủ mà đòi hỏi phải có bản lĩnh và sự cẩn thận. Mưu sinh ở lưng chừng trời chỉ cần hụt tay, sa chân là nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, nguyên tắc bất di bất dịch đối với mỗi thợ trèo cau là phải kiểm tra dây nài thật kỹ trước khi làm việc. Thợ trèo cau còn phải tinh mắt, thính tai. Bởi trên ngọn cau nhiều khi có ong vò vẽ, kiến càng, thậm chí có cả rắn lục. Nếu không để ý rất dễ gặp nguy hiểm, thậm chí không kiểm soát được có thể rơi từ ngọn cau xuống mất mạng.

W_nai-vai.jpg
Chiếc nài vải là dụng cụ quan trọng nhất giúp thợ leo cau bám chắc và thuận lợi giữ mình treo lơ lửng trên thân cau

Dụng cụ của những thợ trèo cau khá đơn giản chỉ một chiếc nài và một con dao nhíp gấp thật sắc bỏ túi hoặc dắt sau lưng. Vốn là nghề nguy hiểm và vất vả nên không nhiều người theo được nghề này. Bà Trần Thị Tranh ở phố Bùi Thị Cúc (TP Hải Dương) biết trèo cau từ khi mới hơn 20 tuổi. Là phụ nữ nhưng bà Tranh trèo cau thành thục không kém cánh đàn ông, bởi bà đã được bố truyền nghề từ rất sớm và dạy cho tất cả các kỹ thuật trèo cau an toàn. Bây giờ, tuổi cao, sức yếu nên bà Tranh ít khi trèo cau mà ở nhà mua lại và bán lẻ trước cửa nhà. Bà Tranh cho biết: “Tôi giải nghệ ở nhà làm nghề buôn cau ngót chục năm nên quen biết khá nhiều thợ làm nghề này. Nghề trèo cau kiếm sống được nhưng rất nguy hiểm. Nhiều người làm nghề chỉ được 1-2 năm rồi bỏ. Người nào sức khỏe tốt, kiên trì, can đảm có thể theo nghề được lâu hơn. Thậm chí cũng có người bị ngã gãy tay, gãy chân phải giải nghệ ngay tháng đầu”.

W_mam-cau.jpg
Giờ đây ít người ăn trầu nên quả cau chủ yếu để làm mâm lễ ăn hỏi

Ăn trầu cau vốn là phong tục đẹp của người Việt. Cuộc sống đổi thay, giờ chẳng mấy ai còn nhai trầu nữa vì thế mà nghề trèo cau cũng dần mai một. Theo anh Nguyễn Văn Đước, thợ trèo cau ở phường Hải Tân (TP Hải Dương), 3-4 năm trước khi Trung Quốc còn thu mua nhiều thì nghề trèo cau khá giả nhưng nay họ không mua nữa và người ăn trầu cũng ít dần thì quả cau không còn được ưa chuộng. Vì thế nghề hái cau cũng không còn nhiều người theo vì thu nhập thấp. Thợ lành nghề có thể trèo được từ 20-30 cây/ngày, hái được khoảng 3-4 tạ quả thì thu về cũng chỉ được 300.000-400.000 đồng/ngày tiền lãi. “Mùa cưới, giá cau cao có thể lãi hơn chút đỉnh nhưng mùa khác thì cau ế. Có hôm mang về chẳng bán được cho lái buôn lại phải phát cho những người già trong xóm”, anh Đước nói.

Chưa có một thống kê cụ thể về số lượng người làm nghề hái cau ở Hải Dương nhưng thợ trèo cau nhiều nhất phải kể đến ở các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Kim Thành. Những địa phương này hiện nay còn nhiều nhà trồng cau và nghề trèo cau cũng vẫn được nhiều người duy trì.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Nghề hái “quả hạnh phúc”